Vẹn nguyên ký ức về một lần được gặp Bác Hồ

Gần 60 năm đã trôi qua, kể từ khi Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương về thăm, nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ và nhân dân các dân tộc Tây Bắc tại Sơn La, nhưng kỷ niệm về một lần được gặp Bác đối với ông Đinh Văn Hiêng, bản Tăng, xã Chiềng Sại (Bắc Yên) vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Ông Đinh Văn Hiêng, bản Tăng, xã Chiềng Sại kể về lần được gặp Bác Hồ cho con cháu.

Rót chén trà mời khách, rồi ông Hiêng mở tủ lấy cho chúng tôi xem bức ảnh được ông cất giữ như báu vật, xúc động kể cho chúng tôi nghe về kỷ niệm lần được gặp Bác Hồ. Năm đó, ông Hiêng 15 tuổi, đang học lớp 3 tại Trường Trần Đăng Ninh. Khi được báo tin sáng ngày 7/5/1959, Bác Hồ và Đoàn công tác Trung ương lên thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc, các thầy cô giáo đã dẫn ông cùng các bạn trong trường lên Thuận Châu để tham gia Lễ mít tinh. Đi bộ từ sáng đến chiều, đến Thuận Châu. Tối hôm đó, thầy giáo dặn dò ông cùng 7 bạn học sinh khác sáng hôm sau dậy sớm, quần áo chỉnh tề, quàng khăn quàng đỏ, cùng thầy ra sân vận động để dự Lễ mít tinh. Nhận nhiệm vụ, trở về phòng, trong lòng ông hồi hộp, vui mừng khi mình được chọn tham gia đội thiếu niên vinh dự tặng hoa cho Bác tại Lễ mít tinh.

Sáng ngày 7/5/1959, khi bước vào sân vận động, hai bên khán đài người đông kín đang ngóng chờ giây phút được gặp Bác kính yêu. Thầy giáo dẫn cả đội của ông lên Lễ đài, rồi phát cho mỗi người 1 bó hoa. Khi đoàn đại biểu bước vào Lễ đài, đi cạnh Bác là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà thơ Tố Hữu, Chủ tịch Khu tự trị Lò Văn Hặc, bác sỹ Phạm Ngọc Thạch. Buổi sáng hôm ấy trời nắng đẹp, Bác Hồ mặc bộ quần áo kaki trắng, đi dép cao su. Các đại biểu bước lên khán đài, sau khi ổn định tổ chức, anh phụ trách bảo chúng tôi lần lượt lên tặng hoa các đại biểu. Mọi người ai cũng hướng về phía sân khấu, chăm chú nhìn Bác, lần lượt từng người lên tặng hoa đại biểu, tôi vinh dự được tặng hoa cho Bác. Bác ân cần đỡ bó hoa, miệng nở nụ cười hiền từ. Tại buổi mít tinh, Bác đã khen ngợi tinh thần đoàn kết kháng chiến, sản xuất của đồng bào, bộ đội và cán bộ. Bác căn dặn nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, chăm lo việc học của con em, bảo vệ rừng cho tốt. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải đoàn kết chặt chẽ, gương mẫu và mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Khu tự trị đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, đã thi đua càng ra sức thi đua hơn nữa, để hoàn thành kế hoạch Nhà nước, để làm cho Khu tự trị ngày càng giàu có, để góp phần củng cố miền Bắc và đấu tranh giành thống nhất nước nhà... Sau đó, Bác nói “Py noong hu báu” có nghĩa là “anh em có hiểu không”, lúc này, cả sân vận động hô vang không ngớt “Hồ Chủ tịch muôn năm!”.

“Sau lần được gặp Bác, được nghe Bác dặn, tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn nữa. Tôi theo học hết lớp 3, năm 1960, tiếp tục học sư phạm I từ lớp 4 đến lớp 7; học sư phạm II lớp 7+2, khoa tự nhiên, Trường Sư phạm. Từ năm 1963-1971, tôi dạy học tại trường cấp I, xã Chiềng Sại, huyện Yên Châu. Năm 1971-1973, chuyển sang công tác tại Tuyên giáo huyện ủy Yên Châu. Năm 1974, tôi được bổ nhiệm và giữ chức vụ Phó Ban Tổ chức huyện ủy Yên Châu. Sau đó, năm 1976, tôi theo học tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tại Hà Nội 2 năm. Năm 1980, xã Chiềng Sại (Yên Châu) chuyển về huyện Bắc Yên, tôi giữ chức vụ Phó Ban Tổ chức huyện ủy Bắc Yên. Từ năm 1982-1989, tôi giữ chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra huyện ủy Bắc Yên. Tháng 4/1989, tôi nghỉ hưu, sống với các con cháu tại bản Tăng, xã Chiềng Sại (Bắc Yên)”, ông Hiêng chia sẻ.

Từ ngày được gặp Bác, ông Hiêng luôn luôn khắc ghi những lời Bác dạy, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Thấy ông bồi hồi, xúc động khi kể về kỷ niệm và những bức ảnh ông luôn gìn giữ, chúng tôi cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của ông về những phút giây được gặp Bác Hồ. Chúng tôi chia tay ông Hiêng, suốt chặng đường về, câu chuyện của ông và những bức ảnh Bác Hồ chụp chung với đồng bào Tây Bắc vẫn cứ in mãi trong tâm trí tôi.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới