G20 tiếp tục chia rẽ về các vấn đề “nóng” trên toàn cầu

G20 đang tiến hành các cuộc thảo luận trong không khí chia rẽ, giữa bối cảnh các nước thành viên đều đang nằm dưới “cái bóng” của nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Ngày 13/10, Nhóm các nền kinh tế mới nổi và phát triển hàng đầu thế giới (G20) đang tiến hành các cuộc thảo luận trong không khí chia rẽ, giữa bối cảnh các nước nước thành viên đều đang nằm dưới “cái bóng” của nhiều cuộc khủng hoảng, từ cuộc xung đột ở Ukraine cho tới suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng vọt và biến đổi khí hậu.

Các bộ trưởng tài chính và chủ tịch ngân hàng trung ương của G20 đang có mặt tại Washington (Mỹ) để tham dự trong Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này.

Tại đây, họ nhấn mạnh nhiều thách thức mà thế giới đang phải đối mặt, bao gồm lãi suất tăng mạnh, giá lương thực leo thang, cùng với tình trạng đói nghèo ngày càng trầm trọng và thiên tai liên tiếp do biến đổi khí hậu.

IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thế giới trong năm 2023 vào đầu tuần này, với cảnh báo rằng "điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến".

Tuy nhiên G20, bao gồm Nga, dự kiến sẽ bế mạc cuộc họp mà không có thông cáo chung, như trong các cuộc họp trước do Indonesia chủ trì trong năm nay.

Trong khi các quốc gia phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với Nga, các quốc gia khác vẫn duy trì quan hệ kinh tế với Moskva, đặc biệt là việc Ấn Độ và Trung Quốc đẩy mạnh mua dầu của Nga để tranh thủ giá tốt.

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) hiện đang tìm cách áp mức giá trần đối với dầu thô xuất khẩu của Nga, một động thái được cho là nhằm tước đi nguồn tài trợ chính cho chiến dịch của nước này tại Ukraine.

G7 - bao gồm Anh, Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ - cho biết họ đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong các phần quan trọng của đề xuất áp giá trần đối với dầu thô của Nga, nhấn mạnh thêm rằng họ đã “kết nạp” Australia vào liên minh của mình.

Đạt được sự chấp thuận rộng rãi trên toàn cầu đối với giới hạn giá là một thách thức quan trọng đối với đề xuất này.

Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia dẫn đầu đã khiến Mỹ không hài lòng khi nhất trí cắt giảm mạnh sản lượng tại cuộc họp mới nhất, cùng với Nga và các đồng minh khác, còn gọi là OPEC+. Động thái này có thể khiến giá năng lượng tăng cao hơn nữa.

Ngày 11/10 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cảnh báo về "hậu quả" đối với Saudi Arabia sau hành động trên.

Căng thẳng giữa các nước thành viên G20 xuất hiện trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali (Indonesia) vào tháng tới. Sự thiếu nhất trí trong nhóm cũng diễn ra trước Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP27) của Liên hợp quốc tại Ai Cập vào tháng 11 tới.

Biến đổi khí hậu là một trong những chủ đề trọng tâm trong các cuộc họp của IMF và WB trong tuần này. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết, thế giới phải đầu tư tới 6.000 tỷ USD mỗi năm nếu muốn đáp ứng được mục tiêu của thỏa thuận Paris là đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 nhằm hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Theo Báo Nhân Dân
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới