Ngày 21/12, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố: Chính phủ Mỹ sẽ tiếp tục duy trì các mối quan hệ ngoại giao với Nga, đồng thời bác bỏ những nhận định từ phía Moscow cho rằng hầu như các kênh liên lạc giữa hai bên đã “bị đóng băng”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby.
Ông Kirby nói: “Thật khó để có thể hiểu chính xác ý nghĩa của lời bình luận từ phía Nga, tuy nhiên các quan hệ ngoại giao giữa hai bên sẽ được tiếp tục trong một loạt lĩnh vực”. Bên cạnh đó, ông Kirby cũng chỉ rõ một thực tế rằng, hai nước đang tồn tại nhiều bất đồng sâu sắc trong một số lĩnh vực trong khi các vòng đối thoại song phương vẫn chưa mang lại kết quả đột phá.
Tuyên bố trên của ông Kirby được xem là một “phản ứng chính thức” của Mỹ trước nhận định trước đó của phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “các mối quan hệ giữa Moscow và Washington đã bị huỷ hoại do sự thiếu vắng niềm tin ở mức độ tột bậc”.
“Hầu như các vòng đối thoại của Nga với nước Mỹ đang ở trạng thái đóng băng. Chúng tôi không liên hệ với nhau hoặc chỉ thực hiện công việc này ở mức độ tối thiểu” – ông Peskov nói, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng “Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn kiên định theo đuổi mục tiêu cải thiện mối quan hệ này”.
Trong nhiều năm trở lại đây, mối quan hệ giữa Nga và Mỹ đã trở nên nguội lạnh do bất đồng trong một số vấn đề quốc tế lớn, trong đó phải kể tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine và Syria... Hiện Mỹ và một số nước đồng minh phương Tây đang áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga trước cáo buộc về vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine và việc Tổng thống Putin ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Mới đây nhất, ngày 20/12, Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục mở rộng trừng phạt đối với một số cá nhân và thực thể Nga liên quan tới vấn đề này. Giới phân tích dự báo, diễn biến này sẽ khiến quan hệ giữa hai cường quốc tiếp tục căng thẳng trong thời gian tới và ngay cả khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump có theo đuổi các mục tiêu cải thiện quan hệ với Nga theo những cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử - thì điều này cũng khó có thể giúp “xoay chuyển tình thế” để có thể cải thiện mối quan hệ giữa hai nước trong một sớm một chiều.
Liên quan tới vấn đề này, phát biểu trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Mir TV, ngày 21/12, ông Peskov nêu rõ: “Moscow không tin vào một ảo tưởng cho rằng, ngay sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức thì Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ ngừng tăng cường hiện diện tại các khu vực biên giới tiếp giáp với LB Nga hay thậm chí là những lệnh trừng phạt Nga sẽ được gỡ bỏ”.
Ông Peskov nói “Chúng tôi hy vọng vào một mối quan hệ lớn, mang tính chất xây dựng. Song chúng tôi không trông đợi rằng rất cả mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Chúng tôi không kỳ vọng vào việc Mỹ sẽ thuyết phục NATO từ bỏ kế hoạch mở rộng liên minh này hay tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng tại các khu vực gần biên giới Nga…Chúng tôi cũng không hy vọng các lệnh trừng phạt sẽ được gỡ bỏ và sẽ không đề cập tới vấn đề này”.
Theo lập luận của phát ngôn viên điện Kremlin thì nước Nga không chủ động đề xuất tiến hành đối thoại về các lệnh trừng phạt và cũng không khởi xướng việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt, mà đây chính là vấn đề của các nước đối tác. Ông Peskov cho rằng, các lệnh trừng phạt sẽ không tác động nhiều tới nền kinh tế Nga, mà sẽ để lại nhiều hậu quả to lớn hơn cho cộng đồng doanh nghiệp tại châu Âu bởi kim ngạch thương mại giữa Nga và Mỹ chưa bao giờ vượt quá ngưỡng 24 tỷ USD – một con số “không thấm tháp gì so với hai nền kinh tế thuộc top đầu thế giới này”. Chính vì thế, việc áp đặt các lệnh trừng phạt sẽ không khiến Mỹ phải hứng chịu tổn thất mà rốt cuộc, châu Âu mới là bên thua thiệt nhất./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!