Thương hiệu sơn tra Sơn La và điểm đến du lịch Bắc Yên

Ngày 22 và 23/9, huyện Bắc Yên tổ chức Lễ công bố chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La và giới thiệu, quảng bá du lịch, gắn với các sản phẩm đặc sản địa phương.

 Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ trao Giấy chứng nhận

Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La cho chủ sở hữu là Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La.

Mùa thu hoạch năm nay, hương sơn tra lan tỏa xa hơn, khi diện tích mở rộng hơn, sản phẩm sơn tra được mang đi tiêu thụ nhiều hơn. Đúng vụ quả chín này, Cục Sở hữu trí tuệ đã công bố Quyết định cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La cho chủ sở hữu là Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La. 3 đơn vị trên địa bàn huyện Bắc Yên là Công ty TNHH Bắc Sơn; HTX Sơn tra Nậm Lộng, xã Hang Chú; HTX Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Sơn tra Bắc Yên vinh dự được Sở Khoa học và Công nghệ Sơn La trao quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La; 6 hộ trồng sơn tra ở Bắc Yên mạnh dạn chuyển đất trồng ngô sang trồng sơn tra, áp dụng tiến bộ vào sản xuất cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và đại diện Công ty TNHH Bắc Sơn tiên phong chế biến các sản phẩm quả sơn tra đã được vinh danh.

Đây là niềm vui của các hộ dân trồng táo ở Bắc Yên nói riêng và toàn tỉnh nói chung. Hiện, tỉnh Sơn La có khoảng gần 9.000 ha cây sơn tra, trồng tập trung chủ yếu ở các huyện Bắc Yên, Thuận Châu, Mường La. Riêng huyện Bắc Yên có gần 2.230 ha sơn tra tự nhiên và sơn tra trồng mới, góp phần tăng độ che phủ rừng, tăng thu nhập cho bà con các dân tộc. Quả sơn tra Sơn La có màu sắc đẹp, mùi thơm, vị ngọt ít chát, hương vị đặc trưng, tiêu biểu, như: Sơn tra má hồng ở Xím Vàng, sơn tra giòn ở Hang Chú (Bắc Yên)... Việc tạo lập, quản lý và phát triển Nhãn hiệu chứng nhận sơn tra Sơn La, đi kèm với sử dụng bao bì nhãn mác, các dấu hiệu nhận biết riêng, khẳng định thương hiệu táo sơn tra Sơn La, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Đây chính là cơ sở để tăng khả năng tiếp cận thị trường và mở rộng sản xuất sơn tra theo hướng bền vững trên địa bàn tỉnh.

Nhân dân tham quan mua sắm tại các gian hàng trưng bày sản phẩm.

Hang Chú là xã có diện tích trồng sơn tra nhiều nhất huyện Bắc Yên, với trên 1.000 ha rừng sơn tra tự nhiên và trồng mới, chiếm khoảng 50% tổng diện tích toàn huyện. Những năm qua, sơn tra trở thành một trong những cây trồng đem lại thu nhập chính cho bà con. Ông Giàng A Chinh, Giám đốc HTX sơn tra Nậm Lộng, Hang Chú chia sẻ: HTX thành lập tháng 6/2018, với 7 thành viên là các hộ trồng sơn tra tại bản Nậm Lộng, diện tích sản xuất hơn 50 ha. HTX vinh dự được cấp quyền sử dụng Nhãn hiệu chứng nhận táo sơn tra Sơn La, là cơ sở vững chắc để chúng tôi tiếp tục vận động, kết nạp thêm các hộ dân vào HTX mở rộng diện tích vùng nguyên liệu sơn tra, tìm kiếm các doanh nghiệp bao tiêu, thu mua sản phẩm.

Nhân sự kiện quan trọng này, tại sân vận động huyện Bắc Yên đã diễn ra nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh địa phương về lĩnh vực du lịch, sản phẩm đặc sản, như: Tổ chức các gian hàng, trại văn hóa; thi sơn tra ngon, an toàn; trình diễn nét độc đáo sao chè Tà Xùa bằng tay, nấu rượu Hang Chú từ thóc; chiếu phim tài liệu... thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến tham quan và tìm hiểu.

34 gian hàng của 16 xã, thị trấn và các hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn đã phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa và các sản phẩm đặc trưng của mỗi dân tộc, địa phương, thể hiện qua trưng bày trang phục dân tộc, trang sức, nhạc cụ dân tộc, dụng cụ sản xuất, sản phẩm đặc sản; thuyết minh giới thiệu về nghi lễ, ẩm thực, tín ngưỡng, kiến trúc nhà cửa... Tiêu biểu, như: Gian hàng xã Phiêng Côn chủ đạo là giới thiệu sản phẩm thổ cẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Dao; gian hàng của xã Hang Chú và xã Tà Xùa giới thiệu về văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông và các đặc sản nổi tiếng của địa phương, như: Sơn tra, rượu thóc Hang Chú,  chè Tà Xùa... Các nghệ nhân của hai xã còn thực hiện trình diễn chế biến các sản phẩm đặc sản của địa phương bằng phương pháp thủ công truyền thống, đặc biệt là trực tiếp dùng tay sao chè Tà Xùa trong chảo nóng trên bếp lửa, được nhiều người chú ý.

Tiếp chuyện chúng tôi, anh Mùa A Khư, bản Mống Vàng, Phó Chủ tịch UBND xã Tà Xùa, cho hay: Bên cạnh một số sản phẩm nông nghiệp và đồ thủ công, gian hàng của xã giới thiệu chủ yếu sản phẩm đặc sản chè Tà Xùa. Hiện xã có khoảng 130 ha chè shan tuyết, trong đó khoảng 2.000 gốc chè cổ thụ, có cây hằng trăm năm tuổi. Địa hình, địa chất, khí hậu đặc biệt đã tạo cho chè Tà Xùa hương vị thơm ngon không thể lẫn với bất cứ loại chè nào khác. Bên cạnh đó, những năm gần đây, nhiều khách du lịch lên thăm thiên đường mây Tà Xùa. Phát huy lợi thế này, xã đã tích cực quảng bá giới thiệu sản phẩm, một số hộ giữ phương pháp sao chè truyền thống thu hút du khách đến trải nghiệm và mua sản phẩm với giá ổn định 1,2 triệu đồng/kg.

Các nghệ nhân trình diễn sao chè Tà Xùa và nấu rượu Hang Chú.

Cùng với những trải nghiệm thực tế, du khách còn được “du lịch, tham quan qua màn hình” thông qua trình chiếu bộ phim tài liệu “Du lịch Bắc Yên, tiềm năng và cơ hội phát triển” và phóng sự về đặc sản sơn tra cây, giới thiệu về con người, mảnh đất vùng cao Bắc Yên xinh đẹp, mến khách với các điểm du lịch đang hút khách, như: Thiên đường Mây Tà Xùa, Sống lưng khủng long xã Háng Đồng, khám phá, trải nghiệm Hang A Phủ gắn với câu chuyện tình yêu trong tác phẩm “Vợ chồng A Phủ” của cố nhà văn Tô Hoài; bãi đá cổ Khe hổ xã Hang Chú được xếp hạng Di tích Quốc gia... Đồng thời, cung cấp thông tin bổ ích cho các nhà đầu tư đến với mảnh đất nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào các lĩnh vực du lịch, tiêu thụ và chế biến sơn tra.

Qua những hoạt động tại Lễ công bố chứng nhận Nhãn hiệu táo Sơn tra Sơn La, cho thấy huyện Bắc Yên rất quan tâm đối với phát triển du lịch và phát triển cây chủ lực sơn tra. Ông Lê Văn Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết: Sự kiện Bắc Yên vinh dự được tổ chức Lễ công bố chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La, là tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con trồng rừng thay thế bằng cây sơn tra. Đến năm 2020, dự kiến trồng mới khoảng 300 ha sơn tra. Huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã nông nghiệp Sơn tra Bắc Yên xây dựng vườn ươm cây Sơn tra ghép lưu vườn với quy mô 1,4 ha, công suất gieo ươm đạt trên 30 vạn cây/năm, phục vụ phát triển vùng nguyên liệu sơn tra cho huyện Bắc Yên và trên địa bàn tỉnh. Trong đó, sử dụng các cây trội để ghép cải tạo và trồng sơn tra giống ghép để cho ra sản phẩm quả đồng nhất về chất lượng và tổ chức quản lý giống theo chuỗi. Đồng thời, huyện sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các sản phẩm từ sơn tra. Đối với lĩnh vực du lịch, huyện xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đến nay, huyện hoàn thành phê duyệt Đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch Tà Xùa; triển khai quy hoạch phân khu Sống lưng khủng long; triển khai quy trình đầu tư đường vào Hang vợ chồng A Phủ, xã Hồng Ngài, đường xuống bãi đá cổ Khe Hổ, xã Hang Chú, từng bước hành thành chuỗi du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

Lễ công bố chứng nhận Nhãn hiệu táo sơn tra Sơn La và các hoạt động quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm đặc sản huyện Bắc Yên đã để lại ấn tượng tốt đẹp với nhân dân và du khách. Đồng thời, tạo sức lan tỏa, tiếp thêm động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện nỗ lực khai thác tiềm năng và lợi thế địa phương, đưa Bắc Yên trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Nhóm Phóng viên

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới