Không hề ngoa ngôn khi gọi các thầy giáo, cô giáo vùng cao là những “chiến sỹ cầm bút, cầm phấn”. Với họ, nếu không yêu nghề, yêu trẻ và kiên trì thì không thể trụ vững được ở nơi mà nhiều người coi là vùng “khỉ ho, cò gáy”... Và trong chuyến công tác lên với bản Làng Sáng lần này, chúng tôi, những người làm báo, tiếp tục một lần nữa được chứng kiến, cảm nhận sự nhọc nhằn cùng những câu chuyện cảm động về những thầy giáo, cô giáo đang ngày đêm bám bản, gian khổ, khó khăn không khiến họ sờn lòng, quyết tâm “gieo chữ” trên đỉnh Làng Sáng...
Một buổi thể dục giữa giờ của học sinh bản Làng Sáng.
Không ít người, nhất là các cán bộ, giáo viên trong tỉnh khi nhắc tới bản Làng Sáng đều phải lắc đầu ái ngại. Bởi lẽ, ngoài những gian nan về chặng đường lên với bản vùng cao này thì nơi đây còn được ví như một “ốc đảo”, còn thiếu các công trình hạ tầng. Mọi sinh hoạt hằng ngày của đồng bào nơi đây chủ yếu là tự cung tự cấp, về phát triển kinh tế bản chưa có gì nổi bật. Mặc dù bản Làng Sáng đã có các hộ dân về ở từ thời kỳ chống Pháp, nhưng phải đến năm 1988 bản mới được thành lập. Cũng do nằm quá xa trung tâm, đường, điện cũng như các công trình thiết yếu khác chưa có nên cuộc sống của đồng bào nơi đây rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 80%. Cũng vì thế mà nhiệm vụ “gieo chữ” của các giáo viên cắm bản ở Làng Sáng thêm phần khó khăn hơn...
Còn nhớ trong chuyến công tác lên với bản Làng Sáng năm 2007, giữa đường, chúng tôi gặp thầy giáo Mùa A Nhè đang gùi thực phẩm lên bản. Hỏi ra được biết: Đây là số thực phẩm được dùng trong khoảng 1 tháng “cắm bản” trên Làng Sáng. Và thực phẩm không gì khác, ngoài muối, mì chính, 2 túi mì tôm loại 1kg/túi, 2kg thịt lợn ba chỉ, còn lại chủ đạo là cá khô. Toàn bộ lương thực, thực phẩm, các thầy, cô giáo đều phải mang từ dưới huyện lên. Ở Làng Sáng có tiền muốn mua thực phẩm để cải thiện bữa ăn cũng khó, bởi đến gạo, bà con cũng chỉ trồng đủ ăn chứ chưa nói đến thực phẩm khác... Trong chuyến công tác này, sau 10 năm, lại vô tình gặp thầy giáo Mùa A Nhè giữa đường, cũng vào ngày nghỉ cuối tuần. Chỉ khác lần này, thầy giáo Nhè cùng đồng nghiệp đang ngược ra xã. Thầy giáo Mùa A Nhè tâm sự: Ngày đầu nhận nhiệm vụ, khoác ba lô bám gót trưởng bản đi bộ 2 ngày đường, tối mịt mới đến được bản Làng Sáng. Đấy là mình đi còn nhanh, chứ bình thường phải 3 ngày mới đến nơi. Cũng đã nghe kể nhiều về bản Làng Sáng, là người đi bộ cũng không kém đồng bào sở tại nhưng tôi không nghĩ chặng đường lên với Làng Sáng lại cực nhọc như vậy. Cảm giác đi mãi, đi mãi, chùn hết cả chân mà vẫn đang ở giữa rừng, giữa núi của ngày đầu lên nhận nhiệm vụ đến giờ vẫn không thể quên. Ở đây, chúng tôi cứ 2 năm thay nhau lên cắm bản ở Làng Sáng. Như tôi, đến nay đã 21 năm trong nghề, đây là lần thứ 3 được giao nhiệm vụ “cắm bản” ở Làng Sáng và đang dạy 20 học sinh lớp 2. Quả thực, nhiều lúc cũng thấy ái ngại bởi những khó khăn, vất vả khi lên dạy học trên này, nhưng nghĩ lại, nếu ai cũng ngại khổ rồi từ bỏ thì tương lai của con trẻ trên này sẽ ra sao. Vào mùa khô thì tuần về thăm gia đình được một lần, còn mùa mưa, có khi cả tháng trời không về được một lần...
Xe máy của các thầy giáo luôn được lắp thêm xích để đi vùng cao.
Mặc dù bản Làng Sáng được thành lập từ năm 1988, nhưng do giao thông quá cách trở nên phải đến tận năm 1999, nơi đây mới bắt đầu có giáo viên cắm bản. Tuy nhiên, những ngày đầu giáo viên cắm bản nhiều nhất cũng chỉ là 1 người dạy kiêm luôn từ lớp 1 đến lớp 3. Đến nay, bản đã có 5 giáo viên từ mầm non đến lớp 4. Cũng nhờ vào tình yêu nghề, sự quyết tâm bám bản, bám lớp, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cho con em đi học của các giáo viên nên tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng hay trẻ em nữ không được đi học đã giảm hẳn. Giờ đây lên với Làng Sáng, mặc dù cuộc sống của đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng trẻ em trong độ tuổi đều được đi học. Các em sau khi học xong lớp 4 ở bản, không kể hộ nghèo hay trên nghèo, kể cả trẻ em nữ đều tiếp tục được theo học ngoài trung tâm xã. Sự quan tâm đó thể hiện rõ khi nhân dân trong bản cùng các giáo viên nơi đây góp sức, vật liệu để dựng lên lớp học cũng như nơi ăn nghỉ cho thầy trò. Thầy giáo Mùa A Chu, người đã 2 lần được phân công lên dạy học ở Làng Sáng, hiện đang là giáo viên lớp 3 với 14 học sinh, tâm sự: Ở đây chúng tôi đặt ra mục tiêu hàng đầu là phải duy trì sỹ số, thay đổi được nhận thức của nhân dân đối với việc học tập của con em họ, quyết tâm đảm bảo không có học sinh bỏ học giữa chừng. Do vậy, ngoài nhiệm vụ trên lớp, giáo viên phải đi bộ đến từng nhà để tuyên truyền, vận động phụ huynh cho con em đi học. Niềm vui lớn nhất của chúng tôi là mỗi khi lên lớp, thấy học sinh của mình đông đủ, các em có quyết tâm học tập. Có thêm một học sinh biết đọc, biết viết cũng chính là một món quà đầy ý nghĩa với chúng tôi...
Tìm hiểu được biết, thầy giáo Mùa A Chu đã có gần 17 năm trong nghề, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Quãng thời gian dạy học ở vùng cao, nhất là ở bản Làng Sáng cũng là thời điểm phải xa gia đình. Toàn bộ việc nuôi dạy các con đều “nhường” hết cho vợ. Khó khăn là vậy, nhưng thầy Chu còn nhận nuôi dưỡng 1 người con nuôi từ lúc 5 tuổi do bố mất sớm, mẹ đi bước nữa. Hiện, người con nuôi này đã 17 tuổi. Thầy Đỗ Văn Tâm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Háng Đồng, nói: Đã có không ít giáo viên khi lên nhận nhiệm vụ tại xã Háng Đồng đã bỏ về khi thấy điều kiện nơi đây khó khăn. Tại điểm trường Làng Sáng, điểm trường được coi là nơi thử thách lòng yêu nghề cũng có giáo viên không trụ được vì điều kiện đi lại và sinh hoạt quá khó khăn. Do vậy, với bậc tiểu học, việc lên dạy học trên Làng Sáng chỉ “ưu tiên” cho giáo viên nam. Và nếu không thực sự yêu nghề, kiên trì thì khó có thể bám trụ được với nhiệm vụ “cắm bản” trên Làng Sáng.
Quả đúng như vậy, nếu không yêu nghề, yêu trẻ thì các giáo viên đã và đang miệt mài “gieo chữ” ở Làng Sáng khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ, nhất là những giáo viên Trường mầm non Háng Đồng. Bởi đặc thù 100% giáo viên là nữ nên các giáo viên của trường phải luân phiên 1 năm lên Làng Sáng. Quãng thời gian các giáo viên lên Làng Sáng cũng là quãng thời gian dài phải xa gia đình, việc chăm sóc gia đình, con cái phải nhờ cả vào người thân. Cô giáo Phàng Thị Kếnh, giáo viên mầm non, bộc bạch: Đa phần nhà các cô giáo ở dưới huyện, khi lên Háng Đồng dạy đã là vất vả rồi, 1 tuần chỉ về nhà được 1 lần. Còn lên Làng Sáng thì khó khăn gấp nhiều hơn thế. 14 năm trong nghề, hầu như tất cả thời gian em ở trên trường với học sinh. Nhà em có 2 con nhỏ, cả tháng về nhà được mấy lần, chồng cũng bận công việc nên việc chăm sóc các con cũng khó khăn. Đặc biệt, thời điểm được phân công lên Làng Sáng dạy học là giai đoạn khó khăn, trăn trở nhất. Bởi là nữ nên việc đi lại, sinh hoạt ở điểm trường đầy gian nan này là cả một vấn đề, đi bộ phải đi từ sớm, nếu không đến bản sẽ muộn. Có những lúc đi trên đường, tủi thân quá cũng khóc; đêm nằm nhớ gia đình cũng khóc. Có lần 2 con ốm, nghĩ đến cảnh 1 mình chồng chăm con mà mình thì không giúp được gì cũng khóc... Có thời điểm, các con ốm phải nằm viện, em phải xin nghỉ dài ngày và như vậy, đồng nghĩa với việc lớp học trên bản phải nghỉ theo. Chồng em muốn xin cho em chuyển công tác về xã Tà Xùa để gần nhà hơn chút, bởi cháu đầu nhà em bị bệnh nên hàng tháng phải xuống bệnh viện Bạch Mai để điều trị, mình cứ xa nhà thế này cũng tội các con, nhưng về thì cũng thương các cháu trên Làng Sáng vô cùng...
Mỗi tháng, cô giáo Phàng Thị Kếnh về thăm nhà được khoảng 3 lần nhưng đều phải đi bộ.
Trong chuyến công tác này, câu chuyện “cắm bản” của các nhà giáo trên đỉnh Làng Sáng vẫn còn nhiều điều chưa nói hết. Tuy nhiên, có một điểm chung nhất mà tôi cảm nhận là các thầy cô giáo nơi đây luôn có lòng yêu nghề, yêu trò và khó khăn, gian khổ không thể làm sờn lòng họ... Đến giờ tôi vẫn còn nhớ cái cảm giác của mình sau gần 1 ngày vật lộn với “con đường gieo chữ” của các thầy, cô giáo nơi vùng cao Háng Đồng. Vậy mà, trong bao năm qua, những người thầy giáo, cô giáo - “những chiến sỹ cầm phấn, cầm bút” vẫn miệt mài đi về trên con đường đầy gian nan, vất vả để mang cái chữ tới các em nhỏ vùng cao Làng Sáng...
Quốc Tuấn - Đình Thành
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!