Việt Nam đã có đóng góp thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiệu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng nhân quyền.
Nhìn lại quá khứ, ngày 12/11/2013 (theo giờ Mỹ), với 184 phiếu thuận trên tổng số 192 phiếu, Việt Nam trúng cử với số phiếu cao nhất trong số 14 nước thành viên mới và lần đầu tiên trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Quang cảnh một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
Chiến thắng của Việt Nam để trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc kể từ năm 2014 với số phiếu ủng hộ cao nhất trong số các nước ứng cử cùng thời điểm đó là kết quả do nhiều yếu tố hợp thành.
Thứ nhất, nó xuất phát từ việc vị thế của Việt Nam đã khác so với khoảng thời gian 10-20 năm về trước. Từ thế luôn bị động chịu sự chỉ trích, chúng ta đã chủ động hơn trong việc đưa ra các vấn đề thuộc về lợi ích của đất nước. Chính vì vậy, các nước rất trông chờ vào sự đóng góp của Việt Nam đối với các vấn đề toàn cầu trong đó có vấn đề giá trị quyền con người.
Ngoài việc thế và lực được cải thiện, cùng với những nỗ lực của Đảng và Nhà nước, tình hình nhân quyền của Việt Nam cũng đã thay đổi rất nhiều.
Thành viên nghiêm túc có trách nhiệm
Không phụ sự tin tưởng của các lá phiếu ủng hộ, trong suốt nhiệm kỳ là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014 -2016, Việt Nam luôn cho thấy là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm, chủ động, tích cực và xây dựng.
Bà Hoàng Thị Thanh Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức Quốc tế, Bộ Ngoại giao tại Hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 28/9 cho biết: “Sự nghiêm túc và có trách nhiệm của Việt Nam được thể hiện trong việc tham gia phát biểu, thảo luận tại hàng trăm cuộc họp, xây dựng và thương lượng các nghị quyết, quyết định của Hội đồng nhân quyền, đóng góp vào việc bảo đảm các giá trị chung về quyền con người.
Nghiêm túc trong thực hiện cơ chế UPR (rà soát phổ quát định kỳ): rà soát chuẩn bị báo cáo quốc gia chu kỳ I và chu kỳ II; đối thoại thẳng thắn với các nước tại phiên bảo vệ UPR; thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận. Trong chu kỳ II, Việt Nam chấp nhận 182/227 khuyến nghị. Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổng thể để thực hiện các khuyến nghị. Nhiều bộ, ngành cũng đề ra các kế hoạch riêng về thực hiện khuyến nghị”.
Việt Nam luôn chủ động và tích cực tại Hội đồng Nhân quyền
Được đánh giá cao về sự năng động, tích cực và chủ động, Việt Nam chính là điều phối viên của ASEAN tại Hội đồng Nhân quyền. Trong vai trò này, Việt Nam rất tích cực trong việc điều phối lập trường của các nước ASEAN ở Hội đồng Nhân quyền và thay mặt ASEAN phát biểu các đề mục ở Hội đồng này. Khi có thông tin của cuộc họp các thành viên, Việt Nam sẽ trao đổi với các nước thành viên ASEAN, chính sự năng động tích cực này được bạn bè đánh giá rất cao.
Việt Nam cũng được chọn vào nhóm làm việc về tình hình – đây là nhóm chuyên xem xét các kháng thư của các quốc gia. Việt Nam thay mặt cho tất cả các nước châu Á trong Hội đồng Nhân quyền đảm nhận nhiệm vụ này.
“Sở dĩ Việt Nam được nhóm các nước châu Á bầu chọn vì họ tin tưởng vào sự khách quan của Việt Nam trong đánh giá về tình hình nhân quyền trên thế giới”, bà Hoàng Thị Thanh Nga giải thích.
Dù mới chỉ là lần đầu tiên tham gia Hội đồng Nhân quyền nhưng Việt Nam luôn chủ động đưa ra các sáng kiến thuộc ưu tiên, lợi ích của đất nước.
Tại khóa 32 Hội đồng nhân quyền (tháng 6/2016), Việt Nam cùng Bangladesh và Phillipines đồng tác giả Nghị quyết về tác động của Biến đổi khí hậu với quyền trẻ em (được thông qua bằng đồng thuận với hơn 110 nước đồng bảo trợ). Việt Nam cũng tổ chức các tọa đàm quốc tế thu hút hàng trăm người tham dự tại Hội đồng nhân quyền.
Tại Khóa 31 (tháng 3/2016), Việt Nam phối hợp với Australia tổ chức sự kiện bên lề Hội nghị cấp cao Khóa 31 về bảo đảm quyền lao động của người khuyết tật.
Tại Khóa 32 (tháng 6/2016), phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức sự kiện bên lề về đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động trên biển. Tại Khóa 33 (tháng 9/2016), phối hợp với Mỹ, Australia, Phillipines, Trung Quốc và Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tổ chức sự kiện bên lề về nâng cao giáo dục trong phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em gái.
Đề cao đối thoại và hợp tác
Trong vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam luôn đề cao phương châm đối thoại và hợp tác, tránh đối đầu, chính trị hóa trong vấn đề quyền con người.
Các nước phương Tây, các nước đang phát triển đều đánh giá cao vai trò của Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền; trong nhiều trường hợp Việt Nam làm trung gian trong các cuộc thương lượng, ý kiến của Việt Nam được lắng nghe. Thậm chí, một số nước phương Tây còn cử đoàn sang trao đổi về Hội đồng nhân quyền (Mỹ có đoàn riêng; các nước châu Âu trao đổi qua kênh đối thoại song phương).
Theo bà Nga, sở dĩ các nước đánh giá cao vai trò của Việt Nam “bởi chúng ta không đứng ra chỉ trích một quốc gia nào mà luôn nhìn dưới góc độ và từ kinh nghiệm của Việt Nam. Việt Nam đã phải trải qua chiến tranh, bị bao vây cấm vận nên chúng ta rất hiểu cái gì cần hơn và từ kinh nghiệm cụ thể đó, Việt Nam đóng góp vào những giá trị chung của Hội đồng nhân quyền.
Trong một số trường hợp, Việt Nam cũng được các nước tín nhiệm đứng ra làm trung gian hòa giải. Bản thân Đại sứ Việt Nam ở Geneva cũng từng được giới thiệu ra làm Chủ tịch Hội đồng nhân quyền”.
Vị thế Việt Nam được nâng cao sau khi tham gia Hội đồng Nhân quyền
Nhìn lại 3 năm đảm nhận vai trò thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, có thể thấy, Việt Nam đã có đóng góp thiết thực vào thúc đẩy đối thoại và hợp tác; tăng cường tính hiêu quả, minh bạch và cân bằng trong công việc của Hội đồng nhân quyền; đóng góp xây dựng giá trị chung của nhân loại.
Việc tham gia Hội đồng Nhân quyền giúp tăng cường tiếng nói, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; góp phần bảo vệ lợi ích của Việt Nam và các nước đang phát triển.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để đề cao chính sách, thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo đảm quyền con người; thúc đẩy được các vấn đề Việt Nam có lợi ích (quyền kinh tế - văn hóa – xã hội, quyền của nhóm dễ bị tổn thương, biến đổi khí hậu và quyền con người, quyền của người lao động trên biển…;
Ngoài ra, việc là thành viên Hội đồng Nhân quyền cũng giúp Việt Nam có thêm công cụ đấu tranh, phản bác những luận điệu, thông tin sai lệnh về tình hình nhân quyền trong nước; hỗ trợ thúc đẩy quan hệ song phương với các nước; thêm bạn bè; thêm kinh nghiệm tham gia các cơ chế đa phương, thực sự chuyển từ tham dự sang tham gia, từ tham gia sang đóng góp, định hình luật chơi với vấn đề từng được xem là rất nhạy cảm, đó là quyền con người.
“Với bất kỳ vấn đề nào ở Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẵn sàng tham gia phát biểu, bình luận hay thậm chí là phê phán. Ở các cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến của Hội đồng Nhân quyền, một số quốc gia không tham gia bỏ phiếu để tránh đưa ra lập trường nhưng Việt Nam chưa bao giờ làm như vậy. Dù lá phiếu có thể là phiếu thuận, phiếu chống hay phiếu trắng nhưng Việt Nam luôn thể hiện lập trường rõ ràng”, bà Nga nói./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!