Ngày 15/3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan một lần nữa đẩy cuộc khủng hoảng với châu Âu lên một nấc thang mới khi tuyên bố lên án “chủ nghĩa phát xít” và tiếp tục cáo buộc Hà Lan về nạn diệt chủng Srebrenica ở Nam Tư cũ.
Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đón người nhập cư bị trục xuất từ Hy Lạp bằng phà,
ngày 8/4/2016 tại Izmir, Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại Afyon, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan nhắc lại rằng: Hà Lan “không có gì để cho thấy với nền văn minh, cũng như với thế giới hiện đại. Đó là những người đã tàn sát hơn 8.000 người Hồi giáo Bosniaks ở Bosnia và Herzegovina trong cuộc thảm sát ở Srebrenica”.
Thảm sát Srebrenica, còn được gọi là cuộc diệt chủng Srebrenica, xảy ra vào tháng 7/1995, trong đó có hơn 8.000 bé trai và đàn ông bị lực lượng Serb Bosnia giết chết ở trong và xung quanh thị trấn Srebrenica ở Bosna và Hercegovina. Vùng đất lúc đó là dưới sự bảo vệ của lực lượng gìn giữ hòa bình Hà Lan.
Không những thế, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ còn tuyên bố khẳng định: “Tinh thần của chủ nghĩa phát xít không ngừng thể hiện trên các đường phố của châu Âu”. Tố cáo những hành động phân biệt đối xử dành cho người dân tộc thiểu số và người Hồi giáo ở châu Âu, ông Erdogan lưu ý thêm rằng, "người Do Thái bị đối xử theo cách tương tự trong quá khứ".
Cho tới tối 15/3, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu lại tiếp tục tuyên bố, sẽ đơn phương hủy bỏ hiệp ước di cư với châu Âu: “Chúng tôi có thể chấm dứt một cách đơn phương (…) Chúng tôi không cần sự cho phép của ai cả”. Hiệp ước di cư giữa Liên minh châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ được ký cách đây một năm tại Brussels nhằm ngăn chặn làn sóng di cư của hàng nghìn người tới châu Âu mỗi ngày bằng các tàu thuyền trên những hòn đảo của Hy Lạp.
Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước EU đang lún sâu vào “vòng xoáy” chỉ trích lẫn nhau sau khi Đức, Hà Lan, Đan Mạch không chấp nhận cho các Bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước này để vận động chính trị, kêu gọi người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp dự kiến diễn ra vào ngày 16/4 tới. Căng thẳng leo thang đến mức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan, dự kiến áp đặt trừng phạt và đưa vụ việc ra trước Tòa án nhân quyền châu Âu.
Bên cạnh những tấn công bằng lời nói, ngày 15/3, cuộc khủng hoảng ngoại giao còn bắt đầu trên trang mạng xã hội Twitter với nhiều tài khoản vi phạm bản quyền, trong đó có cả các tài khoản của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Bộ trưởng Kinh tế Pháp…
Các cuộc tấn công không gian mạng và những tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đánh dấu một giai đoạn mới trong cuộc khủng hoảng bùng nổ trước thời điểm trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ và các cuộc bầu cử ở các nước châu Âu, nơi chủ nghĩa dân túy đang có xu hướng bùng nổ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 15/3 cho biết, những tuyên bố mà ông Erdogan đưa ra về "chủ nghĩa phát xít" ở Đức và Hà Lan đã "làm cho dư luận công phẫn", và cho rằng nó không phù hợp với tham vọng của Ankara gia nhập EU. “Tôi cảm thấy bị sốc trước những phát ngôn của Thổ Nhĩ Kỳ với Đức, Hà Lan và nhiều quốc gia khác” – Chủ tịch Jean-Claude Juncker nêu rõ. “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận sự so sánh giữa phát xít với các chính phủ hiện nay.”
Còn theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, những tuyên bố này là "tách rời thực tế".
Trong một diễn biến liên quan khác, cũng trong ngày 15/3, một tòa án Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ yêu cầu thả phóng viên Deniz Yucel thuộc tờ Thế giới của Đức bị giới chức Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng trước với cáo buộc liên quan đến khủng bố. Đức liên tục kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ đối xử công bằng và trả tự do cho nhà báo này, đồng thời khẳng định lời cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ về việc ông này làm gián điệp cho Đức là “vô căn cứ”./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!