Thư viện huyện Bắc Yên vắng bạn đọc

Thư viện huyện là địa chỉ văn hóa, giúp các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tiếp cận sách, báo, trau dồi kiến thức về mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, sản xuất, góp phần nâng cao dân trí... Tuy nhiên, những năm gần đây, Thư viện huyện Bắc Yên rơi vào cảnh đìu hiu, vắng độc giả.

 

Thư viện huyện Bắc Yên vắng người đọc.

 

Nằm trong khuôn viên của Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện, Thư viện huyện Bắc Yên có phòng sách và phòng máy tính. Chúng tôi đến Thư viện huyện đúng thời điểm học sinh đang nghỉ hè. Phòng sách có 6 kệ sách, chiếm 1/2 căn phòng, được sắp xếp theo khu, lĩnh vực, tuy nhiên, do diện tích phòng hẹp nên nhiều đầu sách không được trưng bày, xếp thành chồng phía góc phòng. Quan sát thấy trên các góc kệ có nhiều mạng nhện giăng, bìa sách phủ lớp bụi, nhiều cuốn sách còn mới nguyên, gáy sách không có vết mở. Dừng lại ở kệ sách lĩnh vực văn hóa dân tộc, tôi chọn quyển sách tựa đề: Trang phục cổ truyền các dân tộc Việt Nam của Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, ngồi nghiên cứu tài liệu để chờ xem có độc giả đến không. Nhưng, cả buổi không thấy bóng dáng người nào đến đọc sách, báo hay mượn về. Ghé sang phòng máy tính, không gian ở đây cũng vắng lặng. 10 máy tính được sắp xếp hợp lý, khoa học, đủ ghế ngồi. Trung bình 1 tháng chỉ có 4-5 người đến truy cập internet. Đối tượng chủ yếu là học sinh đến học toán, đọc báo. Tuy việc truy cập internet tại Thư viện hoàn toàn miễn phí, nhưng không thu hút được nhiều độc giả bởi sử dụng máy tính ở thư viện tuyệt đối không được phép chơi game.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Đinh Minh Út, cán bộ phụ trách Thư viện buồn bã: Thư viện huyện Bắc Yên đang quản lý 6.600 đầu sách với 14 lĩnh vực, 10 máy vi tính. Trước đây, phòng đọc sách này là phòng làm việc của cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện. Năm 2017, Thư viện được bố trí riêng 1 phòng với 2 gian. Để thu hút độc giả đến đọc sách, hằng năm, Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện đã phối hợp với các trường học trên địa bàn tổ chức các buổi ngoại khóa cho học sinh đến đọc sách tại Thư viện; tổ chức Ngày hội đọc sách tại các trường trên địa bàn. Đồng thời, vận động học sinh các lớp năng khiếu hè, tranh thủ thời gian nghỉ giải lao đọc sách tại Thư viện. Tuy nhiên, năm 2017, chỉ có 330 lượt độc giả đến thư viện và cấp được 4 thẻ cho độc giả; từ đầu năm đến nay, chỉ phục vụ trên 50 lượt độc giả và cũng chỉ cấp mới 4 thẻ bạn đọc cho học sinh. 

Lý giải về thực trạng này, ông Phạm Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện cho biết: Sự bùng nổ thông tin bằng các loại hình như Internet, truyền hình, điện ảnh, nhất là các quán game... Trong khi cơ sở vật chất, cán bộ phụ trách Thư viện còn hạn chế về mặt chuyên môn, việc truy tìm các đầu sách bằng phương pháp thủ công cũng là nguyên nhân khiến người dân “ngại” đến Thư viện.

Qua tìm hiểu được biết, thực trạng vắng bóng người đọc không riêng ở Thư viện Bắc Yên mà đang diễn ra không ít nơi trên địa bàn toàn tỉnh. Để “vực dậy” văn hóa đọc, rất cần sự quan tâm của các cấp, ngành để kho tàng tri thức ở thư viện huyện không dần bị lãng quên theo thời gian. Trước hết, cần nâng cao chất lượng của thư viện huyện trên mọi phương diện từ đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất, số lượng, thể loại sách. Phối hợp với các đoàn thể và ngành giáo dục tuyên truyền, giới thiệu sách đến với người đọc thông qua các dịp lễ, ngày hội đọc sách, tạo thói quen đọc sách cho giới trẻ trong gia đình, nhà trường. Bên cạnh đó, xã hội hóa công tác thư viện là một hướng đi tích cực và có hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng hoạt động thư viện. Khuyến khích thành lập, nhân rộng các mô hình: Tủ sách dòng họ, tủ sách cụm dân cư... Ngoài ra, cần quan tâm, tăng cường đầu sách đến các điểm trường, trường học vùng sâu vùng xa, phát huy niềm đam mê đọc sách cho các em học sinh vùng cao.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới