Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Tổng thống Nga V. Putin đọc thông điệp Liên bang lần thứ 13; Cuba cử hành tang lễ lãnh tụ Fidel Castro; OPEC cắt giảm sản lượng khai thác; cánh tả Pháp gặp khó khăn trong việc lựa chọn ứng cử viên cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2017; tai nạn máy bay thảm khốc tại Colombia; UNESCO công nhận thêm một số di sản văn hóa thế giới... là những tin tức quốc tế nổi bật tuần qua.

Tổng thống Nga V. Putin đọc Thông điệp Liên bang. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin đọc Thông điệp Liên bang

Ngày 1/12/2016, tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã trình bày Thông điệp Liên bang năm 2016 nhằm đánh giá tình hình trong nước và xác định đường lối chính sách đối nội và đối ngoại của Nga trong những năm tới. Đây là Thông điệp Liên bang thứ 23 trong lịch sử hiện đại nước Nga và là thông điệp thứ 13 của Tổng thống Putin.

Theo quy định của Hiến pháp Nga, hằng năm, Tổng thống đọc trước Quốc hội Liên bang một thông điệp về tình hình trong nước cũng như các đường lối chính sách trong và ngoài nước. Thông điệp này được coi là cơ sở chính trị và pháp lý thể hiện tầm nhìn định hướng chiến lược phát triển của Nga trong tương lai gần. Trong đó bao gồm cả chủ đề chính trị, kinh tế, vị thế, hệ tư tưởng, và các đề xuất cụ thể cho công tác lập pháp của hai viện thuộc Quốc hội.

Thông điệp Liên bang 2016 quan tâm nhiều tới các vấn đề y tế, giáo dục cũng như phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế Nga năm 2016 giảm 0,3% so với mức suy giảm năm 2015 là 3,7%. Như vậy suy giảm kinh tế đã chấm dứt, tăng trưởng đã bắt đầu. Các chương trình hỗ trợ một loạt lĩnh vực công nghiệp cũng như thị trường nhà ở đóng vai trò quan trọng. Tổng thống V.Putin hy vọng lạm phát năm 2016 sẽ dưới mức 6%, ở mức 5,8%. Năm 2015, tỷ lệ lạm phát của Nga là 12,9%.

Về quan hệ với Mỹ, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới ở Washington. Tổng thống Putin cho rằng hợp tác Nga - Mỹ trong việc giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu đáp ứng lợi ích của toàn thế giới.

Kết thúc bản Thông điệp Liên bang năm 2016, Tổng thống Nga Putin đã kêu gọi toàn thể nhân dân Nga cùng thống nhất nỗ lực: "Tương lai đất nước phụ thuộc vào tất cả mọi người dân. Chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết các nhiệm vụ của hôm nay và ngày mai".

Đánh giá về Thông điệp Liên bang 2016, nhìn chung người dân Nga và các nhà lãnh đạo của Chính phủ, Quốc hội, các vùng, miền của nước Nga, đều đồng tình và sẵn sàng coi đó là nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện trong thời gian tới, nhằm đưa nước Nga sớm thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Điều này cho thấy sự đồng thuận trong xã hội Nga chưa bao giờ cao hơn lúc này.

Cuba cử hành tang lễ lãnh tụ Fidel Castro

Ngày 26/11/2016, Truyền hình nhà nước Cuba đưa tin, Lãnh tụ cách mạng nước này Fidel Castro  đã từ trần vào lúc 22 giờ 29 phút ngày 25/11/2016 (theo giờ La Habana), tức trưa ngày 26/11 (theo giờ Hà Nội), hưởng thọ 90 tuổi. Sự ra đi của Lãnh tụ Cách mạng Cuba kiệt xuất Fidel Castro đã để lại sự tiếc thương sâu sắc trong lòng người dân Cuba và người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Cho đến nay, ông vẫn luôn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn, một biểu tượng về một con người kiên cường đấu tranh cho tinh thần độc lập dân tộc và vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của con người.

Cuba đã tuyên bố để quốc tang trong vòng 9 ngày. Sau 9 ngày cử hành tang lễ quốc gia, ngày 4/12, tro cốt của vị lãnh tụ Cuba Fidel Castro đã được đưa tới an táng tại nghĩa trang Santa Ifigenia ở thành phố Santiago de Cuba, miền Đông nước này.

Lễ tang được tổ chức kín, không có sự tham gia của quần chúng và giới truyền thông. Chủ tịch Cuba Raul Castro cho biết, tang lễ sẽ được thực hiện theo nghi thức "đơn giản" gần khu vực yên nghỉ của vị anh hùng dân tộc Cuba Jose Marti.

Trước đó, sáng 4/12 theo giờ Việt Nam, lễ mít tinh tưởng niệm lãnh tụ Fidel Castro tại Santiago de Cuba đã diễn ra với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo các nước và hàng chục nghìn người dân Cuba. Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Chủ tịch Cuba Raul Castro cam kết sẽ bảo vệ Tổ quốc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, khẳng định Cuba sẽ vượt qua mọi thách thức, trở ngại cũng như các mối đe dọa trong tiến trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Cuba cho biết, tham dự lễ tưởng niệm có Tổng thống Haiti Jocelerme Privert, Tổng thống Bolivia Evo Morales, cựu Tổng thống Haiti René Preval, hai cựu Tổng thống của Brazil là Luiz Inácio Lula da Silva và Dilma Rousseff; cùng lãnh đạo, đại diện nhiều quốc gia khác. Cựu danh thủ bóng đá người Argentina Maradona cũng tham dự.

Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác

Ngày 30/11/2016, hội nghị chính thức giữa các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã diễn ra tại Vienna, Áo. Hội nghị đã có được kết quả tích cực khi các nước đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu mỏ lần đầu tiên trong 8 năm qua. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, các nước OPEC sẽ giảm sản lượng 1,2 triệu thùng mỗi ngày từ mức chính thức 33,6 triệu thùng/ngày hiện nay.

Kết quả này đạt được bước tiến đáng kể là nhờ việc Saudi Arabia đồng ý thực hiện mức cắt giảm lớn nhất. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ giảm sản lượng 486.000 thùng/ngày, xuống còn 10,1 triệu thùng/ngày. Iraq giảm 210.000 thùng/ngày, xuống còn 4,4 triệu thùng/ngày và UAE giảm 139.000 thùng/ngày, xuống còn 2,9 triệu thùng/ngày. Iran được đồng ý tăng sản lượng lên mức 3,8 triệu thùng/ngày, tương đương mức trước khi bị cộng đồng quốc tế trừng phạt. Trong khi Libya và Nigeria được miễn thực hiện cắt giảm. Tuy nhiên, chỉ duy nhất Indonesia phản đối thỏa thuận trên và quyết định đình chỉ tư cách thành viên OPEC.

Thỏa thuận vừa đạt được của OPEC về cắt giảm sản lượng dầu mỏ đã được các nhà sản xuất dầu mỏ chủ chốt hoan nghênh, đánh giá đây là "quyết định lịch sử" nhằm vực dậy giá dầu.

Liên hợp quốc thắt chặt lệnh trừng phạt đối với CHDCND Triều Tiên

Ngày 30/11/2016, phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) gồm 15 thành viên đã bỏ phiếu thông qua Nghị quyết áp đặt lệnh trừng phạt mới (nghị quyết 2321) đối với nước này. Nghị quyết mới được cho là lấp đầy cái gọi là lỗ hổng của các nghị quyết trước đó.

Nghị quyết 2321 được Mỹ thúc đẩy sau 3 tháng thảo luận riêng với Trung Quốc về các chế tài mới để phản ứng trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 ngày 9/9 vừa qua. Đây là nghị quyết thứ 5 của HĐBA LHQ liên quan tới các vụ thử nghiệm hạt nhân của CHDCND Triều Tiên kể từ khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 2006.

Các biện pháp trừng phạt mới tập trung vào lĩnh vực xuất khẩu than đá - một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của CHDCND Triều Tiên, với mục tiêu cắt giảm hơn 60% lượng xuất khẩu than đá hàng năm của nước này. Nghị quyết mới dài 17 trang này cũng áp đặt lệnh trừng phạt đối với 11 quan chức và 10 tổ chức của CHDCND Triều Tiên, trong đó có cựu Đại sứ CHDCND Triều Tiên tại Ai Cập và Myanmar…

Phản ứng trước lệnh trừng phạt mới của HĐBA LHQ, CHDCND Triều Tiên đã kịch liệt lên án và bác bỏ nghị quyết 2321 áp đặt các trừng phạt mới nhằm kiềm chế các chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Liên hợp quốc và chính phủ các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Trung Quốc đều hoan nghênh nghị quyết 2321, đồng thời kêu gọi sớm khôi phục các cuộc đàm phán sáu bên để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên thông qua các biện pháp chính trị và hòa bình.

Lựa chọn ứng viên Tổng thống cho cuộc bầu cử năm 2017 - Cánh tả Pháp đối mặt nhiều khó khăn

Ngày 1/12/2016, phát biểu trực tiếp từ Điện Elysée, Tổng thống Pháp François Hollande bất ngờ tuyên bố quyết định không ra ứng cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Đây là một quyết định chưa từng có tiền lệ đối với một tổng thống đương nhiệm.

Theo Tổng thống Hollande, trong hơn 4 năm rưỡi qua, ông “luôn được thôi thúc và hành động vì lợi ích của nước Pháp”, ông đã “phục vụ đất nước với tất cả sự chân thành và trung thực”. Tuy nhiên, ông nhận thức được "rủi ro" sẽ đặt ra nếu ông ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ do không nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Chính vì vậy, ông quyết định không tranh cử nhiệm kỳ hai.

Sự kiện này đã đặt phe cánh tả của Pháp mà đại diện là đảng Xã hội (PS) cầm quyền đứng trước những lựa chọn khó khăn nhằm tập hợp lực lượng trong cuộc đua vào Điện Elysée vào tháng 4/2017. Đối với cánh tả Pháp, nhiệm vụ đặt ra là phải tìm được một gương mặt đủ khả năng đương đầu với ứng cử viên tiềm năng của phe cánh hữu là François Fillon, nhằm giúp cánh tả giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới. Đây là một nhiệm vụ khó khăn, bởi cựu Thủ tướng Fillon với chủ trương tiến hành các cải cách triệt để đang nổi lên trên chính trường Pháp, tạo ra được sự ủng hộ lớn trong cử tri cánh hữu.

Các nhà phân tích cho rằng, chia rẽ trong nội bộ Đảng PS nói riêng hay phe cánh tả nói chung đang khiến cánh tả Pháp suy yếu. Trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới, bên cạnh việc đưa ra cương lĩnh tranh cử với những cam kết đáp ứng mong đợi của người dân, ứng cử viên cánh tả phải đủ khả năng tập hợp mọi lực lượng mới có thể hy vọng giành chiến thắng trước ứng cử viên cánh hữu François Fillon và ứng cử viên đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN), Marine Le Pen, vốn đang giành được nhiều sự ủng hộ của cử tri.

Tai nạn máy bay thảm khốc ở Colombia

Tối 28/11/2016 (theo giờ địa phương), tức sáng 29/11 (theo giờ Việt Nam), chiếc máy bay chở theo 81 người, gồm 72 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, trong đó có các thành viên đội bóng Chapecoense Real của Brazil, đang trên lộ trình tới thành phố Medellin của Colombia để dự trận chung kết giải Copa Sudamerica với Atletico Nacional vào ngày 30/11 đã bị rơi ở vùng núi thuộc thị trấn La Union, Colombia. Theo công ty dịch vụ theo dõi chuyến bay Flightradar24, máy bay đã phát tín hiệu khi đang ở độ cao 4.720 m và cách sân bay Medellin khoảng 30km.

Đội tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy 71 người thiệt mạng và 6 người sống sót trong vụ tai nạn máy bay trên. Trong số những người may mắn thoát nạn có 4 cầu thủ của câu lạc bộ Chapecoense Real, gồm cầu thủ Marcos Danilo Padilla, cầu thủ Helio Hermito Zampier Neto, hậu vệ Alan Ruschel và thủ môn dự bị Jackson Follmann. Công tác tìm kiếm cứu nạn vẫn đang tiếp tục được tiến hành.

Giới chức Colombia sau đó đã tìm thấy 2 hộp đen của chiếc máy bay gặp nạn gồm hộp đen ghi dữ liệu chuyến bay và hộp đen ghi âm buồng lái. Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Colombia (Aerocivil) cho biết nguyên nhân tai nạn có khả năng là do máy bay hết xăng và thiếu xăng dự trữ do không thể dừng tiếp nhiên liệu ở giữa chặng vì sân bay đóng cửa. 

Điệu nhảy Rumba của Cuba được công nhận là Di sản Văn hóa của thế giới 

Điệu nhảy Rumba của Cuba vừa được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại buổi họp của Ủy ban liên chính phủ được tổ chức thường niên tại Adis Abeba, thủ đô của Ethiopia.

Ủy ban liên chính phủ của UNESCO, với đại diện của 24 quốc gia ký kết Công ước UNESCO, đã quyết định đưa Rumba Cuba vào danh sách các di sản được bảo vệ bởi đó là biểu tượng của toàn bộ xã hội Cuba và điệu nhảy này¨bảo vệ quyền đa dạng văn hóa dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau¨.

UNESCO cho rằng Rumba Cuba là điệu nhảy mô tả "lòng tự trọng và sự bền bỉ"¨ góp phần vào việc hình thành bản sắc dân tộc đảo quốc Caribe, đồng thời nhấn mạnh Rumba Cuba, với sự phong phú trong nhịp điệu, sự duyên dáng và gợi cảm của các bước nhảy, kết hợp với lời ca và niềm vui, có khả năng kết nối nhiều người, không phân biệt giới tính, kiểu hình, hoàn cảnh xã hội hay địa lý.

Rumba là điệu nhảy được ra đời từ các khu dân cư nghèo khổ của Cuba, với những đặc điểm liên quan tới văn hóa châu Phi, nhưng đồng thời cũng pha trộn một số yếu tố đặc trưng của văn hóa Mỹ Latinh và điệu nhảy flamenco của Tây Ban Nha.

Hội nghị này cũng đã công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Cùng được công nhận trong đợt này còn có Văn hóa bia Bỉ và Nhà hát múa rối Séc và Slovakia./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới