Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Thỏa thuận khí hậu Paris chính thức có hiệu lực; Liên minh châu Âu và Canada chính thức ký kết Hiệp định thương mại và kinh tế toàn diện; Căng thẳng trên chính trường Hàn Quốc; Báo cáo của UNICEF về mức độ gây hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với trẻ em...là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Hiệp định CETA chính thức được ký kết tại Brussels ngày 30/10.

Thỏa thuận khí hậu Paris chính thức có hiệu lực

Ngày 4/11/2016 đã trở thành một thời khắc lịch sử đối với cộng đồng quốc tế khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã chính thức có hiệu lực, củng cố và hiện thực hóa những nỗ lực chung của toàn nhân loại nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

 

Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon tuyên bố nêu rõ: “Hôm nay là một ngày lịch sử trong những nỗ lực của nhân loại để đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã có hiệu lực. Vào giai đoạn ngày càng nóng hơn, các quốc gia thành viên đã thông qua thỏa thuận quốc tế mới này trong một thời gian kỷ lục”. Theo nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc, đó là một thời điểm quan trọng đối với tất cả chúng ta. “Với mỗi phê chuẩn mới, phạm vi của Thỏa thuận Paris lại tăng lên. Chỉ trong tuần này, Gabon, Indonesia, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Sao Tome and Principe, Nam Phi và Việt Nam đã tham gia, đại diện cho gần 100 quốc gia, chiếm 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính" – Tổng thư ký lưu ý.

Ông Ban Ki-moon đặc biệt nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong một cuộc chạy đua chống lại thời gian. Nhưng với Thỏa thuận Paris và Chương trình Phát triển bền vững vào năm 2030, thế giới đã có những gì cần thiết để cùng cam kết trên con đường thích ứng khí hậu và khí thải thấp. Bây giờ là thời gian để củng cố quyết tâm toàn cầu, để làm những gì khoa học đòi hỏi và nắm bắt cơ hội để xây dựng một thế giới an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người".

Chính thức ký kết Hiệp định thương mại và kinh tế toàn diện Liên minh châu Âu-Canada

Ngày 30/10/2016 tại thủ đô Brussels (Bỉ), tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu  và Canada, hai bên đã chính thức ký kết Hiệp định thương mại và kinh tế toàn diện (CETA). Sự kiện này được coi là một bước tiến khi chỉ cách đấy vài ngày, CETA còn đứng trước nguy cơ đổ vỡ do vấp phải sự phản đối của người dân vùng Wallonie và các khu vực nói tiếng Pháp khác của Bỉ.

Liên minh châu Âu và Canada đã đạt được thỏa thuận CETA về mặt nguyên tắc từ năm 2013 nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều tăng thêm 20%, tạo ra 80.000 việc làm mới cùng các cơ hội cho người dân Canada cũng như các nước Liên minh châu Âu.

Theo các chuyên gia kinh tế, một khi có hiệu lực, CETA sẽ kết nối Liên minh châu Âu- một trong những thị trường lớn nhất thế giới gồm 500 triệu dân- với Canada, nền kinh tế rất năng động và lớn thứ 10 toàn cầu. Hàng hóa thông thương giữa hai bên sẽ được giảm tới 99% thuế suất. CETA cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tăng thêm 12 tỷ Euro mỗi năm đồng thời giúp tạo ra nhiều việc làm mới trên cả hai bờ Đại Tây Dương.

Việc thông qua CETA cũng mở ra khả năng đàm phán để ký kết các hiệp định thương mại tự do trong tương lai như Hiệp định Thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) kết nối Mỹ với các nước Liên minh châu Âu, vốn đang chịu sự phản đối gay gắt từ cả hai bờ Đại Tây Dương.

Sau khi ký kết, hiệp định CETA cần phải được Nghị viện châu Âu và Quốc hội Canada phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực.

Căng thẳng trên chính trường Hàn Quốc

Những ngày qua, các cuộc biểu tình ở Hàn Quốc liên tục diễn ra nhằm phản đối việc Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye  đã để một người bạn thân can thiệp vào các vấn đề quan trọng của đất nước.

Mặc dù Tổng thống Park Geun-hye chối bỏ những cáo buộc trên nhưng truyền thông Hàn Quốc đã đưa ra những bằng chứng cho thấy, bà Choi Soon-sil (bạn thân của Tổng thống Park) có sức ảnh hưởng vô cùng to lớn đến nữ chủ nhân Nhà Xanh. Trước sức ép từ dư luận, Tổng thống Park đã tiến hành cải tổ một phần Văn phòng Tổng thống vào ngày 30-10, chỉ định 2 thư ký cao cấp mới phụ trách các vấn đề dân sự và quan hệ công chúng.

Ngày 2-11, Tổng thống Park tiếp tục cải tổ nội các, theo đó thay thế Thủ tướng, Phó Thủ tướng, và Bộ trưởng An toàn và An ninh công cộng. Tuy nhiên, quyết định này đã ngay lập tức bị các đảng đối lập ở Hàn Quốc lên tiếng phản đối do không có sự tham vấn trước, đặc biệt trong bối cảnh vụ bê bối liên quan tới bà Choi Soon-sil và Tổng thống Park vẫn chưa sáng tỏ.

Ngày 3-11, Tổng thống Park Geun-hye tiếp tục chỉ định Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết dân tộc Han Gwang-ok làm Chánh văn phòng và chính trị gia Hur Won-je làm thư ký cao cấp của Tổng thống phụ trách các vấn đề chính trị. Như vậy, đến nay bà đã thay thế 3 thư ký cao cấp, cùng với chánh văn phòng.

Không những thế, Tổng thống Park còn bày tỏ lời xin lỗi người dân Hàn Quốc về vụ bê bối chính trị liên quan đến bà Choi Soon-Sil vào ngày 4-11. Đây là lần thứ hai trong 10 ngày qua, Tổng thống Park lên tiếng xin lỗi dư luận về vụ bê bối trên.

Căng thẳng trên chính trường Hàn Quốc đang khiến cho uy tín của nữ Tổng thống Park Geun-hye xuống thấp. Trong khi đó, các chuyên gia kinh tế cũng lo ngại căng thẳng chính trị leo thang có thể đe dọa làm chậm đà hồi phục của kinh tế Hàn Quốc. Vì những rắc rối liên quan tới Tổng thống Park, đồng nội tệ Won đã giảm xuống mức gần thấp nhất trong vòng 4 tháng qua do các nhà đầu tư lo ngại bê bối chính trị ngày càng lan rộng.

 Báo cáo của UNICEF về mức độ gây hại nghiêm trọng của ô nhiễm không khí đối với trẻ em

Ngày 31/10/2016, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) công bố báo cáo khẳng định ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu đe dọa tính mạng của trẻ em.

Báo cáo của UNICEF cho thấy trung bình cứ 7 trẻ em đang tồn tại trên Trái Đất, có 1 trẻ đang phải hít thở không khí ô nhiễm với mức độ đậm đặc nhiều gấp 6 lần so với quy định của quốc tế. Đây là nguyên nhân gây tử vong ở 600.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm, đồng thời là mối đe dọa thường nhật đối với sự sống hiện tại và tương lai của hàng triệu trẻ nhỏ. Ô nhiễm không khí không chỉ gây hại cho cơ quan phổi đang phát triển ở trẻ nhỏ mà nó còn vượt qua rào cản của mạch máu não, gây tổn hại lâu dài đối với não bộ đang phát triển của trẻ nhỏ, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong tương lai.

Qua báo cáo này, UNICEF kêu gọi các nước tăng cường các biện pháp giảm tình trạng ô nhiễm không khí, mở rộng các chương trình hỗ trợ trẻ em tiếp cận với chương trình chăm sóc sức khỏe, đồng thời kiểm soát và giảm đến mức tối thiểu tình trạng phơi nhiễm không khí ô nhiễm ở trẻ em.

Trong thời đại công nghiệp, ô nhiễm không khí không thể được loại bỏ hoàn toàn, tuy nhiên con người có thể thực hiện các biện pháp để giảm bớt tình trạng này như hoàn thành việc di chuyển tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp gây ô nhiễm nặng ra ngoài thành phố; Phát triển công nghiệp xanh; Thực hiện chiến dịch trồng cây xanh trong thành phố, Phát triển xây dựng công trình kiến trúc xanh trong đô thị; Tuyên truyền, nâng cao nhận thức và xây dựng văn hóa, đạo đức môi trường cho mọi người dân đô thị; Chôn lấp và đốt cháy rác một cách khoa học; Xây dựng thêm nhà máy tái chế chất thải; Thực hiện đúng các luật giữ gìn môi trường.

FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản

Ngày 2/11/2016, đúng như dự đoán của các chuyên gia kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã quyết định tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản với lý do thể chế tài chính này cần nhận thấy nhiều tín hiệu tích cực hơn nữa từ nền kinh tế Mỹ trước khi nâng lãi suất. Theo đó, FED sẽ duy trì lãi suất cơ bản ở mức 0,25 - 0,5%.

FED nhận định, kinh tế Mỹ đã có đà và tỉ lệ tăng trưởng việc làm được duy trì vững chắc, đồng thời bày tỏ lạc quan hơn về việc tỉ lệ lạm phát sẽ đạt mục tiêu tăng 2% trong năm nay. Tuy nhiên, FED vẫn muốn chờ thêm những bằng chứng cụ thể hơn nữa về tiến triển tiếp diễn của nền kinh tế để hướng đến các mục tiêu của mình. Quyết định duy trì lãi suất được FED đưa ra chưa đầy một tuần trước khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ chính thức diễn ra (ngày 8-11), trong bối cảnh các nhà đầu tư được cho sẽ "án binh bất động" trong thời gian này.

Ngay sau thông báo của FED, toàn bộ các chỉ số chứng khoán chính của Mỹ đồng loạt mất điểm ở chốt phiên giao dịch cùng ngày. Theo giới chuyên gia, quyết định của FED cũng như sự bất định trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ là những nguyên nhân phủ bóng đen lên viễn cảnh thị trường chứng khoán Mỹ.

Hiện chưa có dấu hiệu cụ thể nào cho thấy các bước đi sắp tới của FED, nhưng rõ ràng cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Mỹ đang chịu không ít sức ép khi các quy định chặt chẽ trên thị trường tài chính ở nhiều nước cũng đang đẩy lãi suất cho vay lên mức cao và điều này ảnh hưởng đáng kể đến lãi suất của đồng USD. Mặc dù vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng cho rằng, mức lãi suất chủ chốt siêu thấp 0,25% - 0,5% mà FED đang áp dụng sẽ không duy trì lâu dài.

Đắm tàu ở ngoài khơi bờ biển Libya làm hơn 200 người thiệt mạng

Ngày 2/11/2016, hai vụ chìm thuyền chở người di cư được cho là đến từ Tây Phi trên biển Địa Trung Hải đã khiến ít nhất 240 người thiệt mạng.

Theo phát ngôn viên của Tổ chức Di trú Quốc tế (IMO) Flavio di Giacomo, con thuyền thứ nhất đã rời bờ biển Libya vào khoảng 3 giờ sáng ngày 2-11. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau con thuyền bắt đầu chìm xuống. Khi lực lượng cứu hộ đến khu vực xảy ra vụ tai nạn, khoảng 100 người đã thiệt mạng, 12 thi thể, trong đó có 3 trẻ sơ sinh, được đưa lên bờ. Chỉ 27 người may mắn sống sót. Trong khi đó, con thuyền thứ hai cũng bị chìm ngoài khơi Libya ngày 2-11 đã khiến 140 người thiệt mạng.

Tổ chức IMO cho biết, tổng số di dân thiệt mạng trong các vụ chìm thuyền kể từ đầu năm 2016 đến nay đã lên tới 4.420 người, so với con số 3.777 người chết hồi năm 2015. Trong năm nay, đã có 158 nghìn người di cư tới châu Âu bằng cách vượt biển qua Libya.. Chỉ tính riêng trong tháng 10-2016, con số này đã lên tới 27.388 người.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng người di cư vẫn đang là một bài toán hóc búa đối với các nhà chức trách châu Âu. Cho đến nay, dường như các giải pháp mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đưa ra vẫn chưa đủ hợp lý và quyết liệt, khiến tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng này nhiều lần “đi vào ngõ cụt”./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới