Ngày 13/7, tân Thủ tướng Anh Theresa May đã đề nghị các nhà lãnh đạo châu Âu ủng hộ về mặt thời gian để chuẩn bị tiến trình đàm phán đưa Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) – hay còn gọi là Brexit, đồng thời tiếp tục tái khẳng định lập trường mạnh mẽ rằng “Brexit có nghĩa là Brexit”.
Tân Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định "Brexit có nghĩa
là Brexit" song nước Anh cần thời gian để chuẩn bị cho vấn đề này.
Phát biểu từ Kyrgyzstan, bà Merkel đã mời tân Thủ tướng Anh tới Đức, đồng thời để ngỏ khả năng hai nhà lãnh đạo sẽ đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra vào tháng 9/2016. Về phía phát ngôn viên của bà May cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 13/7, hai nhà lãnh đạo Anh và Đức đã bày tỏ mong muốn thiết lập một mối quan hệ song phương mang tính xây dựng, đồng thời khẳng định vai trò của mối quan hệ hợp tác gần gũi giữa hai nước. Trong khi đó, một phát ngôn viên của bà Angela cũng khẳng định, hai nhà lãnh đạo đã đi tới nhất trí chung về việc cần tiếp tục duy trì các mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước, gồm cả tiến trình đàm phán sắp tới về Brexit.
Trong cuộc điện đàm cùng ngày với Tổng thống Pháp Francois Hollande, bà May đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối quan hệ Anh – Pháp, đặc biệt trong các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và hợp tác kiểm soát biên giới tại Calais.
Phát ngôn viên của bà May cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 13/7 với ông Kenny, hai nhà lãnh đạo Anh và Ireland đã tuyên bố sẽ tiếp tục mối quan hệ hợp tác mạnh mẽ giữa hai nước. Ông Kenny đã nêu đề xuất sẽ sớm sang London để đối thoại với tân Thủ tướng Anh về các bước đi cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này.
Ngay trong ngày 13/7, nguyên thủ và các nhà lãnh đạo trên thế giới đã gửi điện chúc mừng bà Theresa May trở thành Thủ tướng Anh. Chủ tịch EU Donald Tusk là nhà lãnh đạo đầu tiên gửi thông điệp chúc mừng tới tân Thủ tướng Anh, đồng thời không quên nhắc nhở bà May về nhiệm vụ quan trọng trước mắt là đảm nhiệm quá trình đưa Anh rời khỏi EU.
Trong một lá thư cùng ngày gửi tới bà May, ông Tusk cũng bày tỏ hy vọng sẽ xây dựng được một mối quan hệ hợp tác hiệu quả với tân Thủ tướng Anh.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, ngày 13/7 cũng hối thúc bà May không nên trì hoãn việc khởi động tiến trình đàm phán về Brexit. Trong một thông điệp đăng tải trên trang cá nhân, ông Junker nhấn mạnh, kết quả cuộc trưng cầu dân ý tại Anh ngày 23/6 vừa qua đã “tạo nên một tình huống mới mà cả Anh lẫn EU đều cần giải quyết sớm”. “Tôi hy vọng rằng, sau khi thu xếp xong vấn đề về nhân sự, chúng ta có thể nhanh chóng triển khai công việc”- thông điệp của ông Junker nêu rõ.
Về phía Thủ tướng Bỉ Charles Michel, ngày 13/7 cũng tỏ rõ quan điểm ủng hộ việc kêu gọi nhanh chóng khởi động tiến trình đàm phán Brexit sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 tại Anh đã khiến cả Anh và EU trải qua 3 tuần bất ổn về chính trị và tài chính. “Chúng tôi không thể chống đỡ nếu thời gian bất ổn kéo dài” – ông Michel nói.
Khác với những thông điệp chúc mừng kèm theo lời nhắn gửi giục giã sớm khởi động đàm phán Brexit từ các nhà lãnh đạo EU, thông điệp chúc mừng từ lãnh đạo một số nước khác trên thế giới gửi tới Thủ tướng Anh lại hàm chứa hy vọng về tương lai tăng cường quan hệ với “xứ sở sương mù”.
Ngày 13/7, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chúc mừng tân Thủ tướng Anh, đồng thời bày tỏ thiện chí sẵn sàng “tiến hành một cuộc đối thoại mang tính xây dựng và cộng tác với tân Thủ tướng Anh về một số vấn đề nổi cộm trong quan hệ song phương cũng như các vấn đề quốc tế khác”.
Cùng ngày, Nhà Trắng đã ra tuyên bố chúc mừng bà May được bổ nhiệm vào cương vị mới và đính kèm thông điệp của Tổng thống Mỹ Barack Obama hy vọng rằng tiến trình đàm phán giữa Anh và EU về Brexit sẽ diễn ra tốt đẹp.
Trong bức thư chúc mừng gửi tới tân Thủ tướng Anh ngày 13/7, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ hy vọng quan hệ tương lai giữa London và Tokyo sẽ tiếp tục được cải thiện. Bên cạnh đó, ông Abe cũng mong muốn sẽ hợp tác tích cực với bà May trong nỗ lực duy trì đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cũng như thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng tại châu Á và những khu vực khác trên thế giới dựa trên cơ sở tôn trọng luật pháp./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!