Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào; APEC thúc đẩy tăng trưởng chất lượng và phát triển con người; Hội nghị cấp cao tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9; Fidel Castro – nhà lãnh đạo huyền thoại của cách mạng Cuba từ trần; Pháp bắt đầu mùa bầu cử Tổng thống 2017; Căng thẳng mới trong quan hệ Nga - NATO...là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần.

Lễ đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại sân bay quốc tế Vientiane (Lào). 

Tổng Bí thư Đảng  Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm hữu nghị chính thức nước CHDCND Lào

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Volachith, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 24-26/11.

Ngày 24/11, Lễ đón chính thức Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam được tổ chức trọng thể tại Phủ Chủ tịch theo nghi thức cao nhất dành cho nguyên thủ quốc gia.

Ngay sau lễ đón, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith tiến hành hội đàm tại Phủ Chủ tịch.

Thực hiện chương trình chuyến thăm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có các cuộc hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Thongloun Sisoulith và Chủ tịch Quốc hội Pany Yahthotu; tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước Saysomphone Phomvihane; Chủ tịch Hội Hữu nghị Lào-Việt Nam Vilayvong Butdakham; đến thăm các đồng chí nguyên lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước Lào; thăm và nói chuyện với cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Quốc gia Lào; thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa ở thủ đô Vientiane và tỉnh Bolikhamxay.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến trong bầu không khí thắm tình hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và tin cậy lẫn nhau, hai Bên đã thông báo cho nhau về tình hình của mỗi Đảng, mỗi nước trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội của mỗi Đảng; trao đổi về các chủ trương, biện pháp nhằm tiếp tục đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào phát triển đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất; đồng thời, trao đổi ý kiến về các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.

APEC thúc đẩy tăng trưởng chất lượng và phát triển con người

Ngày 19 và 20-11-2016, tại trung tâm Hội nghị Lima ở thủ đô Lima của Peru, đã diễn ra Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 24, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên.

Với chủ đề “Tăng trưởng chất lượng và phát triển nguồn nhân lực: Nền tảng vì tăng trưởng bền vững tại châu Á-Thái Bình Dương”, năm APEC Peru 2016 tập trung thúc đẩy 4 ưu tiên chính: Liên kết kinh tế khu vực và tăng trưởng chất lượng; Thị trường lương thực khu vực; Hiện đại hóa doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; Phát triển nguồn nhân lực.

Sau hai ngày họp, các nhà lãnh đạo APEC đã thông qua Tuyên bố với hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về Khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Tham dự hội nghị lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu, nêu ra 5 đề xuất cụ thể nhằm đóng góp thúc đẩy hợp tác, liên kết APEC, triển khai mạnh mẽ các cam kết hợp tác hiện có và xây dựng định hướng hợp tác APEC sau năm 2020 vì một tương lai chung của khu vực vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển bền vững và thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.

Với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 với chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển và thịnh vượng.

 Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 

Ngày 23 và 24-11-2016, tại thành phố Siem Reap, Campuchia, đã diễn ra  hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 9 (CLV 9).

Hội nghị đánh giá cao những kết quả hợp tác đạt được giữa ba nước trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, du lịch, nông nghiệp, giao lưu nhân dân. Nhờ sự nỗ lực của ba nước, tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam từ khu vực khó khăn đã trở thành khu vực có tiềm năng phát triển kinh tế, đời sống người dân và an sinh xã hội được cải thiện rõ rệt. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng đã trao đổi về tình hình và triển vọng của Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam và vai trò của hợp tác CLV đối với sự phát triển của mỗi nước.

Sau hai ngày họp, Thủ tướng 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam đã ký kết Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao CLV 9, thông qua danh sách 15 dự án ưu tiên của khu vực Tam giác phát triển CLV để phối hợp vận động đầu tư từ các đối tác phát triển và chứng kiến Lễ ký “Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi thương mại trong khu vực TGPT CLV”.

Tham dự hội nghị cấp cao CLV 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại hội nghị, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác CLV trong xây dựng và triển khai các chính sách phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm an ninh, ổn định xã hội và sự ấm no, hạnh phúc của người dân 3 nước.

Fidel Castro – nhà lãnh đạo huyền thoại của cách mạng Cuba từ trần

Ngày 26/11, Truyền hình nhà nước Cuba đưa tin Lãnh tụ cách mạng nước này Fidel Castro đã từ trần, hưởng thọ 90 tuổi.

Lãnh tụ Cuba sinh ngày 13/8/1926. Ông là một nhà cách mạng vĩ đại, một trong những người kiệt xuất nhất của thế kỷ XX. Ông là người đã ghi danh Cuba vào lịch sử nhân loại với cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài, dẫn dắt quốc gia Caribe này đến con đường độc lập ngày hôm nay.

Fidel Castro Ruz, người tập hợp các lực lượng cách mạng Cuba vào một chính đảng duy nhất và sáng lập Nhà nước xã hội chủ nghĩa tại đảo quốc Caribe này, đã ghi lại dấu ấn đậm nét không chỉ trong lịch sử của “hòn đảo tự do” mà còn cả trong lịch sử của Mỹ Latinh, châu Phi và thế giới nói chung. Ông từng nắm giữ chức vụ Thủ tướng Cuba từ năm 1959 tới năm 1976, và sau đó là Chủ tịch Cuba cho tới khi từ nhiệm vào năm 2008. Ông cũng là Bí thư Thứ nhất của Đảng Cộng sản Cuba trong giai đoạn 1965-2011.

Trong cuộc tấn công lịch sử vào trại lính Moncada ngày 26/7/1953 - sự kiện thường được kỷ niệm như khởi đầu của cuộc Cách mạng 1959, Fidel vừa là nhà chỉ huy, vừa là chiến sĩ nơi tuyến đầu. Sau khi cách mạng thành công, tinh thần tiên phong gương mẫu đó vẫn tiếp tục được ông thể hiện cả trong các chiến dịch quốc phòng như chiến dịch truy quét các nhóm vũ trang phản cách mạng do Cục Tình báo trung ương Mỹ - CIA - hậu thuẫn hay Chiến thắng Girón năm 1961.

Fidel Castro là nguyên thủ đầu tiên và duy nhất thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam (theo đề xuất của chính ông) tại tỉnh Quảng Trị, ngay vào thời điểm cuộc chiến vẫn còn khốc liệt vào tháng 9/1973.

Pháp bắt đầu mùa bầu cử Tổng thống 2017

Ngày 20-11-2016, cuộc bầu cử sơ bộ vòng 1 của các đảng cánh hữu Pháp đã diễn ra nhằm lựa chọn ra 2 trong số 7 ứng cử viên của các đảng cánh hữu tham dự cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Pháp năm 2017. Hai ứng cử viên được chọn ra sau vòng 1 là cựu Thủ tướng François Fillon với 44,1% số phiếu bầu và Thị trưởng thành phố Bordeaux Alain Juppé với 28,3% số phiếu bầu.

Ứng cử viên Fillon, 62 tuổi, là gương mặt sáng trong phe cánh hữu với những quan điểm về kinh tế mở cửa và đã có kinh nghiệm chính trường khi ông giữ chức Thủ tướng dưới thời Tổng thống Sarkozy (2007-2012). Trong khi đó, Thị trưởng thành phố Bordeaux Juppé, 71 tuổi, là người từng đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Pháp trong các năm (1995-1997) dưới thời Tổng thống Jacques Chirac.

Dự kiến 2 người này sẽ tiếp tục tham gia vào cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 27-11 tới để chọn ra ứng cử viên duy nhất đại diện cho cánh hữu tham dự cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào tháng 4-2017.

Người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ của phe cánh hữu ngày 27-11 tới sẽ đối mặt với đại diện phái cực hữu là bà Marine Le Pen thuộc đảng Mặt trận quốc gia (FN); và đại diện cánh tả (nhiều khả năng là đương kim Tổng thống Francois Hollande) trong cuộc đua vòng 1 của cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào tháng 4-2017.

Mùa bầu cử tổng thống Pháp diễn ra trong bối cảnh đảng PS cánh tả cầm quyền vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sự bất đồng trong nội bộ và sự suy giảm uy tín đáng kể. Do đó, ứng cử viên được chọn làm đại diện cho phe cánh hữu ở Pháp được đánh giá là có nhiều cơ hội thành công trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp vào năm tới.

Căng thẳng mới trong quan hệ Nga - NATO

Ngày 21-11-2016, ngay sau khi 11 nước thành viên NATO triển khai 4.000 binh sỹ đến Litva tham gia cuộc tập trận đa phương mang tên “Iron Sword 2016”, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Viktor Ozerov đã tuyên bố về việc điều hệ thống tên lửa phòng không S-400 tới Kaliningrad. Động thái này được xem là câu trả lời cho việc Mỹ triển khai lá chắn tên lửa ở Đông Âu.

Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc việc điều động S-400 của Nga tạo ra mối đe dọa, gây bất ổn đến an ninh của châu Âu. Trong khi đó, phía Nga lại cho rằng, việc NATO liên tục điều động quân đội tiến sát đến biên giới nước này là đi ngược lại những cam kết mà liên minh này đưa ra trong Dự luật Nga-NATO.

Trước hàng loạt những động thái mang tính trả đũa lẫn nhau như vậy, các nhà phân tích cho rằng, mối quan hệ chồng chất bất đồng giữa Nga và NATO sẽ rất khó hòa giải trong tương lai gần. Quan hệ giữa NATO và Nga đã trở nên căng thẳng và tồn tại nhiều bất đồng sau sự kiện Liên bang Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea vào lãnh thổ nước này hồi tháng 3-2014. Ngoài ra, NATO cũng cáo buộc Nga đóng vai trò trong cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Vladimir luôn phủ nhận những cáo buộc trên, đồng thời cho rằng việc phương Tây và NATO lôi kéo chính quyền Ukraine là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia Đông Âu này.

Chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC) ký thỏa thuận hòa bình mới

Ngày 24-11-2016, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos và thủ lĩnh tối cao Lực lượng Vũ trang cách mạng Colombia (FARC) Rodrigo Londono đã ký thỏa thuận hòa bình sửa đổi tại thủ đô Bogota, với sự tham gia của khoảng 800 khách mời. Động thái này cho thấy nỗ lực không mệt mỏi của Chính phủ Colombia cũng như FARC nhằm chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 52 năm ở quốc gia Nam Mỹ này.

Tại lễ ký kết, Tổng thống Santos khẳng định thỏa thuận vừa ký kết mang một ý nghĩa lịch sử, mở ra một giai đoạn mới, giai đoạn hòa bình ở quốc gia Nam Mỹ này, và cho rằng thỏa thuận sửa đổi hoàn thiện hơn văn bản đã ký trước đó vào ngày 26-9 tại thành phố Cartagena.

Thỏa thuận hòa bình mới sẽ phải được Quốc hội Colombia, do phe cầm quyền chiếm đa số, thông qua. Tuy nhiên, khác với thỏa thuận đạt được hồi tháng 9, Tổng thống Colombia Santos quyết định văn bản lần này sẽ không phải thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Trong vòng 150 ngày kể từ khi Quốc hội thông qua thỏa thuận hòa bình sửa đổi, FARC sẽ hoàn tất việc giải giáp vũ khí, với sự hỗ trợ của các chuyên gia Liên hợp quốc.

Dư luận thế giới nhìn chung đánh giá cao quyết tâm của các bên. Với việc Chính phủ Colombia và FARC ký kết hiệp định hòa bình sửa đổi, người dân Colombia cùng với cộng đồng quốc đều hy vọng rằng trong tương lai, quốc gia Nam Mỹ này sẽ được sống trong hòa bình sau hơn 5 thập kỷ nội chiến đẫm máu.

Lật tàu hỏa ở Ấn Độ làm ít nhất 120 người thiệt mạng

Ngày 20-11-2016, tại thị trấn Pukharayan, thuộc thành phố Kanpur của bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khi 14 toa tàu của đoàn tàu cao tốc chạy từ Patna tới Indore bị trật đường ray làm ít nhất 120 người thiệt mạng và khoảng 150 người bị thương. Đây được xem là vụ tại tạn tàu hỏa kinh hoàng nhất tại Ấn Độ kể từ năm 2005 đến nay.

Vụ tai nạn khiến nhiều chuyến tàu đã phải đổi hướng, trong khi chuyến tàu khách chạy từ Jhansi tới Kanpur đã bị hủy. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (Na-ren-đra Mo-đi) đã bày tỏ đau buồn trước vụ tai nạn này, đồng thời cầu chúc những người bị thương chóng bình phục

Sau vụ tai nạn trên, ngành đường sắt Ấn Độ đã thông báo bồi thường 350.000 rupee (7.500 USD) cho các gia đình nạn nhân thiệt mạng và 50.000 rupee (900 USD) cho người bị thương nghiêm trọng.

Ấn Độ là một trong số những quốc gia có mạng lưới đường sắt lớn nhất thế giới với lượng chuyên chở khoảng 20 triệu lượt người/ngày. Tuy nhiên, tai nạn đường sắt thường xuyên xảy ra tại đất nước này do tình trạng quá tải và thiếu an toàn. Một báo cáo gần đây của Chính phủ Ấn Độ cho biết, khoảng 15.000 người thiệt mạng vì tai nạn đường sắt mỗi năm. Tháng 3-2016, Quỹ Nghiên cứu Quan sát (ORF), một tổ chức phi chính phủ về chính sách công cho biết, số người thiệt mạng mỗi năm vì tai nạn đường sắt riêng tại thành phố Mumbai đã lên đến 3.500 người./.

 

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới