Sự kiện quốc tế nổi bật tuần qua

Trong hai ngày 28 và 29/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhằm thảo luận về những hậu quả của sự kiện đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Hội nghị cũng là dịp để những thành viên còn lại nêu cao quyết tâm, Liên minh châu Âu sẽ vẫn tồn tại một cách thống nhất.

Thủ tướng Anh David Cameron (trái) và các nhà lãnh đạo châu Âu tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ở Brussels ngày 28/6. 

Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông

Ngày 1/7, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa Trọng tài vụ kiện Phi-líp-pin – Trung Quốc sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:

“Việt Nam đã được thông báo về việc Tòa Trọng tài sẽ ra phán quyết cuối cùng vào ngày 12/7/2016.

Là quốc gia trực tiếp liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông và là quốc gia thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, Việt Nam luôn theo dõi sát diễn biến vụ kiện và mong muốn Tòa Trọng tài sẽ đưa ra phán quyết công bằng và khách quan, tạo cơ sở cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông.

Một lần nữa, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, ủng hộ việc tuân thủ và thực thi đầy đủ tất cả các quy định và thủ tục của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982”.

Tổng thống Nga thăm Trung Quốc

Ngày 25/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin  có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc, nhằm tăng cường quan hệ thương mại và thúc đẩy kết nối chiến lược phát triển.

Kết thúc chuyến thăm, hai bên đã ký hơn 30 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực như kinh tế và thương mại, ngoại giao, cơ sở hạ tầng, công nghệ, nông nghiệp, tài chính, năng lượng, truyền thông, phát triển mạng Internet và thể thao. Nga và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung, trong đó cam kết tăng cường sự ổn định chiến lược toàn cầu. Bên cạnh đó, hai lãnh đạo cũng ký một thỏa thuận về thúc đẩy sự phát triển thông tin và mạng Internet.

Sau nhiều thăng trầm trong lịch sử, quan hệ Nga - Trung Quốc hiện đang bước vào giai đoạn đối tác hợp tác chiến lược mới. Trong 2 năm gần đây, Nga và Trung Quốc đã ký nhiều thỏa thuận, chủ yếu về dầu mỏ và khí đốt. Hiện Nga muốn tăng cường quan hệ thương mại với khu vực châu Á - Thái Bình Dương để bù đắp tổn thất đầu tư nước ngoài do lệnh trừng phạt của châu Âu và Mỹ áp đặt sau sự kiện Crimea. Và Trung Quốc được coi là một trong những đầu mối quan trọng hàng đầu.

Chuyến thăm Trung Quốc lần này của Tổng thống Putin một lần nữa cho thấy hai nước muốn thể hiện lòng tin chính trị và thúc đẩy hợp tác thực chất nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển quan hệ hợp tác đối tác chiến lược Nga - Trung.

 Israel - Thổ Nhĩ Kỳ bình thường quan hệ

Ngày 27/6, sau 6 năm quan hệ ngoại giao bị gián đoạn, tại thủ đô Rome (Italy), Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được thỏa thuận về việc bình thường hóa quan hệ song phương. Đây là một bước tiến lớn giữa hai quốc gia mà trước đây đã từng được xem là đồng minh trong thế giới Arab.

Theo đó, hai bên sẽ trao đổi đại sứ trở lại. Israel sẽ bồi thường 20 triệu USD cho những người bị thương và thân nhân những người Thổ Nhĩ Kỳ bị thiệt mạng trong vụ binh lính Israel tấn công tàu chở hàng cứu trợ Mavi Marmara 6 năm về trước. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý chấm dứt mọi yêu cầu với phía Israel liên quan đến vụ tấn công tàu Mavi Marmara. Ngoài ra, nhằm giảm bớt căng thẳng tại Dải Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị xây dựng trạm phát điện và nhà máy lọc nước để đảm bảo nước uống cho người dân tại khu vực này.

Theo giới phân tích, bước hòa giải này ngoài mục đích chính trị còn có mục tiêu kinh tế. Bởi Israel sở hữu một trữ lượng lớn khí gas tự nhiên và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu muốn phát triển nguồn thu từ nó. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại có nhu cầu về khí gas, đặc biệt sau khi quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỹ và Nga - nguồn cung cấp khí gas chính của nước này - đã trở nên xấu đi từ cuối năm 2015.

Như vậy, sau nhiều năm đóng băng quan hệ ngoại giao, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã hoàn tất được các thỏa thuận nhằm khôi phục mối quan hệ giữa hai nước. Sự kiện này được xem là một bước tiến lớn trong việc giải quyết các khúc mắc vốn tồn tại ở khu vực Trung Đông.

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu về Brexit

Trong hai ngày 28 và 29/6, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhằm thảo luận về những hậu quả của sự kiện đa số cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit). Hội nghị cũng là dịp để những thành viên còn lại nêu cao quyết tâm, Liên minh châu Âu sẽ vẫn tồn tại một cách thống nhất. Tuy nhiên điều dễ nhận thấy trong cuộc họp này là sự “lạnh nhạt” mà Liên minh châu Âu dành cho Anh sau khi nước này khiến Liên minh rơi vào cơn "địa chấn" lớn nhất trong lịch sử 59 năm tồn tại.

Sốc nhưng không tiếc nuối. Liên minh châu Âu một lần nữa khẳng định quan điểm muốn Anh rời khỏi Liên minh càng sớm càng tốt, nhằm giải quyết những rắc rối chính trị và kinh tế, tránh gây ảnh hưởng và áp lực đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh, không tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào cho đến khi Anh chính thức đệ đơn xin rời khối. Trước sự kiên quyết đó, Thủ tướng Anh David Cameron đã từ chối yêu cầu về việc chính thức bắt đầu quy trình đưa Anh ra khỏi Liên minh và cho rằng đây là nhiệm vụ của vị Thủ tướng kế nhiệm sẽ được bầu vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, ông D.Cameron vẫn mong muốn Anh có mối quan hệ "gần gũi nhất có thể" với Liên minh châu Âu, khi các quốc gia trong Liên minh vẫn là “hàng xóm, bạn bè, đồng minh và đối tác” cần thiết của London.

Rõ ràng, cuộc chia tay giữa Anh và Liên minh châu Âu đầy phức tạp với những dư chấn mạnh cho cả hai phía. Việc kiên định lập trường cứng rắn, dứt khoát với London cũng là một cách thức để Liên minh châu Âu gửi đi tín hiệu rõ ràng rằng, những quốc gia từ bỏ Liên minh sẽ gặp nhiều bất lợi và không nhận được bất kỳ sự thỏa hiệp nào.

Nga bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Ngày 29/6, sau bức thư của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan xin lỗi về việc không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga gần biên giới Syria ngày 24/11/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Putin cũng yêu cầu Chính phủ Nga bắt đầu tiến trình này và cho biết Nga sẽ giảm các hạn chế hành chính trong lĩnh vực du lịch đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, nhà lãnh đạo Nga cũng đã gửi lời chia buồn với người đứng đầu nhà nước và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ sau các vụ tấn công khủng bố làm nhiều người thương vong vừa xảy ra ở thành phố Istanbul. Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế chống khủng bố. Theo Tổng thống Putin, người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ làm tất cả để đảm bảo an toàn cho công dân Nga trên lãnh thổ nước này.

Giới phân tích cho rằng, các lợi ích kinh tế, chính trị đan xen đã buộc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ không thể để căng thẳng tiếp tục leo thang mà phải bắt tay nhau. Việc Tổng thống Nga Putin tuyên bố bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ đã phát đi một thông điệp tích cực, có thể đem lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, cũng như các hoạt động phối hợp để giải quyết vấn đề Syria và cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo.

Quan hệ ASEAN - Ấn Độ đi vào chiều sâu

Trong hai ngày 29 và 30/6, tại Indonesia, Ủy ban Hợp tác chung ASEAN-Ấn Độ (JCC) đã họp phiên thứ 16, dưới sự đồng chủ trì của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại ASEAN Nguyễn Hoành Năm và Đại sứ Ấn Độ tại ASEAN, ông Suresh. K.Redd.

Tại cuộc họp, hai bên ghi nhận các kết quả tích cực trong triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ giai đoạn 2016 - 2020, với 30/130 dòng hành động đã được thực hiện (chiếm tỷ lệ gần 23%) chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2016, trong đó có 13 hoạt động trong lĩnh vực chính trị an ninh, 10 hoạt động về hợp tác kinh tế, 4 hoạt động về văn hóa - xã hội và 3 hoạt động hợp tác xuyên ngành. Cuộc họp bày tỏ lạc quan và tin tưởng hai bên sẽ cùng thực hiện tối đa các biện pháp của Kế hoạch hành động trong thời gian còn lại. Hai bên cũng đã trao đổi các ý tưởng, đề xuất để xây dựng các lĩnh vực ưu tiên 3 năm (2016 - 2018) nhằm triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Độ (2016 - 2020) và xây dựng danh mục các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN - Ấn Độ vào năm 2017. Bên cạnh đó, hai bên cũng đã cơ bản hoàn tất đàm phán Bản ghi nhớ (MOU) thành lập Trung tâm ASEAN - Ấn Độ và chuẩn bị cho việc ký kết thời gian tới.

Phát biểu tại cuộc họp, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Nguyễn Hoành Năm đánh giá cao các kết quả đạt được trong hợp tác ASEAN - Ấn Độ thời gian qua, mong muốn phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ấn Độ tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội; đề nghị Ấn Độ tiếp tục cùng ASEAN đóng góp vì hòa bình, an ninh và hợp tác phát triển ở khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông; và tiếp tục hỗ trợ ASEAN củng cố Cộng đồng ASEAN phát triển vững mạnh. Đại sứ khẳng định trên cương vị nước điều phối quan hệ ASEAN - Ấn Độ, Việt Nam sẽ nỗ lực đẩy mạnh quan hệ ASEAN và Ấn Độ ngày càng phát triển, đi vào chiều sâu và thực chất. Việt Nam sẽ tích cực phối hợp với các nước tiến hành các hoạt động thiết thực kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ vào năm 2017./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới