Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao Háng Đồng còn nhiều khó khăn

Chuyến công tác vừa rồi, chúng tôi được một thầy giáo của trường THPTDT bán trú THCS xã Háng Đồng (Bắc Yên) kể câu chuyện về một cậu học trò gương mẫu, mang vẻ mặt buồn rầu đến xin lỗi thầy vì đã không giữ được lời hứa khi kết hôn sớm. Và chớ trêu thay, điều này lại không phải là điều cậu muốn, mà do gia đình và ảnh hưởng từ phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Mông.

Phát tờ rơi tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho nhân dân xã Háng Đồng.

Trở lại trung tâm xã tìm hiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống nơi vùng cao này, được biết, xã có 6 bản, 426 hộ, với 2.780 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, sinh sống trên các triền núi cao. Trình độ hiểu biết pháp luật của bà con còn hạn chế, kinh tế chủ yếu là trồng trọt và chăn nuôi, tỷ lệ hộ nghèo trên 70%. Những năm qua, xã đã thành lập Ban Chỉ đạo mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gồm các ngành, đoàn thể trên địa bàn xã như: Trạm Y tế, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, Văn hóa xã hội, Tư pháp. Chỉ tính riêng năm 2017, Ban chỉ đạo đã tổ chức 20 hội nghị tuyên truyền, chiếu phim, phát tờ rơi cho trên 1.100 lượt người, nội dung tuyên truyền tập trung phổ biến các chính sách về dân số - KHHGĐ, luật Hôn nhân và gia đình, luật Bình đẳng giới...; phối hợp Trường PTDT bán trú THCS Háng Đồng tổ chức ngoại khóa cho 222 học sinh của khối lớp 6-7-8-9; lắp biển pano hai  mặt với thông điệp “chung tay ngăn chặn, đẩy lùi nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng dân tộc thiểu số”. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tình trạng này có dấu hiệu tăng qua các năm. Năm 2017, có 19 trường hợp vi phạm, trong đó, 18 cặp vợ chồng tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết, so với năm 2015, tăng 9 trường hợp.

Qua tìm hiểu được biết: Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này do phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số tồn tại và ăn sâu trong nhận thức của người dân từ nhiều đời nay, ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ trong đời sống, sinh hoạt; các chế tài xử phạt vi phạm trong hôn nhân chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe; trình độ dân trí và ý thức pháp luật của người dân còn hạn chế, chưa nhận rõ tác hại của việc tảo hôn. Nhiều gia đình có con trai, muốn con lấy vợ sớm để gia đình có thêm lao động. Trao đổi với chúng tôi về khó khăn trong công tác tuyên truyền, ông Mùa A Chơ, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Hiện nay, xã đã tuyên truyền thông qua hình thức tuyên truyền miệng, chiếu phim ảnh, phát tờ rơi... Tuy nhiên, một số bản chưa có điện lưới nên việc tuyên truyền qua hình ảnh trên phim, clip về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống gặp khó khăn. Đa số người dân không biết chữ, không biết tiếng phổ thông nên hạn chế trong tiếp cận các thông tin tuyên truyền. Vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết đang được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, hạn chế mức thấp nhất nhưng đây vẫn là bài toán khó đối với địa phương.

Đến thăm hộ gia đình anh Sồng A Nu, bản Háng Đồng A, là hộ gia đình tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Gia đình anh có 2 con, hiện vẫn thuộc diện họ nghèo trong xã. Theo quan sát, đứa trẻ lớn hơn chậm nói, kém thông minh, không nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác cùng trang lứa. Anh Nu tâm sự: Vì chưa nhận thức được việc kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống con cái sinh ra sẽ kém phát triển và cũng một phần là nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, tôi ân hận lắm. Giờ được tuyên truyền, vận động bản thân tôi cùng gia đình biết được đó là sai trái, mong rằng trong xã, trong bản không có ai vi phạm nữa.

Hiện nay, việc giải quyết tận gốc tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn đang là bài toán khó. Nhưng tin rằng, với sự nỗ lực qua công tác tuyên truyền thường xuyên, sâu, sát và lâu dài của cấp ủy, chính quyền nơi đây, tình trạng này sẽ dần giảm thiểu, đẩy lùi, góp phần nâng cao chất lượng dân số địa phương.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới