Nhà gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông

Những ngày cuối năm, chúng tôi có dịp lên xã Làng Chếu (Bắc Yên), nơi chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Ở vùng cao gần như quanh năm sương mù bao phủ, nhất là về mùa đông, nhiệt độ thường xuống rất thấp, nên trong nhà của đồng bào dân tộc Mông, bếp lửa không bao giờ tắt.

 

Đồng bào Mông, xã Làng Chếu (Bắc Yên) dựng nhà ở.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ đã dựng được mấy chục năm, ông Hạng A Páo, Chủ tịch xã Làng Chếu, cho biết: Đồng bào dân tộc Mông thường ở các sườn núi cao, nét đặc trưng những ngôi nhà truyền thống của đồng bào Mông là thấp, nền đất và phải làm bằng gỗ tốt, để luôn ấm vào mùa đông và mát mẻ vào mùa hè.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Mông thường có 3 gian, 2 cửa, một cửa chính, một cửa phụ và thường có 2 cửa sổ trở lên. Trong 3 gian nhà chính, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của gia đình, gian bên phải đặt bếp sưởi và giường dành cho khách. Gian giữa rộng hơn đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình, hai bên trái nhà đặt cối xay ngô, giã gạo. Bàn thờ tổ tiên của đồng bào Mông rất đơn giản, chỉ một tờ giấy trắng dán vào một mảnh ván với một ống cắm hương bằng tre, nứa gắn trên tường giữa thẳng cửa chính lên. Nhà của đồng bào Mông bao giờ cũng có sàn gác để giữ cất đồ đạc, lương thực, thực phẩm, ngô lúa khi mang từ nương về, khói bếp sẽ làm khô và giữ cho không bị sâu mọt. Các nhà trong bản không bao giờ làm sát nhau, cho dù là anh em ruột thịt, nóc nhà không được làm thẳng với nhà bên cạnh. Đồng bào Mông cũng làm nhà dựa lưng vào núi, kiêng làm nhà quay lưng ra khe, vực sâu, khi chọn đất làm nhà, chủ nhà thường tìm một người có tuổi, có kinh nghiệm xem đất, khi đã chọn được đất ở, bà con tiến hành san nền, kê móng, dựng nhà... Đồng bào Mông coi hai cây cột cái là cột chủ đạo trong nhà, thể hiện sự ngay thẳng, cứng cáp, vững vàng của chủ nhà, nên cây cột phải là cây rừng không bị sâu hay cụt ngọn, hai cây cột này có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của bà con. Cửa chính của nhà cũng phải tìm gỗ tốt để làm, chọn hướng tốt cho cửa, đồng bào Mông làm nhà luôn có sự đoàn kết giúp đỡ giữa anh em trong nhà và cả bản.

Hiện nay, đời sống của đồng bào dân tộc Mông đã phát triển, cùng với phát huy những phong tục tập quán, nét văn hóa đặc sắc, những ngôi nhà gỗ truyền thống vẫn được bà con giữ gìn, thể hiện nét độc đáo riêng của dân tộc mình.

A Trứ (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới