Ngoại trưởng Pakistan khẳng định không muốn xảy ra chiến tranh với Ấn Độ

Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi tái khẳng định quan điểm cho rằng, quan hệ căng thẳng giữa nước này với Ấn Độ nên được giải quyết thông qua các kênh ngoại giao và đối thoại.


Ngoại trưởng Pakistan Shah Mahmood Qureshi. (Ảnh: Chinadaily)

 Báo chí nước ngoài vừa dẫn lời ông Qureshi phát biểu tại một cuộc họp báo ở thành phố Lahore thuộc phía Đông Pakistan vào cuối tuần trước nêu rõ: “Hòa bình là ưu tiên của chúng tôi và chúng tôi không mong muốn xảy ra chiến tranh với Ấn Độ”.

Ông Qureshi cho rằng, là một quốc gia Dân chủ, Pakistan tin tưởng vào việc giải quyết những bất đồng với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao và đối thoại vì ngoại giao nên được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên thay vì tính đến phương án quân sự. Quan chức ngoại giao này cho biết, Pakistan đang tích cực thực hiện những bước đi nhằm hạ nhiệt căng thẳng với nước láng giềng.

Tuyên bố trên được ông Qureshi đưa ra vào thời điểm quan hệ giữa hai nước láng giềng Nam Á này đang leo thang căng thẳng kể từ sau vụ đánh bom cảm tử ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, ngày 14/2 khiến ít nhất 40 binh sỹ Ấn Độ thiệt mạng.

Phía Pakistan đã bác bỏ sự can dự trong vụ tấn công đẫm máu ngày 14/2, tuy nhiên căng thẳng tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới vào ngày 26/2, khi Ấn Độ không kích vào một khu vực mà nước này gọi là “một căn cứ đào tạo quân sự”, vi phạm Đường kiểm soát và lần đầu tiên đánh vào bên trong lãnh thổ Pakistan kể từ sau cuộc chiến năm 1971 giữa hai nước. Ngày 15/2, cả Ấn Độ và Pakistan đều tuyên bố đã bắn hạ các máy bay chiến đấu của nhau trong khi các lực lượng Pakistan khẳng định đã bắt giữ ít nhất 1 phi công của Ấn Độ.

Trong bối cảnh trên, ngày 27/2, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đề nghị Ấn Độ tiến hành đối thoại về cuộc chiến chống khủng bố và hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nước láng giềng, đồng thời khẳng định quan điểm cho rằng, cả Ấn Độ và Pakistan sẽ không thể nào lường trước được những tính toán sai lầm về những loại vũ khí sử dụng trong các vụ tấn công.

Sau đó, phía Pakistan tiếp tục có cử chỉ thiện chí khi trao trả tự do cho phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman vào ngày 1/3. Tuy nhiên, màn đấu súng căng thẳng giữa lực lượng quân đội Pakistan và Ấn Độ xảy ra cùng ngày tại khu vực biên giới tranh chấp Kashmir khiến ít nhất 7 người (từ cả 2 phía) thiệt mạng đã “dội gáo nước lạnh” vào những nỗ lực hòa giải của hai nước láng giềng.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Rajnath Singh ngày 2/3 khẳng định nước này sẵn sàng hỗ trợ Islamabad đối phó với khủng bố trên lãnh thổ quốc gia láng giềng Pakistan.

Phát biểu với các nhân viên của Lực lượng Cảnh sát Dự bị Trung ương (CRPF) tại Chakia Tehsil, ông Singh nêu rõ: “Không chỉ Ấn Độ, nhiều nước khác cũng phải đối mặt với vấn đề khủng bố… Nếu Pakistan nghĩ rằng họ không có sức mạnh để đối phó với chủ nghĩa khủng bố, họ có thể tìm sự trợ giúp từ nước Ấn Độ láng giềng”.

Phi công Ấn Độ Abhinandan Varthaman được hộ tống vũ trang tại khu vực
gần biên giới Ấn Độ - Pakistan, ngày 1/3. (Ảnh: PTVNews)


Trước diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã bày tỏ quan ngại, đồng thời kêu gọi Ấn Độ và Pakistan đối thoại để giải quyết bất đồng.

Phát biểu sau khi Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên kết thúc tại Hà Nội, ngày 28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ sớm chấm dứt.

Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng một lần nữa kêu gọi Ấn Độ và Pakistan khởi động tiến trình đối thoại trong thời gian sớm nhất có thể để giải quyết bất đồng, chung tay bảo vệ sự ổn định và hòa bình trong khu vực.

Ông Long Hưng Xuân – Giám đốc Nghiên cứu Ấn Độ tại Đại học West Normal Trung Quốc cho rằng, việc bùng phát các cuộc xung đột giữa Pakistan và Ấn Độ đều không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào, cũng như không giúp giải quyết quan hệ tranh chấp hiện nay giữa hai nước. Mà trái lại, điều này chỉ gây ra những tổn thất về con người và kinh tế cho cả hai nước. Chính vì thế, ông Long Hưng Xuân cho rằng, tốt hơn là Pakistan và Ấn Độ cùng ngồi vào bàn đàm phán.

Theo quan điểm của ông Long Hưng Xuân thì việc Chính phủ Ấn Độ tỏ ra “giận dữ” trước vụ tấn công gây nhiều thương vong cũng là điều dễ hiểu, nhất là vào thời điểm chỉ còn vài tuần nữa sẽ diễn ra các cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ và Thủ tướng Narendra Modi đang muốn củng cố hình ảnh cũng như sức mạnh của Chính phủ trong việc bảo vệ đất nước. Trong khi đó, Pakistan cũng sẽ phản đòn trước bất kỳ cuộc tấn công nào từ phía bên ngoài.

Chính vì thế, ông Long Hưng Xuân cho rằng, việc gia tăng căng thẳng về quân sự sẽ chỉ càng khiến cho mối quan hệ giữa hai nước láng giềng diễn biến theo chiều hướng xấu và tác động đến sự phát triển của khu vực Nam Á, thậm chí là cả tiến trình hòa bình của Afghanistan – một quốc gia láng giềng phía Tây Bắc của Pakistan./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới