Thế giới tuần qua: Dịch bệnh và xung đột

Thế giới tuần qua (5 – 11/10) tiếp tục chứng kiến những tác động nặng nề của đại dịch COVID-19 đối với mọi mặt của đời sống xã hội, đồng thời hứng chịu những xung đột, bất ổn tại Nagorny-Karabakh, Kyrgyzstan,…

COVID-19 giáng 3 cú sốc vào các nền kinh tế Khu vực Đông Á - Thái Bình Dương

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế khu vực Đông Á-Thái Bình Dương tháng 10/2020 với tiêu đề “Từ Ngăn chặn đến Phục hồi” của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, đại dịch COVID-19 đã và đang giáng 3 cú sốc vào các quốc gia đang phát triển của khu vực bao gồm: bản thân đại dịch, tác động kinh tế từ các biện pháp ngăn chặn và ảnh hưởng từ suy thoái toàn cầu do đợt khủng hoảng gây ra.

WB đồng thời khuyến nghị cần nhanh chóng hành động để bảo đảm đại dịch không cản trở tăng trưởng và gia tăng tỷ lệ nghèo trong những năm tới.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới các quốc gia đang phát triển (Ảnh: Xinhua) 

Do đó, WB dự báo cả khu vực Đông Á - Thái Bình Dương chỉ tăng trưởng 0,9% trong năm 2020, là tỷ lệ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1967. Trong đó, Trung Quốc được dự báo tăng trưởng 2% trong năm 2020 do đẩy mạnh chi tiêu chính phủ, xuất khẩu mạnh và tỷ lệ nhiễm COVID-19 mới ở mức thấp từ tháng 3, nhưng bị hạn chế bởi tiêu dùng trong nước suy giảm. Ngoài Trung Quốc, báo cáo dự báo chỉ có thêm Việt Nam và Myanmar duy trì được tăng trưởng dương với các mức tăng lần lượt là 2,8% và 0,5%. Tất cả các nền kinh tế còn lại đều dự kiến tăng trưởng âm trong năm nay.

Viễn cảnh của khu vực sẽ sáng sủa hơn vào năm 2021 với dự báo tăng trưởng đạt 7,9% tại Trung Quốc và 5,1% ở các quốc gia còn lại trong khu vực, dựa trên giả định khôi phục tiếp tục diễn ra và hoạt động kinh tế trở lại bình thường ở các nền kinh tế lớn, và khả năng có vaccine. Tuy nhiên, tổng sản lượng dự báo vẫn thấp hơn mức dự báo trước đại dịch trong hai năm tới. Triển vọng trên càng ảm đạm hơn ở một số đảo quốc Thái Bình Dương có nguy cơ cao, với dự báo sản lượng vẫn thấp hơn mức trước khủng hoảng khoảng 10% vào cuối năm 2021.

Cũng theo báo cáo này, sau 20 năm, lần đầu tiên tỷ lệ nghèo của khu vực dự báo sẽ tăng lên: khoảng 38 triệu người sẽ vẫn nằm dưới ngưỡng nghèo hoặc bị đẩy xuống dưới ngưỡng nghèo do hệ quả của đại dịch (tính theo ngưỡng nghèo của quốc gia thu nhập trung bình cao ở mức 5,5 USD mỗi ngày).

COVID-19 "làm khó” bộ máy chính quyền Mỹ

Sau 3 ngày điều trị khẩn cấp do mắc COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trở lại Nhà Trắng ngày 6/10 (theo giờ Hà Nội), tuyên bố sẽ nhanh chóng thúc đẩy chiến dịch vận động tranh cử để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, việc ông chủ Nhà Trắng cùng các nhân vật hàng đầu trong chính phủ và quốc hội Mỹ trong vài ngày nay gần như đồng thời có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tạo ra tâm lý lo ngại về sự vận hành liên tục của chính phủ và bộ máy chính quyền cũng như tính liên tục trong hoạt động chính trị của Mỹ, khi ngày bầu cử Tổng thống năm 2020 chỉ còn tính bằng tuần.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Trung tâm quân y quốc gia Walter Reed ở Bethesda, bang Maryland để về Nhà Trắng, sau khi được điều trị tại đây do mắc COVID-19, ngày 5/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Không những thế, những nhân vật thân cận với ông Trump như các cố vấn Hope Hicks và Nicholas Luna, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany, cố vấn chiến dịch tranh cử và cựu Thống đốc New Jersey Chris Christie, hai trợ lý Chad Gilmartin và Karoline Leavitt, quản lý chiến dịch tranh cử Bill Stepien và cựu cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway... đều dương tính với virus SARS-CoV-2. Thêm vào đó, nhiều quan chức chính quyền, Quốc hội từng tham dự sự kiện Tổng thống chính thức thông báo đề cử bà Amy Coney Barrett làm thẩm phán Tòa án Tối cao vào ngày 26/9, cũng được xác định đã mắc COVID-19.

Tình trạng này rõ ràng tác động tới chính trường Mỹ. Việc Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ rút ngắn chuyến thăm tới 3 nước Đông Á vừa qua, chỉ thực hiện chuyến công du Nhật Bản và sớm quay về Washington, là minh chứng cho thấy bộ máy chính quyền Mỹ đang cần thêm những nhân vật cốt cán bên cạnh ông Trump để đưa ra các quyết định quan trọng trong thời điểm hiện nay, hơn là các vấn đề đối ngoại không phải là ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phục vụ bầu cử.

Hoạt động của quốc hội Mỹ cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Ngày 5/10, Thượng viện Mỹ phải tạm nghỉ 2 tuần vì lý do Tổng thống Donald Trump và 3 thượng nghị sĩ Cộng hòa có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Việc những nghị sỹ này vắng mặt vì tự cách ly đã làm giảm thế đa số 53 ghế bình thường của phe Cộng hòa xuống còn 47 ghế tại thượng viện ít nhất trong tuần này. Những diễn biến này cũng cho thấy việc virus SARS-CoV-2 có dấu hiệu lây lan trong giới chức quốc hội Mỹ đang đặt ra những thách thức, cản trở các tiến trình đề xuất và thông qua nhiều dự luật quan trọng.

Điều này đã làm cản trở các tiến trình đề xuất và thông qua nhiều dự luật quan trọng. Và chính điều này cũng khiến các thành viên đảng Dân chủ thậm chí đã kêu gọi trì hoãn các phiên điều trần thông qua việc đề cử Thẩm phán Amy Coney Barrett vào Tòa án Tối cao.

Bạo loạn ở Kyrgyzstan

 Người biểu tình tập trung trước trụ sở Quốc hội Kyrgyzstan, ngày 5/10 (Ảnh: TASS)

Biểu tình tại thủ đô Bishkek của Kyrgyzstan nổ ra sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 4/10, với 16 đảng tham gia tranh 120 ghế trong Quốc hội. Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ, chỉ 4 đảng đạt tối thiểu 7% số phiếu để vào Quốc hội, khiến các đảng khác phản đối.

Sáng 5/10, thành viên hai đảng thua trong cuộc bầu cử tổ chức biểu tình tại quảng trường trung tâm thành phố Bishkek. Người ủng hộ các đảng khác cũng kéo tới tham gia, khiến quy mô đoàn biểu tình sau đó lên tới 5.000 – 6.000 người.

Ngày 9/10, bạo loạn đường phố tiếp diễn ở thủ đô Biskek của Kyrgyzstan, ngay sau khi Tổng thống Sooronbai Zeenbekov ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp. 

Đụng độ đã xảy ra giữa hai nhóm ủng hộ các lực lượng chính trị khác nhau ở thủ đô Biskek khi nhiều người ném chai lọ và gạch đá về phía đối phương. Nhiều tiếng súng nổ cũng được nghe thấy. Trong khi đó, hãng tin RIA của Nga đưa tin cựu Tổng thống Kyrgyzstan, Almazbek Ambayev, đã thoát khỏi một âm mưu ám sát sau khi xe của ông bị nã đạn.

Tổng thống Zeenbekov đã chỉ thị triển khai quân đội tại Bishkek để bảo đảm trật tự và ngăn chặn các cuộc đối đầu vũ trang. Nhà lãnh đạo Kyrgyzstan cũng đã ký sắc lệnh thay thế Tổng Tham mưu trưởng quân đội, đồng thời phê chuẩn đơn từ chức của Thủ tướng Kubatbek Boronov và ký lệnh cách chức chính phủ. Biên giới Kyrgyzstan cũng đã được lệnh đóng cửa để bảo đảm an ninh.

Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo

 Khói bốc lên sau một vụ pháo kích trong xung đột giữa lực lượng Armenia và binh sĩ Azerbaijan tại thành phố Stepanakert, thủ phủ khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh ngày 8/10/2020 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 10/10, hai nước Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo, đồng thời khởi động đàm phán hướng tới giải quyết xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh.

Thỏa thuận trên được công bố trong một thông cáo chung của Ngoại trưởng 3 nước Armenia, Azerbaijan và Nga, do Bộ Ngoại giao Nga đưa ra sáng sớm 10/10. Theo đó, Armenia và Azerbaijan sẽ tiến hành trao đổi tù nhân và thi thể những người thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa hai bên. Hiện chưa rõ lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài trong bao lâu. Các bên nhất trí bắt đầu "các cuộc đàm phán thực chất" nhằm đạt được một giải pháp hòa bình sớm nhất có thể, với sự trung gian của Nhóm Minsk thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov - người giữ vai trò trung gian trong cuộc đàm phán - cho biết Armenia và Azerbaijan đạt thỏa thuận ngừng bắn trên cơ sở nhân đạo. Ông Lavrov cho biết thêm Ủy ban chữ thập đỏ quốc tế sẽ hỗ trợ thực hiện lệnh ngừng bắn này.

Trước đó một ngày, xung đột giữa các lực lượng Armenian và Azerbaijan vẫn diễn ra ác liệt tại khu vực Nagorny-Karabakh, bất chấp áp lực ngày càng tăng của lực lượng quốc tế.

Cao ủy Liên hợp quốc về quyền con người cho biết đã nhận được những báo cáo hiện chưa thể kiểm chứng về thông tin khoảng 53 dân thường, trong đó có trẻ em, đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Nagorny-Karabakh. Đến nay, tổng số khoảng 400 người, trong đó có các binh sĩ, đã thiệt mạng trong khi hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng.

Cuộc đàm phán tại Moskva là cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan kể từ khi tái bùng phát giao tranh tại Nagorny-Karabakh.

Chủ nhân của các giải thưởng Nobel 2020 dần lộ diện

Như thường lệ, vào tháng 10 hàng năm, giải Nobel dành cho những cá nhân, tổ chức có đóng góp nổi bật trong nhiều lĩnh vực sẽ lần lượt được công bố.

 Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo của Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cho người tị nạn Nam Sudan ở bang Bắc Kordofan, Sudan tháng 5/2017 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nổi bật trong số những người chiến thắng là chủ nhân giành giải Nobel Hòa bình năm nay. Ủy ban Giải thưởng Nobel Na Uy ngày 9/10 tuyên bố giải Nobel Hòa bình 2020 được trao cho Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) vì những nỗ lực không mệt mỏi của tổ chức quốc tế này nhằm đảm bảo an ninh lương thực, giảm tình trạng thiếu lương thực và nạn đói trên thế giới.

Bà Berit Reiss-Andersen, Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy đánh giá các nỗ lực của WFP không chỉ giúp giảm đói nghèo trên thế giới, nhất là ở châu Phi, mà còn đóng góp cho ổn định và an ninh toàn cầu, cũng như vai trò thúc đẩy các nỗ lực ngăn chặn sử dụng đói nghèo làm vũ khí cho chiến tranh và xung đột. Bà Berit khẳng định khẳng định dù đại dịch có không xảy ra thì WFP vẫn xứng đáng nhận giải năm nay, phù hợp với dự đoán từ trước của giới quan sát cho rằng Nobel 2020 sẽ không có giải thưởng nào được trao cho những nghiên cứu liên quan trực tiếp đến virus SARS-CoV-2 hay những nỗ lực chống COVID-19.

Giải Nobel Y sinh năm nay đã thuộc về 3 nhà khoa học phát hiện ra virus viêm gan C. Ủy ban Nobel cho biết công trình nghiên cứu của bộ ba nhà khoa học gồm Harvey J. Alter (Mỹ), Michael Houghton (Anh) và Charles M.Rice (Mỹ) đã giúp giải thích nguồn gốc chính gây bệnh viêm gan qua truyền máu mà không phải do virus gây viêm gan A và B. Từ đó, nền y học thế giới có thể thực hiện xét nghiệm máu và phát triển thuốc cứu sống hàng triệu người.

Giải Nobel Vật lý năm 2020 được trao cho 3 nhà khoa học Roger Penrose, Reinhard Genzel và Andrea Ghez về những phát hiện lý thú về Hố đen. Chủ tịch Ủy ban Nobel Vật lý David Haviland đánh giá những phát hiện của các nhà khoa học đạt giải năm nay đã đặt nền móng cho nghiên cứu về các vật thể đặc và siêu nặng.

Về lĩnh vực Hóa học, công nghệ chỉnh sửa gen như CRISPR/Cas9 và những cải tiến có tiềm năng rất lớn trong sàng lọc gen, chẩn đoán gen, đặc biệt là phát triển các liệu pháp điều trị mới xứng đáng giành giải thưởng Nobel Hóa học trong năm nay. Hai nhà khoa học nữ Emmanuelle Charpentier (người Pháp) và Jenifer A. Doudna (người Mỹ) vinh dự trở thành những nữ chủ nhân thứ sáu và thứ bảy của giải thưởng này.

Giải Nobel Văn học năm 2020 được trao cho nhà thơ người Mỹ Louise Gluck vì "chất thơ không thể nhầm lẫn, nét đẹp toát lên từ sự thống khổ, khiến cho sự hiện hữu của mỗi cá nhân trở nên phổ biến". Sinh năm 1943 tại New York, bà Louise Elisabeth Glück đã giành được nhiều giải thưởng văn học lớn tại Mỹ, trong đó có Huy chương Nhân văn Quốc gia, Giải thưởng Pulitzer, Giải thưởng Sách Quốc gia, Giải thưởng Hội Nhà phê bình Sách Quốc gia và Giải thưởng Bollingen, cùng nhiều giải thưởng khác./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới