Tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 71, đại diện của Việt Nam đã nêu vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tôn trọng Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển; Thượng viện Mỹ đã gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran, đẩy thỏa thuận hạt nhân P5+1 đứng trước nguy cơ đổ vỡ; trưng cầu ý dân về cải cách hiến pháp tại Italy thất bại,Thủ tướng Matteo Renzi đệ đơn từ chức; Cộng hòa Áo có Thủ tướng mới; khủng hoảng chính trị tại Brazin vẫn chưa chấm dứt... là những tin tức nổi bật tuần qua.
Một phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của UNCLOS tại Liên hợp quốc
Ngày 7/12, tại trụ sở của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Mỹ, đã diễn ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 71 về đề mục số 73 trong chương trình nghị sự của Đại hội đồng, có chủ đề “Đại dương và Luật biển”. Phiên họp có sự tham dự của các nước thành viên Liên hợp quốc và đại diện Cơ quan quyền lực đáy đại dương (Đạo luật trừng phạt Iran), Toà án Luật biển (ITLOS)... Các đại biểu đã thảo luận về các dự thảo Nghị quyết của Đại hội đồng về Đại dương và luật biển, Nghề cá bền vững và Ngày cá ngừ thế giới, đồng thời xem xét các báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon về những vấn đề đại dương và luật biển.
Phát biểu tại phiên họp, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của Việt Nam tại Liên hợp quốc, hoan nghênh nỗ lực của Đại hội đồng và các cơ quan trực thuộc thời gian qua, đặc biệt là kết quả của Hội nghị tham vấn không chính thức về đại dương và Luật Biển lần thứ 17 (ICP); Hội nghị lần thứ 26 của các nước thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (SPLOS); các cuộc họp của Ủy ban trù bị về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn đa dạng sinh học ở vùng biển nằm ngoài vùng tài phán của quốc gia. Việt Nam cũng đánh giá cao thành công của Hội nghị lần thứ 22 của Đạo luật trừng phạt Iran, nỗ lực xem xét các báo cáo của Ủy ban ranh giới ngoài thềm lục địa, cũng như các hoạt động của ITLOS và các cơ chế giải quyết tranh chấp khác trong việc diễn giải và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, khẳng định, UNCLOS là văn bản pháp lý quan trọng nhất quy định tất cả các hoạt động liên quan đến đại dương và biển, đóng góp cho hoà bình - an ninh, đảm bảo an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không trên biển và là khuôn khổ toàn diện và hiệu quả để giải quyết hoà bình các tranh chấp. Tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều phải thực hiện các quy định của Công ước một cách thiện chí và trách nhiệm. Là một trong những quốc gia đầu tiên ký và phê chuẩn Công ước, Việt Nam luôn tuân thủ các quy định của Công ước, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác và tích cực tham gia các hoạt động được tổ chức theo khuôn khổ của Công ước.
Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
Thỏa thuận hạt nhân Iran với P5+1 có nguy cơ đổ vỡ
Ngày 1-12-2016, với 99 phiếu thuận và không có phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã gia hạn Đạo luật Trừng phạt Iran. Theo đó, các biện pháp trừng phạt hiện tại nhằm vào Iran sẽ kéo dài thêm 10 năm. Trước đó, vào tháng 11-2016, Hạ viện Mỹ cũng đã thông qua dự luật này với tỉ lệ gần như tuyệt đối.
Đạo luật trừng phạt Iran được thông qua lần đầu vào năm 1996 để trừng phạt các đối tượng đầu tư vào ngành công nghiệp năng lượng Iran và răn đe việc Tehran theo đuổi tham vọng hạt nhân. Đạo luật trừng phạt Iran sẽ hết hiệu lực vào ngày 31-12-2016 nếu không được gia hạn. Các lệnh trừng phạt Iran đã chính thức được dỡ bỏ vào tháng 1-2016 sau khi nước này và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA) ký hồi tháng 7-2015. Tuy nhiên, Iran vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống tài chính toàn cầu do Mỹ duy trì một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Tehran.
Ngay sau khi Đạo luật trừng phạt Iran được gia hạn, Iran đã kịch liệt phản đối quyết định trên của Quốc hội Mỹ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 6-12 tuyên bố việc Quốc hội Mỹ gia hạn Đạo luật trừng phạt Iran thêm 10 năm chứng tỏ "Washington vẫn là kẻ thù của Tehran", đồng thời cảnh báo Iran sẽ có hành động "đáp trả cứng rắn".
Những diễn biến này đang đẩy thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với nhóm P5+1 bên bờ vực phá sản.
Cử tri Italy bác bỏ cải cách hiến pháp
Ngày 4-12-2016, cử tri Italy đã đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về cải cách hiến pháp do chính phủ của đảng Dân chủ (PD) khởi xướng, theo đó giảm bớt quy mô và quyền lực của Thượng viện (từ 315 thượng nghị sĩ xuống còn 100 thượng nghị sĩ). Kết quả là có 59,43% cử tri Italy bỏ phiếu phản đối cải cách hiến pháp trong khi chỉ có 40,57% ủng hộ. Đây được xem là một đòn giáng vào Thủ tướng Renzi.
Sau thất bại trên, Thủ tướng Matteo Renzi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Việc ông Renzi từ chức đã khiến Italy đối mặt với một cuộc khủng hoảng chính trị.
Để giải quyết bế tắc chính trị, ngày 8-12, Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã bắt đầu các cuộc tham vấn với Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso, Chủ tịch Hạ viện Laura Boldrini cũng như người tiền nhiệm của ông, cựu Tổng thống Giorgio Napolitano. Trong ngày 9 và 10-12, tổng thống Mattarella sẽ gặp đại diện các chính đảng và các phái trong quốc hội, và kết thúc bằng cuộc gặp với đại diện đảng Dân chủ cầm quyền. Kết quả các cuộc tham vấn sẽ được tổng thống Mattarella công bố vào đầu tuần tới.
Không những gây bất ổn về chính trị, những diễn biến trên chính trường Italy đã đe dọa đẩy hệ thống ngân hàng nước này rơi vào tình trạng bất ổn và ngay lập tức tác động tiêu cực đến thị trường tài chính châu Âu. Do Italy là nền kinh tế lớn thứ ba ở Khu vực đồng euro, nên điều này cũng sẽ tác động đến triển vọng tổng thể của cả châu Âu. Ngày 5-12-2016, tỷ giá đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua so với đồng USD. Dù một ngày sau tình hình đã khả quan trở lại, song giới đầu tư vẫn lo ngại nếu kéo dài, tình trạng bất ổn sẽ châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng tài chính mới, tạo cú sốc với kinh tế của toàn Liên minh châu Âu. Nhiều ý kiến cho rằng, 8 ngân hàng của Italy có thể bị sụp đổ sau khi đề xuất cải cách Hiến pháp của thủ tướng Renzi không được ủng hộ. Tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Italy hiện ở mức 360 tỷ euro.
Nước Áo đã chọn được tổng thống mới
Ngày 6-12-2016, kết quả chính thức cuộc bầu cử tổng thống Áo diễn ra ngày 4-12 đã được công bố, theo đó ứng cử viên độc lập, cựu lãnh đạo đảng Xanh, Alexander Van der Bellen đã giành chiến thắng với 53,8% số phiếu bầu. Trong khi ứng cử viên đảng Tự do Áo, Norbert Hofer được 46,2% phiếu bầu và đã thừa nhận thất bại.
Thắng lợi của ông A.Bellen lần này được đánh giá có ý nghĩa quan trọng với nước Áo nhất là trong bối cảnh sự chia rẽ có xu hướng tăng cao. Trong chiến dịch tranh cử, ông A.Bellen đã kêu gọi đoàn kết đất nước và cùng các nước Liên minh châu Âu khác đối phó với những khó khăn hiện nay. Ông cũng đã bảo vệ vai trò của Liên minh châu Âu và kêu gọi người dân Áo chấp nhận người tị nạn từ vùng chiến sự ở Syria và các nơi khác sang châu Âu. Ông Bellen vốn là người có tư tưởng ủng hộ Liên minh châu Âu và từng công khai ca ngợi chính sách đối với người tị nạn của nước láng giềng Đức. Những tư tưởng cởi mở này đã khiến ông được cử tri lựa chọn, với hy vọng chính trị gia 72 tuổi sẽ tạo dựng một hình ảnh thân thiện hoàn toàn mới của nước Áo.
Các nhà phân tích cho rằng, một nước Áo hội nhập dưới sự lãnh đạo của Tổng thống A.Bellen là một sự khởi đầu tốt đẹp cho châu Âu. Tin vui từ quốc gia xinh đẹp này đã mang đến niềm tin rằng sự lựa chọn gắn kết với châu Âu vẫn đang giành ưu thế và một tinh thần đoàn kết, hợp tác đã một lần nữa được thắp lên.
Thủ tướng Đức Angela Merkel tiếp tục được tín nhiệm trong đảng CDU
Ngày 6-12-2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã được bầu lại làm Chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) với 89,5% số phiếu bầu. Sự kiện này được cho là sẽ thêm tạo động lực cho nhà lãnh đạo này trong bối cảnh bà Merkel đã quyết định sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ Thủ tướng Đức thứ 4 vào năm sau.
Trước đó, vào ngày 20-11-2016, bà Angela Merkel đã thông báo với đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà rằng bà muốn ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 4 trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra tháng 9-2017. Quyết định này của bà được đưa ra trong bối cảnh uy tín của đảng CDU đang bị giảm sút do chính sách với người nhập cư thời gian qua của bà Merkel.
Với mục tiêu tiến tới một giải pháp chung và ổn định trên toàn châu Âu góp phần giảm đáng kể số người tị nạn tại tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu, thời gian qua, Thủ tướng Angela Merkel đã chủ trương tiếp nhận người tị nạn đến Đức. Tuy nhiên quyết định này của bà Merkel đã bị cử tri Đức phản đối do lo ngại về việc nước Đức sẽ bị “quá tải”. Hơn nữa, làn sóng người nhập cư cũng gây ra những bất ổn về an ninh cho nước Đức.
Do đó, để có thể trở thành Thủ tướng Đức thêm một nhiệm kỳ nữa, các nhà phân tích vẫn cho rằng, thách thức từ làn sóng người nhập cư ồ ạt vào châu Âu, trong đó có mối đe dọa về an ninh, sẽ tiếp tục là bài toán nan giải cho bà Merkel.
Nỗ lực tháo gỡ căng thẳng tại Brazil
Ngày 7-12-2016, trong một động thái khá bất ngờ, Tòa án Tối cao Brazil đã ra phán quyết không đình chỉ chức Chủ tịch Thượng viện của ông Renan Calheiros, đảo ngược quyết định trước đó của thẩm phán Tòa án Tối cao Marco Aurélio Mello. Đây được coi là động thái nhượng bộ của Tòa án Tối cao Brazil nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng thể chế tại nước này.
Với phán quyết này, ông Calheiros tiếp tục là nhân vật quyền lực thứ ba tại Brazil (sau Tổng thống và Chủ tịch Hạ viện) không bị đình chỉ chức vụ, bất chấp các cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ trong vụ bê bối của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.
Trước đó, vào ngày 1-12, Tòa án Tối cao Brazil đã ra thông báo điều tra hành vi tham ô của Chủ tịch Thượng viện Calheiros. Vụ việc diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng giữa Quốc hội và Tòa án Tối cao Brazil sau khi Hạ viện nước này thông qua một dự luật, trong đó có quy định hạn chế quyền lực của Tòa án Tối cao trong các hoạt động điều tra tham nhũng.
Tuy nhiên, quyết định trên của Hạ viện cũng đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận Brazil. Người dân đã đổ xuống đường biểu tình bày tỏ sự tức giận tại nhiều thành phố lớn như thủ đô Brasilia, Río de Janeiro và Sao Paulo. Hôm 4-11, nhiều tổ chức xã hội đã phát động cuộc tuần hành lớn trên toàn quốc nhằm phản đối Quốc hội, tình trạng tham nhũng và yêu cầu tiếp tục điều tra vụ Petrobras.
Hiện cơ quan tư pháp Brasil vẫn tiếp tục mở rộng điều tra vụ Petrobas, bị phanh phui từ tháng 3-2014, gây chấn động chính trường Brazil. Hơn 100 cá nhân bị kết tội tham nhũng, rửa tiền và thành lập băng đảng. Khoảng 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sỹ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Vụ bê bối Petrobas cùng với tình trạng suy thoái kinh tế của Brazil đã dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại nước này.
Động đất Indonesia làm hơn 100 người thiệt mạng
Ngày 7-12-2016, một trận động đất mạnh có cường độ 6,5 độ Richter với tâm chấn nằm ở độ sâu 17,16 km đã xảy ra tại tỉnh Aceh, phía Bắc Sumatra của Indonesia. Theo thống kê mới nhất, số người chết trong trận động đất ở Aceh đã lên tới hơn 100 người, hơn 200 người bị thương. Con số này được cho là còn có thể tăng lên. Nhiều tòa nhà, đền thờ, cửa hiệu và công trình hạ tầng cũng bị san phẳng hoàn toàn.
Trận động đất xảy ra vào sáng sớm, khi người dân theo đạo Hồi đang chuẩn bị cho buổi cầu nguyện sáng. Theo giới chức Indonesia, ít nhất 5 dư chấn đã xảy ra trong vòng vài giờ sau trận động đất ban đầu và hiện chưa có cảnh báo sóng thần.
Hiện quân đội, cảnh sát vẫn đang phối hợp với lực lượng cứu hộ và nhiều tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ với hy vọng có thể phát hiện và cứu được những người đang bị mắc kẹt trong đống đổ nát. Nhiều máy móc hạng nặng được đưa đến hiện trường để hỗ trợ việc sơ tán người dân.
Indonesia là nước thường xuyên phải hứng chịu động đất và núi lửa vì nằm ở "Vành đai Lửa" Thái Bình Dương. Năm 2004, tỉnh Aceh là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong một trận động đất mạnh 9,2 độ richter kèm theo sóng thần trên toàn khu vực Ấn Độ Dương. Tỉnh này đã bị phá hủy nặng nề và có hơn 120.000 người thiệt mạng trong thảm họa trên./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!