Thế giới tuần qua: Hợp tác bình đẳng và cùng có lợi

Tăng cường sự hợp tác trên cơ sở bình đẳng để giải quyết các thách thức chung, đem lại lợi ích, sự ổn định, bền vững là mục tiêu chung của một số sự kiện trong tuần qua (11-18/12). Bên cạnh đó, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh, sức khỏe,… cũng là những tin tức đáng chú ý trong tuần.

Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU

Trong các ngày 13 -14/12/2022, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN – EU đã diễn ra tại Brussels, Vương quốc Bỉ, với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao các nước ASEAN và EU. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều biến động, thách thức mang tính toàn cầu, quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN – EU cũng đang được thúc đẩy hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Đây là lần đầu tiên lãnh đạo ASEAN gặp gỡ với đầy đủ lãnh đạo các nước thành viên EU, cho thấy hai bên đều hết sức coi trọng, cam kết mạnh mẽ thúc đẩy mối quan hệ đối tác này; là cơ hội tốt để các Lãnh đạo hai bên đề ra những định hướng quan trọng nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ ASEAN - EU thời gian tới.

 Lãnh đạo các nước ASEAN - EU tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU (Ảnh: Nhật Bắc)

Kết quả nổi bật là Hội nghị đã thông qua Tuyên bố chung, nhấn mạnh: ASEAN và EU đều coi trọng vai trò và vị trí của nhau, cam kết tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược trên cơ sở đề cao luật pháp quốc tế, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Hai bên đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thương mại, ổn định chuỗi cung ứng, hợp tác an ninh biển, kết nối, hỗ trợ nâng cao năng lực y tế, chuyển đổi số, quản lý thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, phát triển xanh và bền vững...

Nhân dịp này, EU công bố đóng góp 10 tỷ Euro hỗ trợ triển khai chiến lược Cửa ngõ toàn cầu thông qua các dự án hợp tác, khởi động Sáng kiến Nhóm châu Âu về kết nối bền vững tại ASEAN, đồng thời triển khai Chương trình Sáng kiến Xanh trị giá 30 triệu Euro hỗ trợ hợp tác ASEAN - EU thời gian tới.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác đa phương, chia sẻ các giá trị và lợi ích chung, thúc đẩy luật pháp quốc tế, giải quyết các thách thức khu vực và toàn cầu. Các nước khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, kêu gọi thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, xây dựng Bộ COC hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Tham dự Hội nghị lần này, Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia chủ động, tích cực, đóng góp quan trọng và có trách nhiệm cho thành công chung của Hội nghị, cả trong quá trình chuẩn bị tổ chức, tham gia thảo luận tại Hội nghị cũng như xây dựng văn kiện.

Thành công của Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ ASEAN - EU đã góp phần củng cố hơn nữa mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa ASEAN và EU, là động lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai khu vực với mục tiêu hài hòa lợi ích và phát triển bền vững.

Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Nhóm G77 và Trung Quốc

Ngày 15-16/12/2022, Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Nhóm G77 và Trung Quốc đã diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ) theo sáng kiến của Pakistan - nước Chủ tịch G77 năm 2022.

Hội nghị có chủ đề “Thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG): Giải quyết thách thức hiện nay và Thích ứng với khủng hoảng trong tương lai”, tập trung thảo luận các biện pháp huy động tài chính, thúc đẩy các hành động khí hậu, tăng cường hợp tác thương mại – đầu tư nhằm thực hiện SDG. Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đến từ 131 nước thành viên nhóm G77 và đại diện các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc. Thừa uỷ quyền của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng và đại diện Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc đã tham dự Hội nghị.

 Tham dự hội nghị có hơn 300 đại biểu, gồm Bộ trưởng, Thứ trưởng, Đại sứ-Trưởng Phái đoàn đến từ 131 nước thành viên nhóm G77 và đại diện các cơ quan liên quan của Liên hợp quốc.  (Nguồn ảnh: CPV)

Hội nghị đặc biệt lần này được tổ chức trong bối cảnh tình hình kinh tế - chính trị quốc tế đang diễn ra nhiều thay đổi nhanh chóng, sâu sắc. Các nước đánh giá thế giới đứng trước nhiều thách thức, đã và đang tác động đa chiều đến các nước đang phát triển là thành viên của G77, nhất là dịch COVID-19 kéo dài, nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn tài chính-tiền tệ, lạm phát, nợ công, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực – năng lượng và gia tăng căng thẳng địa chính trị. Hội nghị đã thông qua Văn kiện kết quả nhấn mạnh yêu cầu các bên liên quan cần hành động ngay để đạt được các SDG theo phương châm không bỏ ai lại phía sau.

Việc tổ chức tiếp nối hai Hội nghị Bộ trưởng của Nhóm G77 và Trung Quốc trong năm 2022 đã cho thấy yêu cầu cấp bách trong tăng cường phối hợp chính sách, định hình ưu tiên và đẩy nhanh các hành động nhằm vượt qua khó khăn, duy trì tăng trưởng kinh tế và thực hiện các SDG. Hội nghị thống nhất cần bảo đảm việc xử lý thách thức trong ngắn hạn, đồng thời không làm chệch hướng các mục tiêu phát triển dài hạn. Các kết quả của Hội nghị là bước chuẩn bị quan trọng cho các hội nghị năm 2023-2034 trong khuôn khổ Liên hợp quốc như: Hội nghị Bộ trưởng Nam – Nam vào tháng 3/2023, Hội nghị Thượng đỉnh SDG 2023, Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai 2024…

Với tư cách là thành viên sáng lập của G77, trong thời gian qua, Việt Nam đã tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của Nhóm, góp phần bảo đảm lợi ích chung của các nước đang phát triển, thúc đẩy hợp tác Nam – Nam, đồng thời bảo đảm các ưu tiên, lợi ích phát triển của Việt Nam trên tinh thần chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương.

WHO hy vọng kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do COVID-19 và đậu mùa khỉ trong năm 2023

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngày 14/12, đã bày tỏ hy vọng tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19 và đậu mùa khỉ sẽ chấm dứt trong năm 2023.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết Ủy ban khẩn cấp của WHO về COVID-19 sẽ thảo luận về các tiêu chí để tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào tháng tới.

  Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa COVID-19. (Ảnh: WHO)

Theo Tổng Giám đốc WHO, tất cả các quốc gia sẽ cần học cách quản lý COVID-19 cùng với các bệnh về đường hô hấp khác, bao gồm cả cúm và RSV (virus hợp bào hô hấp), hiện đang lưu hành mạnh mẽ ở nhiều quốc gia. Ông nhấn mạnh, một trong những bài học quan trọng nhất của đại dịch COVID-19 là tất cả các quốc gia cần củng cố hệ thống y tế cộng đồng để chuẩn bị, ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó nhanh với dịch bệnh và đại dịch. Và một bài học quan trọng khác là sự cần thiết phải hợp tác mạnh mẽ hơn nữa, thay vì cạnh tranh và nhầm lẫn như đã từng xảy ra trong phản ứng toàn cầu đối với COVID-19.

Liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ, Tổng Giám đốc WHO đánh giá đợt bùng phát toàn cầu năm nay đã khiến thế giới bất ngờ. Đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 110 quốc gia và tỷ lệ tử vong ở mức thấp - 65 trường hợp. Số bệnh nhân mắc hằng tuần đã giảm hơn 90% kể từ tháng 7 - thời điểm WHO tuyên bố tình trạng khẩn cấp. Tổng Giám đốc Tedros nhấn mạnh nếu xu hướng này tiếp tục được duy trì, trong năm tới WHO có thể chấm dứt tình trạng khẩn cấp này.

Dịch tả lây lan nhanh chóng tại nhiều nước

Theo WHO, khoảng 30 quốc gia đã báo cáo dịch tả tái bùng phát trong năm nay, cao hơn khoảng 30% so với mức trung bình hàng năm.

Trưởng nhóm công tác về Dịch tả và Bệnh tiêu chảy của WHO, Tiến sĩ Philippe Barboza, cho biết dịch tả thường bùng phát nghiêm trọng ở những quốc gia đang chật vật đối phó với nghèo đói, xung đột và khủng hoảng nhân đạo, nơi người dân không được tiếp cận với nước sạch. Tuy nhiên, năm nay, có thêm một yếu tố làm gia tăng dịch tả đó là tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu, với các đợt hạn hán nghiêm trọng, lũ lụt chưa từng có và lốc xoáy ở một số quốc gia trên thế giới. Theo ông Barboza, trước đây dịch tả đã bùng phát mạnh ở một số quốc gia, nhưng chưa bao giờ các đợt dịch tả bùng phát cùng lúc ở nhiều nước như hiện nay.

 Dịch tả đang lây lan nhanh chóng tại Syria (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ông Barboza cho biết, kho dự trữ vaccine phòng bệnh tả toàn cầu mà cơ quan này phụ trách quản lý đang dần cạn kiệt và giảm xuống mức thấp nghiêm trọng. Ông nêu rõ một phần nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng thiếu vaccine phòng bệnh tả là do một nhà máy sản xuất vaccine của Ấn Độ ngừng sản xuất. Thiếu vaccine đã khiến WHO tạm thời đình chỉ chiến lược tiêm chủng tiêu chuẩn 2 mũi hồi tháng 10.

Bệnh tả thường lây lan từ thức ăn hoặc nước bị ô nhiễm, gây tiêu chảy và buồn nôn. Bệnh có thể lây nhiễm nhanh chóng trong các khu dân cư thiếu hệ thống thoát nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc nguồn nước sinh hoạt. Nếu không được điều trị, bệnh tả có thể gây tử vong trong vòng vài giờ, ngay cả ở những người khỏe mạnh trước đó

Haiti là một trong những quốc gia  ghi nhận số ca mắc bệnh tả nhiều nhất. Đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 1.200 ca mắc bệnh tả, hơn 14.000 ca nghi mắc và 280 ca tử vong. Tuần này, Haiti đã nhận được gần 1,2 triệu liều vaccine phòng bệnh tả dạng uống. Trong khi đó, dịch tả cũng đang tiếp tục lây lan ở Syria và đến nay đã có 96 người tử vong. Bộ Y tế Syria thông báo số người mắc bệnh tả trong khu vực kiểm soát đã lên tới  hơn một nghìn người.

Hơn 80 người tại Ấn Độ tử vong nghi do ngộ độc rượu

Ngày 17/12, đài truyền hình nhà nước Ấn Độ All India Radio (AIR) đưa tin số người tử vong nghi do ngộ độc rượu tại bang Bihar, miền Đông nước này, đã tăng lên 81 người.

 Chuyển thi thể nạn nhân tử vong do bị ngộ độc rượu tới bệnh viện ở Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo AIR, số nạn nhân tử vong vì ngộ độc rượu lậu tại huyện Saran đã lên tới 74 người sau khi huyện này báo cáo thêm 15 ca tử vong mới. Trong khi đó, huyện Siwan và huyện Begusarai cũng lần lượt báo cáo 5 và 2 người tử vong vì nguyên nhân tương tự.

Trước đó, ngày 13/12, huyện Saran, cách thủ phủ Patna của bang Bihar 60 km về phía Tây Bắc, đã báo cáo nhiều trường hợp tử vong sau khi uống rượu rởm. Theo AIR, số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng vì hiện còn 30 người đang được điều trị tại các bệnh viện nghi do ngộ độc rượu, trong đó có 12 người trong tình trạng nguy kịch. Khoảng 25 người mất thị lực sau khi uống phải rượu rởm.

Giới chức huyện Saran cho biết đã bắt giữ 213 người liên quan hoạt động buôn bán rượu bất hợp pháp và thu giữ nhiều rượu không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, 2 cảnh sát cũng bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm trong vụ việc. Chính quyền bang Bihar đã thành lập một đội điều tra đặc biệt về vụ việc tại huyện Saran.

Bihar đã cấm bán và tiêu thụ rượu từ năm 2016 nhưng vẫn thường xuyên ghi nhận những ca tử vong vì ngộ độc rượu lậu. Lệnh cấm bán và tiêu thụ rượu được áp dụng tại một số bang ở Ấn Độ, điều này dẫn đến thị trường chợ đen buôn bán rượu phát triển mạnh. Rượu bán trên thị trường chợ đen được sản xuất tại các cơ sở chưng cất trái phép và có giá thành rẻ, khiến hàng trăm người tử vong mỗi năm vì ngộ độc rượu. Theo Hiệp hội Rượu vang và rượu mạnh quốc tế Ấn Độ, ước tính 5 tỷ lít rượu được tiêu thụ mỗi năm ở nước này, trong đó khoảng 40% là sản xuất trái phép. Rượu rởm thường được pha chế thêm cồn công nghiệp methanol, nếu uống phải có thể gây mù lòa, tổn thương gan và thậm chí tử vong./.

Theo Đảng cộng sản Việt Nam
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới