Ngày 4/5, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã lên tiếng bác bỏ những lời đồn đoán về sự bất đồng giữa Seoul và Washington liên quan tới chi phí triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ trên lãnh thổ Hàn Quốc.
Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 4/5.
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 4/5, ông Hwang Kyo-ahn cho biết, nhóm làm việc chung của hai nước đã đạt được một thỏa thuận phù hợp về chi phí triển khai THAAD trong một tiến trình thảo luận kéo dài nhiều tháng và không có vấn đề gì phát sinh liên quan tới việc chia sẻ khoản chi phí này. “Tất nhiên là phía Mỹ đã nhận thức được điều này… Không có sự khác biệt nào giữa Hàn Quốc và Mỹ… chính phủ Hàn Quốc sẽ nỗ lực tối đa nhằm bảo đảm rằng việc triển khai THAAD sẽ không tạo ra bất cứ gánh nặng nào đối với các công dân của chúng tôi” – nhà lãnh đạo Hàn Quốc tuyên bố.
Trong thời gian trở lại đây, Seoul đã nhiều lần khẳng định rằng, dựa trên một thỏa thuận song phương, thì phía Mỹ phải gánh vác trách nhiệm tài chính cho việc triển khai, vận hành và duy trì, trong khi Hàn Quốc cung cấp địa điểm để lắp đặt hệ thống THAAD. “Xét một cách cơ bản, thì chi phí sẽ được gánh vác bởi nước vận hành hệ thống vũ khí này, điều đó có nghĩa rằng, nếu như Mỹ sử dụng, thì Mỹ sẽ phải chi trả cho hệ thống THAAD” – ông Hwang Kyo-ahn nói.
Cũng trong lời phát biểu ngày 4/5, quyền Tổng thống Hàn Quốc đã bác bỏ ý tưởng tiến hành đàm phán lại về thỏa thuận giữa nước này với Mỹ liên quan tới chi phí triển khai THAAD.
Tuyên bố trên được ông Hwang Kyo-ahn đưa ra trong bối cảnh đang xuất hiện nhiều tranh cãi sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn báo chí rằng, nhà lãnh đạo này đã thông báo về “vai trò phù hợp” của Seoul nhằm gánh vác khoản chi phí 1 tỷ USD để triển khai khẩu đội THAAD. Những lời đồn đoán liên quan tới sự chia rẽ giữa hai nước đồng minh liên quan tới chi phí triển khai THAAD lại càng trở nên rõ nét hơn sau khi Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ H.R McMaster đã ám chỉ tới khả năng Seoul và Washington sẽ tiến hành “đàm phán lại” về vấn đề này. Tuy nhiên, ông McMaster cũng khẳng định rằng Mỹ sẽ tuân thủ bản thỏa thuận đang tồn tại với các nước đồng minh cho tới khi nào diễn ra tiến trình đàm phán lại. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng ngay lập tức bác bỏ khả năng hai nước sẽ đàm phán lại về chi phí triển khai THAAD.
Cho tới nay, các bộ phận của THAAD, gồm cả một hệ thống radar của thiết bị này đã được chuyển tới địa điểm triển khai ở Seongju, cách thủ đô Seoul khoảng 296 km về phía Nam. Ngày 2/5, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Moon Sang Kyun khẳng định, hiện khẩu đội THAAD đã được vận hành bước đầu và sẵn sàng bắn hạ các tên lửa phóng từ Triều Tiên.
Một số chuyên gia nhận định, Mỹ có khả năng nêu vấn đề chia sẻ chi phí triển khai THAAD nhằm giành ưu thế trong các cuộc đàm phán tương lai về san sẻ chi phí giữa hai nước đồng minh để duy trì hoạt động của khoảng 28.500 binh lính Mỹ đóng tại Hàn Quốc, mà từ lâu đã được biết đến với vai trò chủ yếu nhằm răn đe Triều Tiên. Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng, thỏa thuận về chia sẻ chi phí triển khai THAAD giữa Mỹ với Hàn Quốc sẽ thay đổi nếu như được liên hệ tới một số vấn đề khác. Hiện chi phí triển khai THAAD đang được liệt vào danh mục các khoản phí duy trì quân đội Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, theo Điều V trong Quy chế các lực lượng giữa hai nước (SOFA). Tuy nhiên, nếu như THAAD được xem như một vũ khí riêng rẽ nhằm phục vụ cho mục tiêu phòng thủ trên bán đảo Triều Tiên, thì có khả năng thỏa thuận về san sẻ chi phí giữa hai nước đồng minh sẽ được thay đổi./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!