Được thành lập từ năm 1988, bản Làng Sáng, xã Háng Đồng (Bắc Yên) khi đó có hơn chục hộ. Giờ, bản đã có 93 hộ dân tộc Mông với 603 nhân khẩu. Đây là một trong những bản đặc biệt khó khăn của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo còn cao và chưa được đầu tư các công trình dân sinh. Trong đó, niềm mong mỏi bao đời của đồng bào nơi đây là có một con đường bê tông có thể đi được xe máy. Bởi từ khi thành lập bản đến nay, nhân dân vẫn chỉ có thể đi bộ trên con đường dân sinh tự mở vô cùng gian nan...
Một góc của bản Láng Sáng. Ảnh: Quốc Tuấn
Năm 2007, có dịp lên công tác tại bản Làng Sáng, khi đó, bản đang thuộc xã Tà Xùa. Để lên được bản, xã phải cử một người dẫn đường đưa chúng tôi đi. Khi đó phải mất 3 ngày đường đi bộ từ trung tâm xã Tà Xùa, qua các bản Chung Chinh, Háng Ba La, Trống Tra, Háng Đồng A, B, C rồi mới đến bản Làng Sáng - nơi được coi là gần trời nhất khi nằm ở độ cao từ 1.500m đến 2.000m so với mặt nước biển. Con đường dân sinh lên bản do người dân tự mở từ khi thành lập bản thực chất là đường mòn chủ yếu xuyên qua rừng, đi lại rất khó khăn, nhất là những đoạn phải vượt qua dốc núi. Tiếp sau chuyến công tác này, tôi lại có dịp lên với Làng Sáng thêm nhiều lần và lần gần đây nhất là tháng 3 năm 2017. Mặc dù chặng đường lên xã Háng Đồng đã được rút ngắn còn 1/2 sau khi xã Tà Xùa được chia tách thành xã Háng Đồng và Tà Xùa vào năm 2008 (trong đó các bản Háng Ba La, Trống Tra, Háng Đồng A, B, C và Làng Sáng thuộc xã Háng Đồng), nhưng con đường đất vượt qua dốc núi, xuyên qua rừng già năm nào vẫn không có gì thay đổi, thậm chí còn khó đi hơn. Câu chuyện về những khó khăn xoay quanh con đường từ thủa nào giờ vẫn còn nguyên vẹn và nỗi niềm mong mỏi về một con đường đi lại thuận lợi cứ tăng dần theo thời gian...
Trong hành trình lên với Làng Sáng lần này, chúng tôi tiếp tục phải trải qua sự gian nan của con đường đất từ trung tâm xã lên bản trong tiết trời lúc mưa lúc nắng. Vẫn như các chuyến công tác trước, hình ảnh quen thuộc bắt gặp trên đường khi lên Làng Sáng vẫn là cảnh người dân đủ các lứa tuổi, từ các cháu học sinh cho đến người già khoác trên vai ba lô, lu cở hoặc phụ nữ thì địu con nhễ nhại mồ hôi vượt qua những đoạn đường đất trơn trượt hay đang ngồi nghỉ chân giữa đường... Ông Mùa A Chu, bản Háng Đồng C, nói: Chúng tôi về đây từ khi chưa có quyết định thành lập bản. Bản Làng Sáng đã có người về ở từ những năm 50 của thế kỷ trước. Cũng do đi lại khó khăn, bà con đã tự mở đường dân sinh từ mấy chục năm trước. Do mặt đường là đất và đá nên đi lại rất khó khăn, nhất là khi mưa xuống, mà trên này thì ẩm ướt quanh năm. Những lúc gia đình có việc hay có người nhà ốm đau phải dùng cáng khênh ra ngoài xã rất vất vả. Mong tỉnh quan tâm cho phép để nhân dân chúng tôi cùng với xã bê tông hóa mặt đường để có thể đi được xe máy.
Đường về Làng Sáng phải qua những khu rừng rậm rạp, con dốc dựng đứng.
Đường đến bản Làng Sáng của xã Háng Đồng chỉ có thể đi bộ, nên mỗi lần huyện, xã có công văn hay giấy triệu tập cán bộ ra họp là phải gửi người đi đường mang cho bản trước ít nhất 1 tuần. Bởi đã rất nhiều trường hợp, do đường đi lại khó khăn nên công văn, giấy tờ đến muộn hoặc bị thất lạc. Trong khi, khu vực các bản này lại chưa có sóng điện thoại di động nên càng khó khăn hơn trong việc trao đổi thông tin. Cũng bởi giao thông cách trở nên chỉ những lúc ốm đau nặng hay có việc cần thì bà con mới xuống xã, huyện. Đến ngay như bản Háng Đồng C, gần trung tâm xã hơn bản Làng Sáng mà còn thường xuyên thất lạc thư từ, nhiều khi công văn đến quá muộn. Có câu chuyện thật 100% ở bản Háng Đồng C. Đó là chuyện của anh Mùa A Thái, sinh năm 1973, người được mệnh danh là khỏe nhất xã Tà Xùa (3 năm liên tục vô địch môn đẩy gậy). Với thành tích nổi trội đó, anh đã được lựa chọn để lên thi đấu ở tỉnh. Thế nhưng, cái ngày anh nhận được thông tin thì đã quá muộn, hội thao đã kết thúc được gần 1 tháng rồi. Ông Vương Hồng Hải, Bí thư Đảng ủy xã Háng Đồng, cho biết: Giao thông khó khăn nên việc tuyên truyền, triển khai các chủ trương, chính sách, nhất là việc bám nắm tình hình an ninh chính trị tại địa bàn gặp không ít khó khăn. Mỗi lần cử cán bộ đi công tác lên Làng Sáng là phải mất vài ngày vì từ xã đến Làng Sáng là 21 km, đi và về đã mất gần 2 ngày đường. Như năm 2016, tại các bản vùng cao, trong đó có bản Làng Sáng bị ảnh hưởng băng tuyết và sau đó là cháy rừng. Mặc dù đã huy động được lực lượng chữa cháy, nhưng giao thông cách trở, đi bộ mất hơn 1 ngày đường nên việc chữa cháy không đạt hiệu quả. Hiện tại, xã đã chuẩn bị 1.500m3 đá, huyện hỗ trợ cát trị giá trên 400 triệu đồng, xi măng hỗ trợ theo Nghị quyết 115 của HĐND tỉnh và nhân dân bản Háng Đồng C, Làng Sáng đóng góp được trên 600 triệu đồng. Hiện tại, chỉ chờ quyết định của tỉnh là triển khai làm đường. Đường sẽ chỉ bê tông hóa trên cốt đường dân sinh có sẵn, không mở rộng hay san ủi nhiều, nên không ảnh hưởng tới diện tích rừng hiện còn.
Một đoạn đường lên Làng Sáng nằm giữa rừng có thể đi được xe máy.
Tại buổi làm việc với ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên, được biết: Cũng do địa hình phức tạp, núi cao, độ dốc lớn nên việc đi lại của bà con nhân dân khu vực này gặp rất nhiều khó khăn. Xuất phát từ điều kiện thực tế, năm 2008, UBND tỉnh đã trình Chính phủ thành lập mới xã Háng Ðồng. Xã gồm 6 bản, 100% đồng bào là dân tộc Mông, trong đó có 2 bản sinh sống trong vùng lõi của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa với tổng số gần 130 hộ. Thời điểm mới thành lập, Háng Ðồng là xã cuối cùng của tỉnh chưa có điện lưới quốc gia, hạ tầng kỹ thuật hầu như chưa có gì, đường giao thông mới thông xe kỹ thuật đến trung tâm xã, nhưng đi lại hết sức khó khăn. Một số bản của Háng Đồng, trong đó có Làng Sáng chưa có đường, điện cùng các công trình dân sinh khác... Vì vậy, trong quy hoạch giao thông nông thôn miền núi, UBND huyện Bắc Yên đã cho phép khảo sát thiết kế và thi công hai tuyến đường từ trung tâm xã Háng Ðồng - Làng Sáng - Háng Ðồng C dài 21 km, trong đó khoảng 13 km phải đi qua vùng lõi Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa. Do địa hình phức tạp, dự án mở đường không có tuyến nào khác mà phải bám theo đường mòn dân sinh. Tuy nhiên, do liên quan tới rừng nên dự án đã phải dừng lại. Hiện nay, huyện cũng đã có tờ trình gửi tỉnh về việc cho chủ trương điều chỉnh quy hoạch cục bộ rừng đặc dụng Tà Xùa để làm đường tuần tra rừng, đường ranh cản lửa từ trung tâm xã Háng Đồng đến bản Làng Sáng. Về vấn đề này, tại buổi làm việc với UBND huyện Bắc Yên, UBND tỉnh đã yêu cầu huyện tham mưu đề xuất với tỉnh để giải quyết đất làm đường vào bản Làng Sáng và Háng Đồng C. Hiện tại, huyện đang chờ quyết định của tỉnh cho phép là có thể triển khai làm ngay.
Được biết, thời điểm khảo sát để thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Xùa, tại đây đã có sẵn một tuyến đường dân sinh được nhân dân trong vùng tự làm và đến nay vẫn là con đường chính đi lại. Tuyến đường dân sinh này có nhiều đoạn rộng gần 3 m, còn bình quân rộng 1,5m. Nhưng do đường dốc, nhiều đá nên việc đi lại chủ yếu vẫn là đi bộ, nếu đi xe máy thì phải cuốn xích vào bánh xe, nhưng cực kỳ vất vả và nguy hiểm vì đường không phải dành cho xe máy. Ông Hạng A Nủ, Trưởng bản Làng Sáng, nói: Hiện tại bản chưa có đường, điện cùng các công trình dân sinh. Điều chúng tôi mong mỏi nhất vẫn chỉ là con đường. Bởi bao đời nay, chúng tôi đi lại rất vất vả; đường chưa có nên các sản phẩm nông nghiệp bà con sản xuất ra không bán được, chủ yếu vẫn là tự cung, tự cấp. Rất mong tỉnh quan tâm cho phép bản được làm đường, giúp việc đi lại của nhân dân bớt phần khó khăn...
Trong chuyến lên với Làng Sáng lần này, ngoài việc cảm nhận những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày của đồng bào nơi đây khi chưa có đường trong mấy chục năm qua, chúng tôi còn được chứng kiến, cảm nhận sự gian nan, tinh thần vượt khó của những giáo viên cắm bản - những người nếu không yêu nghề, yêu trẻ thì khó có thể hoàn thành được nhiệm vụ...(Còn nữa)
Quốc Tuấn - Đình Thành
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!