Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 14/9 tuyên bố Mỹ sẽ dỡ bỏ cấm vận thương mại đối với Myanmar trong thời gian sớm nhất, đưa Myanmar vào danh sách nhận được đối xử thương mại đặc biệt từ Mỹ, đồng thời cho rằng tiến trình dân chủ tại Myanmar đang đi đúng hướng.
Tổng thống Mỹ B.Obama và Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi
trong buổi họp báo.
Phát biểu trong buổi tiếp Cố vấn nhà nước kiêm Ngoại trưởng Myanmar Aung San Suu Kyi, Tổng thống Obama nêu rõ: "Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt áp đặt lâu nay với Myanmar... Điều này cũng sẽ khích lệ các doanh nghiệp, tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ đầu tư vào Myanmar - một đối tác dân chủ, thịnh vượng trong khu vực. Tôi chúc mừng những tiến bộ đạt được trong tiến trình chuyển tiếp dân chủ tại Myanmar”.
Tổng thống Obama không nói rõ khi nào ông sẽ hủy bỏ sắc lệnh trừng phạt Myanmar, chỉ nói việc này sẽ sớm diễn ra. Tổng thống Obama sẽ đưa Myanmar vào danh sách các nước đang phát triển có quyền được đối xử thương mại đặc biệt từ Mỹ, theo đó đưa Myanmar trở lại danh sách các nước được hưởng Hệ thống ưu đãi phổ quát (GSP) - cơ chế miễn thuế đối với hàng hóa từ các nước nghèo và đang phát triển nhập khẩu vào Mỹ với sự miễn thuế nhập khẩu 5.000 mặt hàng. Mỹ cũng sẽ sớm gỡ bỏ tình trạng “quốc gia khẩn cấp” đã áp lên Myanmar trong hơn 2 thập kỷ. Myanmar cũng sẽ được sử dụng dịch vụ định vị toàn cầu (GPS) vốn đã bị cắt từ năm 1989 sau một cuộc đàn áp quân nổi dậy có phần dã man của chính phủ cũ.
Tổng thống Obama chúc mừng tiến trình chính trị mà Myanmar đã đạt được, dù thừa nhận còn rất nhiều việc phải làm, rất nhiều khó khăn phải đối mặt phía trước.
Về phía Myanmar, bà Suu Kyi cho biết: “Chúng tôi nghĩ đã đến đúng thời điểm để dỡ bỏ lệnh trừng phạt làm tổn thương nền kinh tế của chúng tôi.”
Tuy nhiên, dù Mỹ có gỡ bỏ trừng phạt Myanmar thì nước này cũng sẽ giữ lại một số hạn chế với quân đội và một số cá nhân Myanmar mà Mỹ cho rằng sẽ gây bất lợi cho tiến trình tiến lên dân chủ của chính phủ mới Myanmar.
Tuyên bố của Tổng thống Obama không nhận được sự đồng thuận của các thành viên quốc hội. Họ e sợ rằng việc Mỹ gỡ bỏ lệnh cấm vận đối với Myanmar sẽ khiến nước này yếu thế trước quân đội Myanmar - hiện đang năm giữ 25% số ghế trong quốc hội.
Ngày 14/9, bà Suu Kyi đã đến Washington, Mỹ. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của bà Suu Kyi kể từ khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) do bà lãnh đạo giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm ngoái. Dù không phải là Tổng thống Myanmar nhưng bà Suu Kyi đã được Mỹ tiếp đón theo hình thức lãnh đạo. Sau khi hội đàm với Tổng thống Obama, bà Suu Kyi đã đi thăm và chụp hình tại khu vực Phòng Bầu dục trong Nhà trắng. Chuyến thăm được đánh giá là bước ngoặt mở ra hy vọng mới cho quan hệ song phương Mỹ - Myanmar.
Sau khi có buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, bà Suu Kyi đã gặp một số thành viên Hạ viện Mỹ và Phó Tổng thống Joe Biden./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!