Trẻ em tại một trại tị nạn ở Bangui, Cộng hòa Trung Phi. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngay trước thềm Hội nghị cấp cao về chuyển đổi giáo dục diễn ra ngày 19/9 tại New York (Mỹ), người đứng đầu Quỹ Education Cannot Wait của Liên hợp quốc Yasmine Sherif nhấn mạnh, tại các khu vực khủng hoảng, trẻ em bị tước đi mọi thứ, và hơn hết là bị tước đi quyền tiếp cận với nền giáo dục chất lượng.
Thống kê của tổ chức này cho thấy, trong số khoảng 222 triệu trẻ em trên khắp thế giới bị gián đoạn học tập bởi xung đột hoặc các thảm họa khí hậu, có tới gần 80 triệu trẻ em chưa từng bao giờ bước chân đến trường. Từ Pakistan cho tới Ukraine hay những khu vực ở miền nam Sahara tại châu Phi, nơi các cuộc khủng hoảng và thảm họa khí hậu ngày một gia tăng, nhiều trẻ em - mầm non của nhân loại và cũng chính là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước những biến động, không có cơ hội được chạm tới cánh cửa trường học.
Việc thiếu giáo dục sẽ dẫn đến những hậu quả tức thì với các em. Những trẻ em phải lang thang trên đường phố sẽ đối mặt các nguy cơ về bạo lực, bắt cóc, bị các nhóm vũ trang tuyển mộ hoặc cưỡng ép kết hôn. Gần đây, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã chỉ trích việc tỷ lệ lao động trẻ em tăng cao ở châu Phi, trong bối cảnh vòng xoáy nghèo đói và bạo lực lan rộng tại khu vực này. Trong tổng số 160 triệu trẻ em đang bị bắt ép lao động trên thế giới, có đến 92 triệu trường hợp được ghi nhận tại châu Phi. Việc đại dịch Covid-19 ập đến, kéo theo sự đóng cửa trường học chính là tác nhân khiến tình trạng lao động trẻ em thêm trầm trọng.
Ðáng nói là, sự bất bình đẳng trong giáo dục ngày càng bộc lộ rõ và làm chệch hướng các mục tiêu bao phủ giáo dục toàn cầu. Theo Liên hợp quốc, trong khi một số quốc gia châu Âu đang chi trung bình khoảng 10.000 USD/năm để giáo dục một trẻ nhỏ, thì việc trẻ em tại các vùng xung đột kỳ vọng nhận được khoản hỗ trợ giáo dục trị giá 150 USD/năm cho mỗi em đã cho thấy một khoảng cách tương đối lớn.
Ngay tại một quốc gia châu Âu là Anh, Viện Nghiên cứu tài khóa (IFS) của nước này cảnh báo, tình trạng bất bình đẳng trong giáo dục có thể khiến hàng triệu trẻ em của xứ sở Sương mù phải chịu thiệt thòi. Theo đó, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bắt đầu đi học chậm hơn các bạn cùng lứa ở các gia đình khá giả và hệ thống giáo dục hiện tại chưa thể thu hẹp khoảng cách này.
Ở các nước diễn ra xung đột, trường học, nơi đáng lẽ phải là môi trường lành mạnh để các em học tập và phát triển kỹ năng, lại bị phá hủy hoặc thậm chí bị biến thành các kho vũ khí. Thống kê của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho thấy, kể từ năm 2005, khu vực Trung Ðông và Bắc Phi ghi nhận số vụ tấn công nhằm vào trường học và bệnh viện cao nhất toàn cầu, trong đó chỉ riêng sáu tháng đầu năm 2021 đã có tổng cộng 22 vụ. Trẻ em ở các khu vực xung đột phải hứng chịu những nỗi sợ kinh hoàng mỗi ngày. Trong năm 2020, hơn 3.900 trẻ em trên thế giới thiệt mạng hoặc bị tàn tật do các thiết bị nổ.
Người đứng đầu Quỹ Education Cannot Wait nhận định, tình huống khẩn cấp về giáo dục hiện nay yêu cầu các nước phải đưa ra nhiều cam kết hơn nữa về tài chính. Kể từ năm 2016, quỹ này đã huy động hơn 1 tỷ USD để xây trường học và mua sắm trang thiết bị giáo dục, cung cấp các bữa ăn hằng ngày và dịch vụ tâm lý cho trẻ em. Trong khi đó, UNICEF kêu gọi các nỗ lực và đầu tư mới để đưa trẻ em đến trường, giúp các em tiếp cận với việc học phụ đạo và bắt kịp chương trình của lớp học, hỗ trợ giáo viên về công cụ giảng dạy...
Trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào, trẻ em đều là những đối tượng dễ bị ảnh hưởng. Việc tạm thời đóng cửa trường học do dịch Covid-19 đi cùng với sự gia tăng tình trạng bạo lực đối với trẻ em là một minh chứng rõ ràng. Ðã đến lúc toàn thế giới phải thúc đẩy hành động thực chất, quyết liệt hơn để mang đến nền giáo dục chất lượng cho mọi trẻ em, như Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell nhấn mạnh: "Việc học tập của cả một thế hệ trẻ đang gặp rủi ro, đây không phải là lúc cho những lời hứa suông".
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!