Bão số 9 gây ảnh hưởng tại nhiều địa phương

Từ 9h sáng 25/11, bão số 9 (bão Usagi) đã đổ bộ vào tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, gây mưa to và gió giật mạnh.

Bão số 9 với sức gió cấp 8 đã làm nhiều người đi đường ở TP Vũng Tàu bị ngã khi đi xe máy, nhiều cây xanh bị bật gốc nằm chắn ngang đường. Kèm theo gió bão là mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường ngập sâu, ôtô di chuyển khó khăn, trong khi người đi xe máy phải dẫn bộ trên vỉa hè. Hơn 10h sáng nay, dọc tuyến đường Lê Hồng Phong, Võ Thị Sáu, Hoàng Hoa Thám, Bacu… đã có hàng loạt cây xanh gãy đổ chắn ngang đường. Đến hơn 13h chiều, do ảnh hưởng của bão, gió vẫn thổi mạnh tại các tuyến đường ven biển thuộc huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Long Điền và TP Vũng Tàu.

Bão số 9 làm đổ cây trên địa bàn TP Vũng Tàu.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, địa bàn của toàn bộ 10 đồn biên phòng đóng tại các địa phương ven biển của tỉnh đều an toàn; các ghe, tàu được tổ chức sắp xếp tốt từ trước nên đều được neo đậu chắc chắn tại các bến. Trước đó, thời điểm 3 giờ ngày 25/11, lực lượng bộ đội Biên phòng ở các đồn vẫn rà soát và cưỡng chế nhiều ngư dân ở trên tàu đưa lên bờ để đảm bảo an toàn.

Cán bộ, chiến sĩ các đồn Biên phòng Bến Đá, Phước Thuận và Chí Linh còn sắp xếp cho 250 người dân thuộc địa bàn đến ở tránh bão an toàn. Liên quan đến tàu cá BV 97877 TS với 8 người trên tàu (trong đó có 3 cán bộ của Viện Hải Dương học Nha Trang) bị mất liên lạc từ ngày 24/11, lực lượng chức năng đã liên lạc được và vẫn an toàn.

* Đến trưa và chiều 25/11, bão số 9 đã vào địa bàn TP Hồ Chí Minh, tại huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Quận 7… mưa to, gió lớn kéo dài hàng giờ đồng hồ, khiến nhiều cây bị gãy cành và tầm nhìn hạn chế.

Thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ là khu vực đầu tiên của TP Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của bão số 9. Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, trước tình hình mưa lớn và gió mạnh, huyện đang theo dõi sát tình hình cơn bão. Tất cả các biện pháp ứng phó với bão huyện giữ nguyên biện pháp di dời và chăm lo cho bà con ở những nơi an toàn. Đối với tàu thuyền ở những nơi tránh trú bão, huyện vẫn giữ nguyên lệnh cấm biển, các lực lượng chức năng hiện nay đang sẵn sàng ứng phó với bão khi có sự cố thiên tai xảy ra.

Theo ông Lê Thanh Liêm Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo TP và huyện Cần Giờ cùng các lực lượng chức năng luôn túc trực xuyên suốt, thông báo kịp thời cho bà con thông tin về cơn bão số 9 qua các hệ thống thông tin trên địa bàn; khuyến cáo người dân không đi ra ngoài nếu không có việc cấp thiết, bởi gió khá mạnh. Tại các điểm tránh trú bão, huyện Cần Giờ và các xã, thị trấn chăm sóc đầy đủ cho người dân với lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men…

Bộ Tư lệnh TP.Hồ Chí Minh cũng đã điều 63 cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện, trang thiết bị xuống huyện Cần Giờ để sẵn sàng cho công tác cứu hộ, cứu nạn khi cần thiết; Bộ đội Biên phòng Thành phố cũng đã bố trí lực lượng và 3 tàu chuyên dụng cho công tác ứng phó với bão số 9…

Đặc biệt, sáng 25/11, trên địa bàn huyện Cần Giờ có một trường hợp thai phụ cần mổ cấp cứu nhưng y tế địa phương không đủ khả năng thực hiện. Lãnh đạo UBND TP và huyện Cần Giờ đã chỉ đạo  lãnh đạo phà Bình Khánh điều phà cỡ lớn chở xe cấp cứu qua phà đưa thai phụ tới bệnh viện tuyến trên. Phà Bình Khánh theo lệnh đã ngưng hoạt động từ 19 giờ ngày 24/11.

*Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, tuyến đường huyết mạch từ TP Nha Trang đi sân bay quốc tế Cam Ranh tiếp tục tê liệt chỉ sau hơn 2 ngày lưu thông trở lại. Ngành chức năng đang nỗ lực sửa chữa lại đường, sớm nhất cũng phải đến chiều nay mới lưu thông trở lại. Do mưa lớn, hàng ngàn tấn đất, đá đổ từ đèo Cù Hin xuống chắn ngang 2 làn đại lộ Nguyễn Tất Thành nối Nha Trang với sân bay quốc tế Cam Ranh, khiến tuyến đường này bị tê liệt hoàn toàn. Không chỉ có sạt lở, đại lộ Nguyễn Tất Thành đi sân bay Cam Ranh cũng có nhiều đoạn ngập sâu.

*Cũng do ảnh hưởng của cơn bão số 9, tại bờ biển Rạng, phường Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã xảy ra tình trạng biển xâm thực. Sóng cao 2 đến 4 m kết tấn công dữ dội vào khu vườn dừa gần nhà thờ Rạng. Nơi đây tập trung phần lớn ghe thuyền đánh cá của phường Hàm Tiến. Bờ biển bị sạt lở làm sập tường rào của vườn dừa nhà thờ Rạng, gần chục cây dừa sát mép biển bị trốc gốc ngả đổ. Ghe thuyền đang neo buộc dọc các vườn dừa bị sóng lớn đánh vào, giật ra xa. Nhiều cây dừa cũng bị trốc gốc ngã đổ. Theo thống kê ban đầu của Uỷ ban nhân dân phường Hàm Tiến, có 31 phương tiện bị thiệt hại. Trong đó, 25 chiếc bị hư hỏng nặng do va đập, 6 chiếc bị sóng lớn giật đứt dây neo kéo đi mất tích.

*Tại tỉnh Ninh Thuận, đêm qua, tuyến đường sắt đoạn qua ga Kà Rôm đến ga Phước Nhơn, huyện Ninh Hải bị tê liệt do ngập trong nước, có đoạn sâu gần một mét. Ngoài ra, mưa lớn gây xói mòn đất, sạt lở đường sắt khiến các tàu đi qua đây phải dừng lại vào các ga lân cận tránh chờ thông đường. Hàng trăm hành khách bị mắc kẹt. Lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố.

*Sáng 25/11, tại các huyện ven biển Tiền Giang, Bến Tre mưa rải rác nhiều nơi, gió bắt đầu thổi mạnh. Theo đó, các huyện ven biển của tỉnh Bến Tre là Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú, lực lượng chức năng đã tiến hành di dời, sơ tán 24.000 hộ dân đến nơi an toàn. Tính đến tối 24/11, lực lượng chức năng của tỉnh Bến Tre đã liên lạc tổng số 3.106 phương tiện hoạt động trên biển, với 17.536 người. 1.246 phương tiện đang neo đậu tại khu vực an toàn.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã yêu cầu lãnh đạo các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến của bão, rà soát lại các phương án để chủ động ứng phó kịp thời với cơn bão số 9. Trong sáng nay, tại các huyện ven biển Tiền Giang trời mưa nhẹ, nhiều nơi gió thổi mạnh. Tại huyện Tân Phú Đông của tỉnh này, từ tối hôm qua, chính quyền địa phương đã yêu cầu ngưng hoạt động tại các bến đò, bến phà để đảm bảo an toàn cho người dân và sơ tán 3.139 người ngoài đê đến nơi tránh, trú an toàn và chằng chống 687 căn nhà thô sơ.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp kiểm tra thực tế tại khu vực người dân sơ tán tránh bão tại huyện Gò Công Đông. Chính quyền địa phương đã kêu gọi 860 phương tiện vào bờ hoặc tránh ra vùng nguy hiểm, 640 nhà được chằng chống, 1.240 hộ dân ngoài đê được sơ tán đến nơi an toàn.

Được biết, để ứng phó với cơn bão số 9, trước đó, 9 tỉnh và thành phố ven biển từ Khánh Hoà đến Trà Vinh và tỉnh Bạc Liêu đã ban hành lệnh cấm biển. Tính đến sáng 25/11, 7 tỉnh và thành phố đã sơ tán 76.470 người, trong đó nhiều nhất là Khánh Hoà 12.339 người, Bà Rịa - Vũng Tàu 23.287 người, Bến Tre 24.499 người, Tiền Giang 10.489 người, TP Hồ Chí Minh là 4.476 người...

Còn theo dự báo của ngành chức năng, từ đêm nay 25/11 đến đêm 27/11, do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão số 9, kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tăng cường nên mưa to đến rất to mở rộng ra các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, lượng mưa phổ biến: các tỉnh Quảng Trị, Khánh Hòa (50-80mm/ngày); ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Phú Yên (80-150mm/ngày); ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định (100-200mm/ngày)./.

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới

  • 'Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND tỉnh về đất đai

    Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND tỉnh về đất đai

    Văn hóa - Xã hội -
    Ngày 15/11, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo quyết định của UBND tỉnh ban hành quy định về quy trình luân chuyển hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai của người sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Dự hội nghị, có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và các tổ chức thành viên.
  • 'Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và nội địa

    Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và nội địa

    Xã hội -
    Công tác đấu tranh chống buôn lậu gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới và địa bàn nội địa ở tỉnh ta luôn được Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, các ngành thành viên, các địa phương chú trọng triển khai tích cực, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sản xuất, phục vụ tốt sản xuất và đời sống nhân dân.
  • 'Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Thuận Châu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

    Xây dựng Đảng -
    Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 21/1/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đảng bộ huyện Thuận Châu đã chỉ đạo cụ thể hóa, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức các cấp, lực lượng lao động nông thôn, đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.
  • 'Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Các dân tộc đoàn kết, chung sức xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững

    Xã hội -
    Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, những năm qua, đời sống, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển; cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi đầu tư xây dựng cơ bản đồng bộ, hiệu quả; công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ đội ngũ cán bộ cơ sở được chú trọng; việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được quan tâm... Niềm tin của đồng bào đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước không ngừng được củng cố, tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được xây dựng ngày càng vững chắc.
  • 'Điểm tựa nơi bản mường

    Điểm tựa nơi bản mường

    Xã hội -
    Gương mẫu trong cộng đồng dân cư, giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, đảm bảo an ninh trật tự... là những việc làm của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La. Là “điểm tựa” giữa nhân dân với Đảng, chính quyền và mặt trận tổ quốc các cấp.