NATO gửi quân đến gần biên giới của Nga

Anh, Đức và Mỹ ngày 14/6 đề xuất dẫn đầu một lực lượng mới, thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ở khu vực gần biên giới Nga từ năm 2017 để "răn đe" Moscow.

Tổng thư ký NATO chủ trì buổi họp ngày 14/6.

Vài tuần trước khi Hội nghị thượng đỉnh về hạt nhân của NATO diễn ra tại Warsaw (Ba Lan) khai mạc, 3 trong số các cường quốc quân sự lớn nhất của NATO tuyên bố, mỗi nước sẽ điều một tiểu đoàn sang sườn phía đông để giúp ngăn chặn bất cứ một hành động biểu dương lực lượng nào đe dọa đến châu Âu.

"Anh sẽ dẫn đầu một trong các tiểu đoàn", Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Brussels, Bỉ. Ông cho biết, Anh sẽ gửi 700 quân tới bán đảo Baltic và Ba Lan.  "Điều này gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm của chúng ta trong việc bảo vệ các nước Baltic và Ba Lan đối phó với sự gây hấn từ Nga".

Các tiểu đoàn trên nằm trong kế hoạch răn đe mạnh mẽ hơn của NATO, dự kiến được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Warsaw, Ba Lan, ngày 8/7. Kế hoạch bao gồm luân chuyển binh sĩ, bố trí trang thiết bị và lập một lực lượng cơ động cao. Đội quân này sẽ được hỗ trợ bởi đơn vị phản ứng khẩn cấp của NATO.

NATO hy vọng kế hoạch phức tạp này có thể ngăn cản Nga "thực hiện kiểu chiến dịch từng dùng để sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 2/2014, khiến các đồng minh (của NATO) ở phía đông lo sợ". Đức và Mỹ cũng tuyên bố sẽ điều binh sĩ tham gia lực lượng mới. Lực lượng dự kiến có khoảng 4.000 người.


Đức, Mỹ, Anh dường như điều quân tương ứng đến Litva, Ba Lan và Estonia, luân chuyển từ 6 đến 9 tháng. Các quốc gia khác thuộc NATO nhận trách nhiệm chỉ huy, theo nhiều nguồn tin ngoại giao. Canada dự kiến chỉ huy tiểu đoàn thứ 4 ở Latvia, Pháp sẽ đóng góp khoảng 250 binh sĩ. 
Giới chức trách phương Tây cho biết, hiện các cuộc thảo luận để Canada điều động một tiểu đoàn đang diễn ra trong ngày 15/6. Một quan chức Anh cho biết, quyết định sẽ được sớm đưa ra vào ngày hôm nay. Tiểu đoàn của Canada dự kiến sẽ được đưa vào Latvia.

Ngoài ra, Mỹ còn cung cấp một lữ đoàn thiết giáp, có khoảng 5.000 quân nhân, và trang thiết bị. “Sẽ có một lữ đoàn thiết giáp tiếp tục được triển khai vòng tròn – mỗi lần đến địa điểm cắm quân đều mang theo trang bị riêng” – Bộ trưởng Bộ quốc phòng Mỹ Ash Carter nói. Ông cho rằng với quyết định này, Lữ đoàn thiết giáp sẽ kịp thời ứng cứu khi các tiểu đoàn đóng quân rơi vào khủng hoảng.

Các đồng minh phía đông NATO hoan nghênh động thái tăng quân của liên minh nhưng vẫn muốn nhận được thêm sự hỗ trợ. Những nước đồng minh bờ phía nam như Bulgaria và Romania lại thúc đẩy NATO mở rộng sự hiện diện trên biển ở Biển Đen, điều thêm binh sĩ đến khu vực.
Trong thông báo từ chỉ huy cao cấp của Mỹ, trong trường hợp bị tấn công tên lửa hay trên mặt đất, liên minh này cũng chỉ có 72 giờ để phản ứng lại. Vì vậy, các nước vùng Baltic và Ba Lan muốn có một lá chắn tên lửa hiện đại để ngăn ngừa chiến tranh. 

Tổng thư ký NATO – ông Jens Stoltenberg nói, NATO cũng đang xem xét đề nghị của Romania yêu cầu điều một lữ đoàn đa quốc gia đến nước này để đảm bảo an ninh cũng như huấn luyện quân sự.


Nga coi kế hoạch răn đe của NATO là hành động thù địch. Đại sứ Nga tại NATO cảnh báo động thái này sẽ đe dọa hòa bình ở trung tâm châu Âu. Điện Kremlin còn tố lá chắn tên lửa mà Mỹ mới kích hoạt ở Romania đang làm căng thẳng gia tăng.

Tuy nhiên, trước cáo buộc này, Mỹ đã lên tiếng phủ nhận. NATO cũng tuyên bố, liên minh quân sự này tôn trọng thỏa thuận ký năm 1997 với Moscow rằng họ sẽ không triển khai lực lượng chiến đấu đáng kể về phía biên giới của Nga./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới