Phụ nữ xã Hồng Ngài với công tác xóa mù chữ

“Trước đây khi vay vốn ngân hàng để mua giống vật nuôi, giống cây trồng, tôi không biết chữ nên gặp không ít khó khăn trong khâu làm thủ tục vay vốn. Sau khi học lớp học xóa mù chữ của Hội LHPN xã, tôi cùng các chị em đã biết viết chữ, số. Tôi vui lắm” Đó là lời tâm sự của chị Lý Thị Da, 31 tuổi, bản Suối Háo, xã Hồng Ngài (Bắc Yên).

 

Chị Thào Thị Sê, bản Suối Háo, sau lớp học xóa mù chữ đã biết viết chữ.

 

Qua tìm hiểu được biết, Hội LHPN xã Hồng Ngài có 627 hội viên, hoạt động tại 8 chi hội, trong đó số hội viên chưa biết chữ chiếm 87%, trình độ nhận thức còn hạn chế, gây khó khăn cho việc tuyên truyền, vận động chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trước tình trạng đó, năm 2016, Hội LHPN xã đã rà soát, thống kê những chị em chưa biết tiếng phổ thông. Đồng thời, phối hợp với Ban quản lý bản tuyên truyền, vận động tới các hội viên lợi ích của việc biết chữ để tích cực, tự giác tới lớp, nhằm giảm số phụ nữ không biết chữ, không biết đọc, biết viết, biết tính toán. Năm học 2016 - 2017, xã đã tổ chức được 2 lớp xóa mù chữ với 63 hội viên tham gia tại 2 bản Suối Háo, Suối Chạn. Mỗi lớp học trong 3 tháng, đều đặn từ 19 giờ-22 giờ chủ nhật đến thứ 5 hàng tuần. Chương trình học gồm môn Tiếng Việt và Toán, do giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Hồng Ngài giảng dạy cho các học viên từ 18 tuổi trở lên. Ngoài việc dạy chữ, còn lồng ghép các nội dung tuyên truyền như: Công tác phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống buôn bán người, hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh, kế hoạch hóa gia đình... Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Chị Mùa Thị Sinh, Chủ tịch Hội LHPN xã Hồng Ngài, cho biết: Với nỗ lực của cả giáo viên và học viên, đến cuối đợt học, các chị em trong lớp đã biết đọc, biết viết và được nhận chứng chỉ công nhận đã qua lớp xóa mù chữ. Hiện, chúng tôi đang vận động các hội viên ở 2 bản Suối Tếnh và Lung Tang sau mùa thu hoạch dong riềng, tham gia lớp học xóa mù chữ khai giảng cuối tháng 12 này.

Đi trên con đường đất ngoằn nghèo, cách trung tâm xã 9 km, chúng tôi đến bản Suối Háo, là bản đầu tiên khai giảng lớp học mù chữ. Khi chúng tôi có đề xuất với trưởng bản muốn gặp các hội viên phụ nữ đã qua học lớp xóa mù chữ, trưởng bản cho biết, hơn 70% số chị em học xong lớp học đó đã đi làm ăn xa, còn một số thì đi nương thu hoạch dong riềng. Đợi đến trưa, chúng tôi may mắn gặp được 2 hội viên, chị Thào Thị Sê chia sẻ: Tôi tranh thủ buổi tối đi học chữ. Đến đó, được gặp các chị em chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng gia đình, nuôi dạy con. Đồng thời, còn được nghe thủ đoạn của những kẻ buôn bán người để còn cảnh giác. Qua lớp học đã cho tôi nhiều kiến thức bổ ích.

Có thể thấy, đây là chương trình xã hội mang ý nghĩa nhân văn với đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa, góp phần nâng cao đời sống cho người dân và nhận thức của phụ nữ. Tuy nhiên, việc triển khai các lớp học xóa mù chữ trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn do địa hình phức tạp, dân cư không tập trung, nhận thức của những hội viên lớn tuổi còn chậm, hay quên. Đặc biệt, theo phong tục của người dân tộc Mông, người phụ nữ là lao động chính trong gia đình, không có thời gian dành cho việc học, nên sau 1 thời gian dài không ôn luyện thì tỷ lệ tái mù chữ là rất cao. Mong rằng, Hội Liên hiệp phụ nữ xã vừa triển khai nhân rộng mô hình, vừa rút kinh nghiệm để những lớp học sau đạt nhiều thành công hơn nữa.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới