Tại Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đại diện của Việt Nam khẳng định ý nghĩa quan trọng của Công ước Luật Biển trong việc tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên liên quan đến việc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì thịnh vượng chung của nhân loại.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Từ ngày 20 – 24/6, tại trụ sở Liên hợp quốc, New York (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 với sự tham dự của 79/168 nước thành viên, các tổ chức quốc tế và 10 nước quan sát viên. Hội nghị đã xem xét các báo cáo về hoạt động trong năm 2015 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa cũng như một số vấn đề khác. Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị.
Tại các phiên thảo luận của hội nghị, đoàn Việt Nam đánh giá cao thành quả hoạt động của các cơ quan được thành lập theo Công ước, hoan nghênh Tòa án quốc tế về Luật biển đưa ra các phán quyết và ý kiến tư vấn trong năm 2015, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước. Đoàn Việt Nam cũng hoan nghênh nỗ lực của Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa trong việc xem xét các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia thành viên trong năm 2015, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sửa đổi quy tắc hoạt động để Uỷ ban có thể ra khuyến nghị đối với các báo cáo bị phản đối, trong đó có các báo cáo của Việt Nam, phù hợp với quy định của Công ước.
Phát biểu tại hội nghị ngày 23/6, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, trưởng đoàn Việt Nam khẳng định ý nghĩa quan trọng của Công ước Luật Biển trong việc tạo khuôn khổ pháp lý điều chỉnh quyền lợi và nghĩa vụ của các thành viên liên quan đến việc sử dụng biển và đại dương một cách hòa bình, công bằng, ổn định và hiệu quả, vì thịnh vượng chung của nhân loại. Đại sứ hoan nghênh các Nghị quyết do Đại hội đồng LHQ thông qua trong năm qua về vấn đề biển và đại dương, cụ thể là Nghị quyết về Luật Biển và Đại dương, Nghị quyết về đánh cá bền vững… cũng như kết quả làm việc của Ủy ban trù bị về đa dạng sinh học ngoài vùng tài phán quốc gia.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực. Trưởng đoàn ta kêu gọi các bên liên quan cần chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông. Đại sứ khẳng định lập trường của Việt Nam, theo đó các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS; các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bước tiến quan trọng chống Nhà nước Hồi giáo của Iraq
Ngày 18/6, với sự hỗ trợ của liên minh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, quân đội Chính phủ Iraq đã giành chiến thắng lớn trước lực lượng Nhà nước Hồi giáo tại thành phố Fallujah thuộc tỉnh Anbar, cách thủ đô Baghdad khoảng 50 km về phía Tây. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Iraq và là một trong những thành trì lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Anbar. Vì vậy, việc Fallujah được giải phóng là một tổn thất to lớn đối với Nhà nước Hồi giáo khi chúng mất đi một điểm tựa quan trọng để chiếm giữ thủ đô Baghdad.
Chiến thắng này cũng giúp củng cố tinh thần của các lực lượng an ninh Iraq khi những nỗ lực bền bỉ của họ đã mang lại hiệu quả. Hiện quân đội Iraq cùng với lực lượng vũ trang người Kurd, được sự yểm trợ từ liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang tiếp tục tấn công vào thành phố Mosul ở miền Bắc, để giải phóng "thành trì" lớn nhất của Nhà nước Hồi giáo tại Iraq.
Việc giải phóng Fallujah và tiến đến Mosul đồng nghĩa với việc vùng lãnh thổ Nhà nước Hồi giáo kiểm soát tại quốc gia vùng Vịnh này tiếp tục bị thu hẹp. Theo nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Iraq, từ chỗ kiểm soát 2/3 lãnh thổ nước này từ năm 2014, đến nay, diện tích Nhà nước Hồi giáo chiếm giữ đã bị thu hẹp xuống 1/3. Như vậy, cùng với các chiến dịch chống lại tổ chức khủng bố này được mở ở khắp các quốc gia lân cận như Syria, Libya, mưu đồ thành lập nhà nước khủng bố tại toàn bộ khu vực Trung Đông và Bắc Phi vào năm 2020 của thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi đang dần bị dập tắt.
Tình hình bán đảo Triều Tiên tiếp tục căng thẳng
Ngày 22/6, bất chấp các Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, CHDCND Triều Tiên đã phóng thử liên tiếp hai tên lửa đạn đạo tầm trung, được cho là tên lửa Musudan, từ bờ biển phía Đông. Theo Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, tên lửa thứ nhất được phóng từ khu vực gần thành phố Wonsan vào khoảng 5h58' sáng theo giờ địa phương, song vụ phóng này đã thất bại. Tên lửa thứ hai được phóng vào lúc 8h05' cũng tại địa điểm trên và tên lửa này đã bay xa khoảng 400km.
Ngay sau khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, đã lên án vụ phóng tên lửa trên, coi đây là hành động vi phạm rõ ràng các nghị quyết hiện hành của Liên hợp quốc.
Các nhà phân tích cho rằng, vụ thử tên lửa mới nhất này được xem như một thách thức dư luận quốc tế từ phí CHDCND Triều Tiên. Đáng quan ngại hơn, những đe dọa tấn công nhằm vào Mỹ và Hàn Quốc gần đây từ CHDCND Triều Tiên cho thấy sự bất ổn từ bán đảo có sở hữu hạt nhân không chỉ đe dọa an ninh trong khu vực mà còn trên phạm vi toàn cầu. Thế nên, các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc, Mỹ cũng như Hàn Quốc với CHDCND Triều Tiên xem ra chỉ là giải pháp tạm thời. Quan trọng hơn, các bên liên quan phải cùng tìm được tiếng nói chung để có thể gỡ bỏ một chương trình hạt nhân không kiểm soát tại Bán đảo Triều Tiên và trên bình diện toàn cầu.
Tín hiệu tích cực trong quan hệ Mỹ-Venezuela
Ngày 22/6, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Thomas Shannon đã có cuộc gặp tại thủ đô Caracas của Venezuela nhằm hạ nhiệt mối quan hệ song phương.
Trong cuộc đàm phán kéo dài hơn 2 tiếng, chính phủ Venezuela tái khẳng định thiện chí xây dựng mối quan hệ song phương với Mỹ trên cơ sở tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau. Trong một phát biểu, ông Maduro khẳng định Venezuela là một đất nước có chủ quyền chính trị và độc lập, do đó sẽ không chấp nhận bất cứ hành vi can thiệp vào công việc nội bộ nào từ một quốc gia khác. Ông thông báo đã chuyển tới Tổng thống Mỹ Barack Obama mong muốn của Caracas thiết lập lộ trình đối thoại song phương.
Tại cuộc đối thoại, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Shannon cũng đã thảo luận với các phe phái chính trị khác nhau trong đó có liên minh Đoàn kết Dân chủ (MUD) đối lập về những thách thức xã hội, kinh tế và chính trị ở Venezuela và thúc đẩy đối thoại mang tính xây dựng giữa các phe phái ở nước này.
Sau nhiều thăng trầm trong quan hệ, việc Mỹ và Venezuela tái khởi động đối thoại song phương lần này được coi là một tín hiệu tích cực trong quan hệ giữa hai nước. Dư luận quốc tế hy vọng những nỗ lực này đủ sức kéo quan hệ Washington-Caracas lại gần nhau hơn sau những rạn nứt và căng thẳng kéo dài.
Liên minh châu Âu thành lập lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới mới
Ngày 22/6, các nhà đàm phán của 28 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu đã nhất trí thông qua đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới. Theo đó, lực lượng này sẽ can thiệp vào các nước ở vị trí "tiền tuyến" như Hy Lạp và Italy nhằm hạn chế dòng người di cư.
Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới nói trên là đơn vị được mở rộng về quy mô và nhiệm vụ từ Cơ quan kiểm soát biên giới châu Âu (Frontex) hiện nay. Dự kiến, lực lượng này sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 9 tới và hoạt động đầy đủ vào tháng 11/2016 nhằm khôi phục Khu vực tự do đi lại Schengen vốn đang bị ảnh hưởng do một một số nước áp đặt kiểm soát trở lại biên giới vì lo ngại dòng người di cư đổ về.
Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho rằng việc đạt được thỏa thuận về thành lập Lực lượng bảo vệ bờ biển và biên giới cho thấy châu Âu có thể hành động nhanh chóng và kiên quyết nhằm giải quyết những thách thức chung. Trong khi đó, nhà đàm phán trưởng EP Artis Pabriks cho rằng lực lượng này sẽ "bảo đảm các đường biên giới ngoài Liên minh châu Âu được an toàn hơn và được kiểm soát tốt hơn".
Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn giữa Chính phủ Colombia và FARC
Ngày 23/6, tại thủ đô La Habana của Cuba, đại diện chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã chính thức ký kết Thỏa thuận ngừng bắn song phương và vĩnh viễn. Theo đó, hai bên cam kết chuyển từ sử dụng vũ khí sang theo đuổi các biện pháp chính trị theo nguyên tắc dân chủ, tự do tư tưởng và thảo luận văn minh, đồng thời ấn định thời hạn 180 ngày kể từ ngày ký thỏa thuận cuối cùng để hoàn thành việc giải giáp vũ khí.
Hai bên cũng thông qua cơ chế giám sát 3 bên, với bên thứ 3 là phái đoàn quan sát viên quốc tế của Liên hợp quốc gồm chủ yếu các thành viên từ khu vực Mỹ Latinh, thành lập 8 khu lán trại và 23 Khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội từng bước của các cựu du kích quân.
Phát biểu sau lễ ký, thủ lĩnh tối cao của FARC Timoleón Jiménez khẳng định mong muốn rằng đây sẽ là ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh, đồng thời nhấn mạnh những người được hưởng lợi nhất của tiến trình hòa bình đầy chông gai này chính là các thế hệ tương lai của Colombia. Về phần mình, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định cột mốc lịch sử này đã rất gần ngày hai bên ký kết thỏa thuận hòa bình cuối cùng, khép lại 50 năm của đau khổ và chết chóc, mở ra cho Colombia một thời kỳ của hi vọng, nơi những ý tưởng được bảo vệ bằng lý lẽ chứ không phải bằng súng đạn.
Anh rời khỏi Liên minh châu Âu
Ngày 24/6, theo kết quả kiểm phiếu chính thức, 51,9% cử tri (17.410.742 người) đã bỏ phiếu ủng hộ Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (gọi là Brexit), trong khi chỉ có 48,1% cử tri (16.141.241 người) bỏ phiếu giữ Anh ở lại "Ngôi nhà chung". Như vậy, cuối cùng, người Anh đã chọn quyết định rời khỏi "cuộc hôn nhân” không hạnh phúc kéo dài 43 năm qua với Liên minh châu Âu.
Các chuyên gia cho rằng, kết quả cuộc trưng cầu dân ý trên không hoàn toàn bất ngờ vì trong suốt 4 tháng vận động quyết liệt của cả hai phe, nhiều người đã tiên đoán được kịch bản Brexit. Cho dù Liên minh châu Âu đã có nhiều sự nhượng bộ thông qua việc trao cho Anh "quy chế đặc biệt", và các nhà lãnh đạo Anh và châu Âu, cũng như các chuyên gia kinh tế liên tục vẽ ra những viễn cảnh ảm đạm đối với việc Anh rời Liên minh châu Âu thì rốt cuộc người dân Anh vẫn có sự lựa chọn riêng của họ. Lịch sử một lần nữa cho thấy khi các cử tri đưa ra quyết định, họ hiếm khi tập trung vào vấn đề chính như các chính trị gia đề cập. Với người dân, lợi ích trước mắt và liên quan trực tiếp mới là quan trọng.
Và cuối cùng, tâm lý hoài nghi châu Âu vốn dồn nén suốt 43 năm qua đã được thể hiện qua lá phiếu của đa số cử tri Anh. Cuộc khủng hoảng người di cư tại châu Âu, những mối lo ngại về an ninh - khủng bố và sự chán nản cách thức xử lý khủng hoảng kinh tế tại nhiều nước trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chỉ là “giọt nước tràn ly” khiến nhiều cử tri Anh cảm thấy có lý do chính đáng để lựa chọn ra khỏi Liên minh châu Âu.
Với kết quả Brexit, giới phân tích cho rằng nước Anh sẽ bước vào thời kỳ mới với một tương lai không ổn định, trong khi Liên minh châu Âu sẽ chứng kiến một bước thụt lùi đáng kể trong những nỗ lực xây dựng một Liên minh hùng mạnh kể từ Chiến tranh Thế giới lần thứ hai.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!