Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nhấn mạnh khủng bố là mối đe dọa ngày càng tăng đối với cả lục địa châu Phi và kéo theo những hệ lụy nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới.
Phát biểu tại một hội nghị của Hội đồng Bảo an bàn về hòa bình và an ninh tại châu Phi, ngày 7/10, ông António Guterres tuyên bố nêu rõ: “Tại Sahel, các nhóm khủng bố thường xuyên tấn công lực lượng an ninh địa phương và quốc tế, trong đó có cả những người lính gìn giữ hòa bình của UNMISMA (Phái bộ Liên hợp quốc ở Mali)”.
Ngày 6/10, phái bộ của Liên hợp quốc tại Mali đã phải hứng chịu hai cuộc tấn công. Một lính mũ nồi xanh người Tchad đã bị giết hại và một người bảo vệ hòa bình Togo khác bị thương nặng.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng bạo lực đang lan rộng đến các quốc gia ven biển của Vịnh Guinea. "Tại Nigeria, Boko Haram và các phe phái bất đồng chính kiến đang khủng bố các cộng đồng địa phương và tấn công lực lượng an ninh, bất chấp những nỗ lực của Lực lượng liên quân đa quốc gia" – ông nói. "Chúng tôi thấy các mạng lưới khủng bố lan rộng khắp Libya và Bắc Phi, lan rộng khắp Sahel đến khu vực Hồ TChad và xuất hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo và Mozambique. Đó là một trận chiến mà chúng ta đang không chiến thắng" – ông Guterres cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh rằng khủng bố không chỉ là vấn đề khu vực, mà là "mối nguy hiểm rõ ràng và ngay lập tức đối với hòa bình và an ninh trên thế giới".
Bên cạnh đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cũng tuyên bố hoan nghênh việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vào tháng trước tại Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso, và cam kết đổi mới của các quốc gia thành viên tổ chức khu vực Tây Phi cùng tham gia tài chính và quân sự trong cuộc chiến chống khủng bố.
"Chúng ta cần nhận ra rằng hậu quả của cuộc khủng hoảng ở Libya đang gia tăng và lan rộng khắp khu vực, với vũ khí và máy bay chiến đấu liên tục vượt biên giới" – ông Guterres nhấn mạnh.
Tại Libya, Đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc Ghassan Salamé đang làm việc với các đối tác quốc gia, khu vực và quốc tế để ngăn chặn bạo lực leo thang hơn nữa và khuyến khích quay trở lại tiến trình chính trị. Về vấn đề này, người đứng đầu Liên hợp quốc hoan nghênh triển vọng tăng cường hợp tác với Liên minh châu Phi về Libya.
Ngoài ra, phát biểu trước Hội đồng Bảo an, do Nam Phi chủ trì trong tháng này, Tổng thư ký Guterres nhấn mạnh rằng hòa bình ở Mali cũng rất cần thiết cho hòa bình tại khu vực Sahel. "Bất chấp các cuộc tấn công khủng khiếp ở khu vực Mopti hồi tuần trước, tôi vẫn hy vọng rằng dự án đối thoại chính trị toàn diện sẽ tạo điều kiện cho việc thực hiện thỏa thuận hòa bình năm 2015" – ông nêu rõ. Tổng thư ký nhấn mạnh rằng MINUSMA đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện thỏa thuận này và cần sự hỗ trợ liên tục và hoàn hảo.
Phát biểu trước các thành viên của Hội đồng, Tổng thư ký Guterres khẳng định rằng các hoạt động quân sự của châu Phi, trong đó có Lực lượng chung G5 Sahel và Lực lượng đa quốc gia chung chiến đấu với Boko Haram và những tổ chức khác, "xứng đáng được chúng tôi hỗ trợ".
Ông hoan nghênh quyết định của Hội đồng Bảo an về việc dỡ bỏ các hạn chế địa lý của MINUSMA đối với Lực lượng chung G5 Sahel. "Nhưng điều đó là không đủ" – Tổng thư ký lưu ý, đồng thời một lần nữa kêu gọi Hội đồng cung cấp cho các phái bộ thực thi hòa bình và chống khủng bố ở châu Phi "các nhiệm vụ rõ ràng, được hỗ trợ bởi nguồn tài trợ tài chính được lên kế hoạch trước, bền vững thông qua những khoản đóng góp bắt buộc”.
Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng, cuộc chiến chống khủng bố không thể giới hạn trong cách tiếp cận an ninh. Thay vào đó, phát triển bền vững và toàn diện mới là một mục tiêu. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, chủ nghĩa cực đoan và khủng bố./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!