Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ngày 25/10 đã lên tiếng báo động về số lượng kỷ lục người tị nạn và người di cư thiệt mạng khi băng qua biển Địa Trung Hải kể từ đầu năm 2016 đến nay.
Người tị nạn và di cư được lực lượng bảo vệ bờ biển Italy giải cứu vào tháng 5/2016.
Theo UNHCR, 3.740 người đã mất đi sự sống trong 10 tháng qua, gần xấp xỉ con số 3.771 người thiệt mạng trong cả năm 2015. Vẫn còn hai tháng nữa mới kết thúc năm 2016 và như vậy, có lý do để lo ngại rằng số người tị nạn và người di cư thiệt mạng sẽ còn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn từ nay đến cuối năm.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), người phát ngôn của UNHCR William Spindler cho biết tính từ đầu năm 2016 đến nay đã có 327.800 người tị nạn và di cư vượt Địa Trung Hải đến châu Âu. Con số này chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng năm trước là 1.015.078 người, nhưng số người chết năm nay đang có xu hướng cao hơn năm trước.
Ông Spindler chỉ rõ, vào năm ngoái, cứ 269 người di cư băng qua Địa Trung Hải thì có 1 người thiệt mạng, song năm 2016, xác suất tử vong đã tăng vọt, lên tới 1 người thiệt mạng trong số 88 người di cư. “Đó là tình trạng tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy” – người phát ngôn của UNHCR nhấn mạnh. Tại Libya và Italy, xác suất tử vong thậm chí còn cao hơn, với 1 trường hợp thiệt mạng trong số 47 người.
Theo UNHCR, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng gia tăng này. Đặc biệt, kể từ khi Liên minh châu Âu đạt thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm ngăn chặn người di cư trên biển Agean, ngày càng có nhiều người chuyển hướng cuộc hành trình tới Libya để vào Italy qua Địa Trung Hải. Đây là tuyến đường biển dài, nguy hiểm và đầy chết chóc. Trong khi đó, những người này lại sử dụng tàu thuyền kém chất lượng như các bè bơm hơi mỏng manh vốn không thể duy trì trong suốt hành trình. Ngoài ra, nhiều sự cố xảy ra cũng liên quan tới các hành trình được thực hiện trong điều kiện thời tiết xấu.
Không những thế, chiến thuật của những người di cư cũng thay đổi liên tục, những chuyến tàu thuyền vốn không chắc chắn lại thường xuyên chuyên chở quá nhiều người. “Điều này có thể liên quan tới một phương thức di chuyển mới hoặc nhằm giảm nguy cơ bị phát hiện” – ông Spindler đánh giá. “Song điều này cũng khiến cho công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn hơn”.
Trong bối cảnh đó, theo UNHCR, để xử lý vấn đề này đồng thời bảo đảm hoạt động của các hệ thống tị nạn là một thách thức chính trị đối với nhiều quốc gia. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn một lần nữa nhấn mạnh các quốc gia cần triển khai tích cực nhiều biện pháp nhằm cứu người tị nạn. Trong đó, cần triển khai tốt hơn công tác tái định cư cho người tị nạn, đoàn tụ gia đình, cấp thị thực nhân đạo, việc làm cho người tị nạn và người di cư… Tỷ lệ người tị nạn và người di cư cao cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tìm kiếm và cứu hộ người tị nạn trên Địa Trung Hải./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!