Cây ăn quả trên đất dốc - Biến không thành có, biến khó thành dễ

Từ chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển cây ăn quả trên đất dốc, đã biến thách thức, khó khăn về điều kiện canh tác thành lợi thế, tạo đột phá sản xuất nông nghiệp, đưa Sơn La trở thành “hiện tượng nông nghiệp” của cả nước.

Giọng nữ
Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu tham quan gian hàng giới thiệu sản phẩm tại Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tổ chức tại Sơn La.
Ảnh: PV
Thăm, làm việc và dự Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 tại Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá: “Đưa cây ăn quả lên sườn dốc là thay đổi tư duy quan trọng, giúp người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương, không phải đi làm ăn xa nhà; minh chứng cho sự thành công của đổi mới sáng tạo, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.

Quyết sách xoay chuyển ngành nông nghiệp

Những năm 1990, Tỉnh ủy có chủ trương phát triển một số cây chủ lực: Cà phê, chè, cây ăn quả, dâu tằm. Đến năm 2015, toàn tỉnh có hơn 23.600 ha cây ăn quả, chủ yếu giống cũ, năng suất, chất lượng kém. Một số địa phương xuất hiện tình trạng chặt phá cây ăn quả, quay lại trồng ngô, lúa nương.

Thực hiện nhiệm vụ di dân tái định cư phục vụ thủy điện Sơn La, bình quân đất sản xuất của các hộ dân thu hẹp, trong khi trồng ngô, lúa nương hiệu quả thấp, thực tiễn đặt ra yêu cầu chuyển đổi sản xuất, nâng cao thu nhập nhân dân.

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, chia sẻ: Chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020, Tỉnh ủy tổ chức đánh giá 25 năm thực hiện chủ trương của tỉnh về phát triển cây chủ lực, gồm: cà phê, chè, cây ăn quả... tìm hướng sản xuất hiệu quả hơn. Thời điểm đó, Học viện Nông nghiệp công bố đề tài ghép mắt cây ăn quả giống mới trên thân cây cũ cho năng suất, chất lượng quả cao, một số hộ áp dụng thành công. Sau 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn. Từ các cơ sở trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông báo Kết luận số 121-TB/TU ngày 30/11/2015 về một số chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020.

Vùng cây ăn quả tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn.
Ảnh: PV

Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách, hỗ trợ hơn 77 tỷ đồng, lồng ghép các chương trình, dự án, mở rộng diện tích cây ăn quả thay thế cây lương thực kém hiệu quả, khuyến khích ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, xây dựng thương hiệu, quảng bá, hỗ trợ tiêu thụ, xuất khẩu.

Chính sách đột phá là Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 hỗ trợ ghép mắt cải tạo vườn tạp 200.000 đồng/hộ, bình quân mỗi hộ được hỗ trợ 16 mắt cải tạo xoài, nhãn bằng giống mới. Hàng nghìn nông dân được chuyển giao kỹ thuật, ghép mắt thuần thục như những kỹ sư nông nghiệp. Trong 2 năm (2017-2018), toàn tỉnh ghép cải tạo trên 13.000 ha cây ăn quả; chuyển đổi hàng chục nghìn ha cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả... Con số khiến nhiều nhà chính sách, nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp ngạc nhiên.

Tỉnh huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo khí thế mạnh mẽ thúc đẩy nông dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún, sang sản xuất hàng hóa. Phát triển các HTX kiểu mới làm đầu mối giúp các hộ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Sơn La nhanh chóng mở rộng diện tích cây ăn quả lớn nhất miền Bắc và thứ 2 cả nước. Toàn tỉnh hiện có 85.050 ha cây ăn quả và sơn tra, so với năm 2016 diện tích tăng 219%, sản lượng tăng 332%. Đất dốc, độ cao, chênh lệch nhiệt độ ngày - đêm và giữa các mùa là những khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thành lợi thế, làm cho hoa quả Sơn La có hương vị, chất lượng đặc biệt.

Đại biểu tham quan gian hàng trong Lễ hội mận hậu và nông sản tỉnh Sơn La  tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tỉnh đã ban hành 63 định mức kinh tế kỹ thuật về trồng trọt; 62 quy trình sản xuất cây trồng, quy định về canh tác hữu cơ, chuyển giao kỹ thuật ghép cây, hạ cành, tỉa cành, tạo tán “trẻ hóa cây”, kỹ thuật rải vụ, trái vụ, tăng giá trị sản phẩm lên nhiều lần. Toàn tỉnh có 5 vùng cây ăn quả được công nhận vùng ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân “mặc áo” cho quả, thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt, đã xây dựng 202 mã số vùng trồng cây ăn quả xuất khẩu. 13 sản phẩm cây ăn quả mang địa danh của tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; duy trì 201 chuỗi sản xuất, chế biến, kinh doanh quả an toàn. Các sản phẩm quả được cấp văn bằng bảo hộ, chứng nhận OCOP, chứng nhận VietGAP, gắn tem, nhãn, bao bì đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

HTX Phương Nam, xã Lóng Phiêng, huyện Yên Châu, thành lập năm 2016, từ 80 ha nhãn ban đầu, đến nay, liên kết sản xuất hơn 300 ha nhãn. Các hộ thành viên HTX áp dụng công nghệ tưới ẩm, gắn camera giám sát phục vụ truy xuất nguồn gốc...

Ông Trần Như Kiên, Giám đốc HTX Phương Nam, cho hay: Vùng sản xuất nhãn của HTX được cấp mã số vùng trồng, UBND tỉnh công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Sản phẩm nhãn của HTX tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Italia, Nhật Bản... Bình quân thu nhập 200 triệu đồng/ha.

Phủ xanh đồi đất dốc, đưa trái ngọt vươn xa

Sau 10 năm triển khai thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cây ăn quả đã “xanh hóa” các đồi dốc ở Sơn La, ngát thơm những mùa hoa cho nghề nuôi ong mật, thúc đẩy du lịch trải nghiệm nông nghiệp phát triển với bạt ngàn trái ngọt thơm ngon.

Khởi hành lô nhãn Sông Mã xuất khẩu sang thị trường EU, Vương Quốc Anh và Trung Quốc.

Phát triển cây ăn quả trên đất dốc còn giải quyết việc làm, thu nhập cho nông dân trong tỉnh. Các hộ nông dân không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ trồng cây ăn quả. Năm 2024, toàn tỉnh có 26.201 hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nổi trội nhất là trồng cây ăn quả.

Xã Mường Bú có vùng cây ăn quả lớn nhất huyện Mường La với hơn 1.600 ha các loại, mang lại thu nhập ổn định cho bà con, cũng là một trong những xã có nhiều hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của huyện với 312 hộ.

Là hộ tái định cư thủy điện Sơn La, gia đình anh Lò Văn Thương đến tiểu khu 2, xã Mường Bú, huyện Mường La, khởi nghiệp với 1,2 ha đất trồng ngô sắn, cuộc sống chỉ tạm đủ ăn. Nhận thấy hiệu quả của trồng cây ăn quả, gia đình anh đã dần mở rộng diện tích trồng kết hợp với sản xuất và kinh doanh cây giống. Với 13 ha cây ăn quả, lãi hơn 2 tỷ đồng/năm, trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, tạo việc làm cho hàng chục lao động thời vụ.  Anh Thương cho hay: Khi có chủ trương của tỉnh về phát triển cây ăn quả, gia đình chuyển đổi sang trồng xoài, nhãn, táo, na. Áp dụng kỹ thuật làm cho nhãn ra quả trái vụ, xoài rải vụ có giá bán cao hơn nhiều so với chính vụ, bình quân mỗi ha đạt 200 triệu đồng/năm.

10 năm trước, xã Hát Lót, huyện Mai Sơn, chủ yếu trồng ngô, sắn, song cuộc sống của bà con cũng chỉ ở mức đủ ăn. Nhưng nay Hát Lót đã trở thành xã nông thôn mới nâng cao, trù phú; vùng cây ăn quả xanh ngát nương đồi. Xã vinh dự được Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

“Mận Sơn La” được đưa lên các chuyến bay của Vietnam Airlines phục vụ hành khách.

Ông Tòng Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND xã Hát Lót, vui mừng nói: Toàn xã có gần 1.900 ha cây ăn quả các loại, được sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGAP, xây dựng vùng trồng xuất khẩu, có gần 270 ha được công nhận vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; 1.020 ha cây ăn quả sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Bình quân mỗi ha cây ăn quả đạt 180-200 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, thu nhập bình quân trên 55 triệu đồng/người/năm.

Các sản phẩm trái cây Sơn La hiện nay có mặt ở hầu khắp các siêu thị trong nước, các sàn thương mại điện tử, chợ đầu mối, đưa vào suất ăn trên các chuyến bay của Vietnam Airlines, đặc biệt là xuất khẩu tới 15 thị trường các nước: Trung Quốc, Úc Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Mỹ, Đài Loan, UAE...

Từ năm 2015 đến nay, các địa phương tổ chức nhiều ngày hội trái cây; tỉnh tổ chức trên 70 hội chợ, hội nghị kết nối tiêu thụ, giới thiệu sản phẩm quả Sơn La tại các tỉnh, thành và quốc tế. Sự kiện nổi bật, tỉnh Sơn La phối hợp tổ chức thành công Lễ hội Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022, khẳng định thương hiệu, vị thế nông sản Sơn La trên thị trường trong nước và quốc tế.

Đồng chí Hoàng Văn Chất, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh, cho biết: Tỉnh chỉ đạo sản xuất sản phẩm sạch - ngon - đẹp và lo thị trường tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Xuất khẩu vào các thị trường yêu cầu cao như: Mỹ, EU... để tạo thương hiệu cho sản phẩm vào các thị trường khác.

Nông dân xã Tú Nang, huyện Yên Châu bao quả xoài.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến rau, quả. Toàn tỉnh hiện có 560 nhà máy, cơ sở chế biến nông sản, trong đó, 17 nhà máy, 543 cơ sở; trên 2.994 cơ sở sấy long nhãn, nông sản và 40 kho lạnh. Toàn tỉnh có 59 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ quả, góp phần nâng giá trị sản phẩm trái cây Sơn La.

Phát triển xanh, bền vững

Chủ trương phát triển cây ăn quả của tỉnh Sơn La được ví như mũi tên trúng 3 đích: Hiệu quả kinh tế, hiệu quả xã hội, hiệu quả môi trường. Giá trị sản xuất cây ăn quả đạt 150-300 triệu đồng/ha/năm, so với năm 2016 tăng gấp 4-10 lần. Nhiều diện tích cây ăn quả giống mới, cho hiệu quả kinh tế cao: Na SR-1, na Hoàng Hậu 600 -700 triệu đồng/ha; nhãn ánh vàng trên 500 triệu đồng/ha; dâu tây trên 800 triệu đồng/ha...

Nhân dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn đóng gói sản phẩm na sau thu hoạch.

Sơn La dự kiến đến năm 2030 ổn định 90.000 ha cây ăn quả, đảm bảo nguyên liệu phục vụ chế biến khi Sơn La trở thành trung tâm chế biến nông sản của khu vực trung du miền núi phía Bắc. Tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tổ chức sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, quan tâm đầu tư về hệ thống kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; phát triển thị trường tiêu thụ nông sản.

Đồng chí Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh về sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thông tin: Tỉnh tiếp tục tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh sản phẩm; phát triển các chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các HTX, doanh nghiệp với các nhà máy chế biến. Chú trọng xây dựng mã số vùng trồng xuất khẩu; tăng hàm lượng khoa học, chế biến sâu đối với các sản phẩm nông sản, trái cây.

Trở thành “hiện tượng nông nghiệp” là tiền đề, động lực quan trọng để tỉnh Sơn La tiếp tục khơi nguồn sáng tạo, đổi mới, đưa hành trình phát triển cây ăn quả trên đất dốc ở Sơn La từ “hiện tượng” trở thành hình tượng, hình mẫu phát triển nhanh, xanh, bền vững.

Phạm Đức
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới