Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển : Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Sau hai ngày làm việc, đã có hơn 20 tham luận và trên 250 ý kiến thảo luận đã được trình bày tại hội thảo.
Các đại biểu tham gia Hội thảo
Hội thảo quốc tế “an ninh và phát triển biển” thành công tốt đẹp
Ngày 10/6, tại Hạ Long (Quảng Ninh), Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh và Phát triển biển : Hợp tác quốc tế và chia sẻ kinh nghiệm Á-Âu” do Học viện Ngoại giao (DAV) và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức đã kết thúc tốt đẹp. Sau hai ngày làm việc, đã có hơn 20 tham luận và trên 250 ý kiến thảo luận đã được trình bày tại hội thảo.
Hội thảo đã xem xét cấu trúc an ninh khu vực và một số cơ chế quản lý hợp tác biển đa phương tiêu biểu trên thế giới và bài học áp dụng đối với khu vực. Các đại biểu chia sẻ nhu cầu cấp thiết xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh và an toàn trên biển ở Đông Á để phát huy vai trò kết nối của môi trường biển giữa các nước trong khu vực.
Hội thảo khuyến nghị các nước trong khu vực cần tăng cường đối thoại về việc nâng cao năng lực, thiết lập hệ thống chia sẻ thông tin và xây dựng chương trình hành động chung giữa các nước, học hỏi từ những mô hình hợp tác, thực tiễn thành công trong khu vực; nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một cơ chế an ninh tập thể. Trong đó, bài học về mô hình an ninh tập thể ở châu Âu được thảo luận và đề xuất khả năng áp dụng ở châu Á. Tuy nhiên, một số đại biểu nhận định quá trình hình thành cơ chế an ninh tập thể cần có thời gian, thông qua trao đổi trực tiếp, liên tục và thực chất giữa các chủ thể liên quan, trong đó cần tận dụng vai trò của ASEAN và các cơ chế mà ASEAN là trung tâm hiện nay.
Kết thúc hội thảo, các đại biểu cùng thảo luận về các đề xuất cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác về an ninh và phát triển trên biển. Điểm nhấn xuyên suốt của các phiên thảo luận của hội thảo là ý chí chính trị, các biện pháp xây dựng lòng tin và tôn trọng các quy tắc, chuẩn mực pháp lý quốc tế, tôn trọng lẫn nhau là chìa khoá để vượt qua những khác biệt về yêu sách chủ quyền, vùng biển, khoảng cách về năng lực ứng phó để hợp tác nhằm bảo vệ không gian biển, không gian sinh tồn chung của các quốc gia.
Tìm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine
Ngày 3-6, Hội nghị cấp ngoại trưởng về tiến trình hòa bình Trung Đông được tổ chức tại Paris, nhằm đưa Israel và Palestine quay trở lại bàn đàm phán đã gặp nhiều thách thức.
Tại hội nghị với sự tham dự của các đại diện từ 28 quốc gia, Liên đoàn Arab (AL), Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc, Tổng thống Pháp Francois Hollande đã hối thúc Israel và Palestine đưa ra "sự lựa chọn dũng cảm" để tiến tới hòa bình. Tổng thống Pháp Hollande nhấn mạnh việc thảo luận những điều kiện cho một thỏa thuận bền vững giữa Israel và Palestine cần phải tính đến toàn bộ khu vực.
Kết thúc hội nghị, các đại diện tham dự đã nhất trí tổ chức một hội nghị cấp cao, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo trên thế giới, trong đó có lãnh đạo Israel và Palestine vào cuối năm nay, nhằm đưa ra các sáng kiến thúc đẩy giải pháp hai nhà nước.
Giới phân tích cho rằng, những nỗ lực ngoại giao của Pháp nhằm cứu vãn hòa bình Trung Đông sẽ không đạt được bước tiến nếu không có sự hỗ trợ tích cực của Mỹ. Dù hội nghị cấp ngoại trưởng về hòa bình Trung Đông theo sáng kiến của Pháp chưa thu hẹp được bất đồng, song không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền Pháp nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Palestine đã tồn tại nhiều thập kỷ qua. Sự can dự của Pháp cho thấy, nếu cộng đồng quốc tế không nhanh chóng khởi động trở lại tiến trình hòa bình và thúc đẩy tiến trình giải pháp hai nhà nước cho Israel và Palestine thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Khu vực Trung Đông vốn bất ổn sẽ chìm sâu vào bạo lực, xung đột, khi vấn đề cốt lõi là hòa bình cho người Palestine không được thúc đẩy và thực hiện.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 15
Từ 3 đến 5-6, Đối thoại Shangri-La thường niên lần thứ 15 đã diễn ra tại Singapore ,với sự tham dự của 600 đại biểu đại diện cho các nước ASEAN, châu Á, châu Âu và Mỹ, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng của 20 quốc gia cùng đông đảo giới học giả quốc tế. Đoàn Việt Nam do Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Đối thoại kết thúc với nhiều tuyên bố được đưa ra thể hiện lập trường quan điểm cũng như chính sách về an ninh quốc phòng của mỗi nước liên quan đến tình hình an ninh khu vực; trong đó việc đảm bảo ổn định và an ninh, an toàn ở Biển Đông là vấn đề quan trọng nhất được các quốc gia cũng như giới học giả đặc biệt quan tâm.
Về vấn đề Biển Đông, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định quan điểm, lập trường của Việt Nam là kiên quyết giữ vững độc lập, tự chủ và coi đây là nguyên tắc cao nhất, vừa hợp tác vừa đấu tranh để phát triển cũng như giải quyết tranh chấp, bất đồng. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng cho rằng những tranh chấp hiện nay nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến chạy đua vũ trang, đối đầu chiến lược với những hậu quả hết sức nghiêm trọng và khó lường.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương tăng cường hợp tác với Trung Quốc và các nước có liên quan nhằm xây dựng và củng cố lòng tin, tìm ra những điểm chung trong lợi ích chiến lược đồng thời thẳng thắn đấu tranh trên tinh thần xây dựng. Chỉ có vậy, mới cùng tìm ra những giải pháp mà các bên liên quan có thể chấp nhận, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế và cũng sẽ được cộng đồng quốc tế đón nhận như một đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định tại khu vực và thế giới.
Thụy Sĩ bỏ phiếu về thu nhập cơ bản vô điều kiện cho toàn dân
Ngày 6-6, theo kết quả sơ bộ, hơn 75% số người bỏ phiếu đã phản đối đề xuất Nhà nước Thụy Sỹ chu cấp hàng tháng cho mỗi công dân từ khi sinh ra cho đến khi qua đời, một khoản tiền đủ sống mà không có bất cứ điều kiện nào kèm theo (UBI). Đây là cuộc bỏ phiếu đầu tiên trên thế giới về vấn đề này.
Mặc dù bị đa số người bỏ phiếu phản đối nhưng đối với những người ủng hộ đề xuất UBI trên, cuộc bỏ phiếu vẫn là một thành công: “Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ ủng hộ là 15%, nhưng con số này đã lên tới hơn 20%. Điều này có nghĩa người dân Thụy Sĩ mong muốn cuộc tranh luận về việc này sẽ tiếp tục. Chúng tôi tin tưởng trong 7 đến 10 năm tới, ý tưởng về UBI này sẽ trở thành hiện thực tại Thụy Sĩ”.
Trong khi đó, những người phản đối cho rằng khoản tiền UBI này có nguy cơ gây tổn hại hệ thống an sinh xã hội. Do đó, cần phải tìm cách cải thiện hệ thống an sinh xã hội chứ không phải đưa ra một khoản tiền UBI để tạo gánh nặng cho người lao động và các doanh nghiệp, cũng như không kích thích người lao động làm việc. Một số ý kiến còn cho rằng, chính sách mới về UBI này, nếu được áp dụng sẽ gây ra cuộc khủng hoảng nhập cư trên diện rộng cho Thụy Sĩ, nước đang có thỏa thuận di chuyển tự do trong các quốc gia Liên minh châu Âu (EU). Bởi EU đang phải gồng gánh và có nhiều chia rẽ trong chính sách đối với vấn đề người nhập cư, tị nạn.
Theo phát ngôn viên của Đảng Nhân dân Thụy Sĩ (SVP), ông Luis Stamm: “Về mặt lý thuyết, nếu Thụy Sĩ là một hòn đảo thì câu chuyện thu nhập cơ bản này là khả thi. Nhưng các bạn nên cắt giảm các chi phí thanh toán xã hội hiện nay, thay vì đi trả một số tiền nhất định cho từng cá nhân. Với một biên giới mở như vậy thì điều này là không thể. Nếu bạn trả tiền cho mỗi cá nhân, Thụy Sĩ sẽ là nơi hàng tỉ người muốn đến sinh sống”.
Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên lần thứ 8
Trong hai ngày 6 và 7-6, Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Trung-Mỹ thường niên lần thứ 8 (S&ED 8) đã diễn ra tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc.
Tại cuộc đối thoại, Trung Quốc và Mỹ đã đạt 6 thỏa thuận hợp tác kinh tế mới trong đó có thỏa thuận giữa tập đoàn Caterpillar Inc. và Tập đoàn Phát triển Kinh tế Thượng Hải Lingang thành lập một trung tâm nghiên cứu về tiết kiệm năng lượng; thỏa thuận giữa tập đoàn Cộng nghiệp hóa chất-kim loại (Mỹ) và Công ty Công nghệ Bảo vệ môi trường CPI Yuanda nhằm xử lý nước thải công nghiệp từ các nhà máy than bằng cách loại bỏ các kim loại nặng và thủy ngân;...
Các thỏa thuận trên đều thuộc chương trình Đối tác Kinh tế, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia Mỹ và Trung Quốc cũng như các tổ chức phi chính phủ. Mục tiêu của chương trình là thúc đẩy hợp tác, trao đổi kinh nghiệm nhằm tìm kiếm các giải pháp mà hai nước này đang phải đối mặt trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng sạch và chống biến đổi khí hậu. Kể từ khi đi vào hoạt động, Chương trình Đối tác Kinh tế Mỹ-Trung đã đạt 36 thỏa thuận đối tác trên nhiều lĩnh vực.
Kết thúc đối thoại, các quan chức ngoại giao, thương mại và các lĩnh vực khác của Mỹ và Trung Quốc đã ghi nhận bất đồng trong một số vấn đề, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ song phương hữu nghị và mang lại lợi ích.
Bước khởi đầu của cuộc bầu cử Mỹ
Ngày 7-6, cuộc đua giành tấm vé đại diện duy nhất cho đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ để bước vào cuộc bầu cử giành ghế Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới đã được ngã ngũ trong ngày "Siêu thứ Ba" cuối cùng. Với việc đảng Cộng hòa hoàn tất quá trình bầu cử sơ bộ, và chiến dịch này của phía đảng Dân chủ cũng gần kết thúc, hai gương mặt đại diện là tỷ phú Donald Trump và cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton gần như chắc chắn sẽ đối đầu trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11-2016 để trở thành người chèo lái nước Mỹ trong 5 năm tới.
Mặc dù đã vượt qua được chặng đầu trên hành trình vào Nhà Trắng, song chặng tiếp theo đối với cựu Ngoại trưởng Clinton và tỷ phú Trump không hề dễ dàng. Từ nay đến ngày 8-11 tới, hai ứng cử viên sẽ phải tận dụng mọi cơ hội để nêu bật những chính sách đối nội và đối ngoại của mình nhằm thu hút lá phiếu của cử tri.
Dư luận cho rằng, cuộc đối đầu sắp tới giữa bà Clinton và ông Trump sẽ hết sức gay cấn và khó đoán định. Nhiều ý kiến chỉ trích đã xoáy vào sự thiếu kinh nghiệm chính trường của ông Trump, trong khi từ hơn 60 năm nay, không ai được bầu làm tổng thống Mỹ mà chưa từng có kinh nghiệm làm thống đốc hoặc có chân trong Quốc hội. Tuy nhiên, những người ủng hộ lại lập luận rằng ông Trump dày dạn kinh nghiệm xử lý các giao dịch, và "điểm yếu" về kinh nghiệm chính trường ngược lại có thể trở thành "thế mạnh" khi nhiều cử tri Mỹ mong đợi những cú hích mới trong chính sách cả đối nội và đối ngoại. Theo kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, tỷ lệ ủng hộ của cử tri Mỹ dành cho ông Trump đã tăng lên đáng kể, với khoảng 41%, bám gần sát bà Clinton, đang được gần 48%.
Rõ ràng, việc giành thắng lợi trong cuộc đua nội bộ của đảng Cộng hòa và Dân chủ không đồng nghĩa với “con đường đã trải đầy hoa hồng” mà đó chỉ là bước khởi đầu cho cuộc chiến "sinh tử" vào tháng 11 tới. Cả hai ứng cử viên còn rất nhiều việc phải làm trong 5 tháng tới đây.
Thủ tướng Ấn Độ thăm Mỹ
Trong hai ngày 7 và 8-6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thăm Mỹ nhằm thúc đẩy mối quan hệ “định hình Thế kỷ XXI”. Đây là chuyến thăm thứ 4 của Thủ tướng Modi tới Mỹ và cũng là cuộc gặp thứ 7 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn.
Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực song phương, quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong “Tuyên bố chung Mỹ-Ấn: Đối tác Bền vững trong Thế kỷ 21”, Tổng thống Obama và Thủ tướng Modi đánh giá cao quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Ấn Độ dựa trên các giá trị chung về tự do, dân chủ, quyền con người, bình đẳng và pháp trị. Hai bên cam kết tìm kiếm các cơ hội mới để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, thúc đẩy hòa bình, ổn định và an ninh trong nước cũng như trên phạm vi toàn cầu, nâng cao năng lực quản lý dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Lãnh đạo hai nước cam kết phối hợp ngăn chặn nguy cơ các phần tử khủng bố có thể tiếp cận và sử dụng vũ khí hóa học, sinh học, hạt nhân cũng như các vật liệu phóng xạ khác
Có thể khẳng định chuyến thăm Washington của Thủ tướng Modi đã đáp ứng kỳ vọng của cả hai nước, tạo sự gắn kết vững chắc đồng thời góp phần làm nổi bật chiều sâu của mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ - Ấn Độ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!