Cần nhân rộng mô hình xử lý chất thải từ sơ chế cà phê

Cứ đến vụ thu hoạch cà phê, xã Chiềng Ban (Mai Sơn) lại trở thành điểm nóng về ô nhiễm môi trường, nguyên nhân là do sơ chế cà phê. Để hạn chế ô nhiễm môi trường trong quá trình sơ chế cà phê, tháng 10/2018, Viện Môi trường Nông nghiệp đã lựa chọn gia đình ông Tòng Văn Nọi, bản Ót, xã Chiềng Ban để thực hiện thí điểm “Mô hình trình diễn xử lý chất thải chế biến cà phê ướt và áp dụng công nghệ chế biến cà phê tiết kiệm nước”. Qua thời gian sơ chế cà phê năm 2018 cho thấy, hệ thống xử lý chất thải đạt hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Ông Tòng Văn Nọi giới thiệu hệ thống xử lý chất thải từ sơ chế cà phê của gia đình.

Chúng tôi đã đến gia đình ông Tòng Văn Nọi, bản Ót để tìm hiểu mô hình này. Ông Nọi cho biết: Năm 1994, gia đình tôi trồng 5.000 m² cà phê, đến nay gia đình có 4 ha, sản lượng 70 tấn quả tươi/năm. Trước đây, gia đình bán quả tươi, năm 2012, gia đình đầu tư máy sơ chế cà phê tại nhà, trung bình mỗi năm sơ chế khoảng 200 tấn quả cà phê tươi, nhưng do chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải nên nước thải chảy theo rãnh mương ra suối gây ô nhiễm môi trường. Được Viện Môi trường Nông nghiệp đầu tư “Mô hình trình diễn về xử lý chất thải chế biến cà phê ướt và áp dụng công nghệ chế biến cà phê tiết kiệm nước”, mỗi ngày hệ thống xử lý khoảng 5m³ nước thải từ sơ chế 8-10 tấn cà phê. Hệ thống này còn có ưu điểm tiết kiệm được 50% lượng nước trong sơ chế cà phê theo cách thông thường.

Tìm hiểu được biết, hiện nay, xã Chiềng Ban có 1.250 ha trồng cà phê, sản lượng bình quân mỗi năm khoảng 12.500 tấn cà phê quả tươi. Ngoài bán quả cà phê tươi cho tư thương, nhiều hộ đã tự sơ chế cà phê, nhưng hầu như các cơ sở sơ chế chưa có hệ thống xử lý nước thải bảo đảm. Riêng ở bản Ót có 42 hộ sơ chế cà phê, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, đời sống của nhân dân và ô nhiễm nguồn nước. Được biết, công nghệ xử lý nước thải từ cà phê do Viện Môi trường Nông nghiệp đầu tư cho gia đình ông Nọi đã đem lại kết quả bước đầu. Hệ thống xử lý nước thải này hoạt động theo quy trình khép kín: Cà phê sau khi ủ 12 giờ đồng hồ sẽ được đánh nhớt, nước sẽ quay lại bể ủ, dẫn sang bể ly tâm và hút về bể hiếu khí, rồi chuyển về bể lắng, sau đó nước đi qua bộ lọc cặn nhớt cà phê, tiếp tục đi qua thiết bị khử mùi và trở về bể chứa cuối cùng, lúc này nước không còn mùi hôi thối và được tái sử dụng, nước có thể đạt độ trong khoảng 80% so với nước đầu vào. Cứ khoảng 5 m³ nước thải sẽ có 4 m³ nước tái sử dụng và 1 m³ cặn bã nhớt cà phê. Vụ sơ chế cà phê năm 2018, gia đình ông Nọi không gây ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, gia đình ông còn tận dụng vỏ cà phê và lượng bã thông qua hệ thống xử lý nước thải thu khoảng 20 tấn/năm để ủ với men vi sinh làm phân bón cho cây cà phê, mỗi năm, gia đình ông Nọi sẽ tiết kiệm được khoảng 60% số tiền mua phân bón.

Mô hình xử lý nước thải từ sơ chế cà phê do Viện Môi trường Nông nghiệp thí điểm tại gia đình ông Tòng Văn Nọi đã cho thấy rõ hiệu quả trong bảo vệ môi trường. Mô hình đang được các hộ trong bản, trong xã quan tâm, nghiên cứu để đầu tư áp dụng vào thực tế sản xuất. Song, các hộ dân cũng đang rất cần được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, hướng dẫn việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ sơ chế cà phê.

Lò Luận
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới