Mùa gieo ngô

Tháng 5, khi những cơn mưa bắt đầu xuất hiện, cũng là lúc bà con nông dân các xã của huyện vùng cao Bắc Yên bước vào vụ gieo ngô. Trên khắp các sườn núi, nương đồi, người người, nhà nhà làm đất, tra hạt. Không khí vào mùa thật sôi động...

Nông dân bản Bụa A, xã Phiêng Ban (Bắc Yên) làm đất gieo trồng ngô xuân hè.

5 giờ sáng, bản Bụa A, xã Phiêng Ban chìm trong biển sương mù dày đặc, mặc dù đã sang tháng 5 nhưng buổi sớm trên vùng cao Bắc Yên vẫn lạnh hơn vùng khác. Lúc này, cả bản đã vang vang tiếng gà gáy sáng, bà con lục đục dậy chuẩn bị cho một ngày mới... Trong gian nhà đất, chị Mùa Thị Tủa cũng đã dậy, nhóm bếp lửa trước đó 1 tiếng. Khi nồi cơm vừa chín, mấy miếng cá khô nướng bắt đầu thơm phức bay khắp nhà thì chồng chị Tủa cũng dậy, anh mở cửa dắt chiếc xe máy ra sân khởi động cho nóng máy. Bé Mùa A Tuấn chưa đầy 3 tuổi cũng tự bò ra khỏi đống chăn, tụt xuống giường, chạy đến nép vào người mẹ sưởi ấm. Sau bữa sáng đơn giản, chị Tủa địu con lên lưng và gia đình nhỏ chuẩn bị lên nương. Hành trang của họ là cái cuốc buộc sau xe máy, cái lù cở đựng chai nước, mấy nắm cơm, cá khô và lọ muối ớt. Lúc này, phía đầu bản đã nghe tiếng xe máy nổ xình xịch, tiếng người rộn ràng gọi nhau lên nương.

Mảnh nương của nhà chị Mùa Thị Tủa nằm nép mình dưới chân núi Hin Phón, rộng chừng 2 ha. Hôm nay, không chỉ có gia đình chị Tủa mà còn có 3-4 phụ nữ dân tộc Mông khác cũng đã có mặt trên nương, trò chuyện rôm rả. Hỏi ra mới biết, đây đều là họ hàng bên nhà chồng chị. Chị Tủa cười bảo: Mỗi khi đến mùa vụ, đồng bào Mông ở đây đã có truyền thống giúp nhau làm nương ngô cho đỡ vất vả. Họ đổi công, rồi trả công cho nhau, làm theo kiểu “cuốn chiếu” hết nhà này lại đến nhà kia. Nương ngô của người Mông trên vùng cao Bắc Yên không giống những nơi khác, dốc cao cheo leo và nhiều đá. Vì thế người dân không thể mang phương tiện máy móc lên làm đất mà phải dàn hàng ngang trên sườn núi để bổ hốc, gieo hạt. Người đi trước bổ hốc, tốp đằng sau tra hạt, bón phân, rồi lại dùng cuốc phủ đất kín từng hốc một.

Với đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Yên, chuyện lên nương làm đất, rẫy cỏ chủ yếu là công việc của phụ nữ, còn đàn ông thì đi xuống huyện mua giống, phân bón về gieo trồng. Thời điểm này, tại các cửa hàng, đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện tấp nập người đến mua ngô giống. Vụ năm nay, nhiều giống ngô mới góp mặt cùng các loại giống đã khẳng định được thương hiệu càng giúp bà con có thêm nhiều lựa chọn. Trao đổi với anh Đinh Đức Hiệp, nhân viên bán hàng Chi nhánh Công ty CP Vật tư KTNN Bắc Yên, được biết: Các giống ngô lai vẫn được nông dân ưu tiên lựa chọn như A88, 9698, PAC999, 092, LVL99, B528, L10, DK 9955, DK 9901... Tùy vào điều kiện thực tế mỗi địa phương sẽ sử dụng các loại giống ngô hợp lý. Giá ngô giống năm nay cơ bản giữ ở mức ổn định. Mỗi năm, Chi nhánh cung ứng ra thị trường khoảng 40 tấn ngô giống và hơn 300 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên, năm nay lượng cung ứng hàng của Chi nhánh giảm rõ rệt vì giá ngô ngày càng thấp, cộng thêm nhiều cửa hàng, đại lý mới mở cạnh tranh, dự kiến đơn vị chúng tôi chỉ bán được khoảng 20 tấn ngô giống.

Mấy năm trước, ngô được mùa, lại được giá, nhiều hộ dân ở vùng cao Bắc Yên phấn khởi lắm, bán ngô có tiền mua xe máy, ti vi, đời sống khấm khá hẳn lên. Thế là bà con hồ hởi mở rộng thêm đất, gieo thêm ngô, nhưng từ 3 năm nay, ngô vẫn được mùa mà đi chợ chẳng thấy ai vui vì mất giá. Anh Mùa A Mang, bản Ọ B, xã Tạ Khoa cùng vài người đàn ông khác trong bản hôm nay cũng xuống huyện tìm mua ngô giống. Vẻ mặt bối rối, anh Mang chia sẻ: Năm nay nhiều giống mới quá, loại nào cũng được quảng cáo chất lượng tốt, năng suất cao nhưng không biết thế nào, có hợp với đất nương nhà mình không. Tôi hỏi thêm được biết: Nhà anh Mùa A Mang có hơn 3 ha đất nương, vụ trước, gia đình anh trồng khoảng 40kg ngô giống A88, đến khi thu hoạch được hơn 16 tấn, nhưng 1 tấn ngô mới bán được 4 triệu đồng, trừ hết chi phí giống, phân bón, anh lãi chưa đầy 20 triệu. Vì thế năm nay, gia đình anh Mang chỉ trồng 2 ha ngô, diện tích còn lại anh chuyển sang trồng cỏ để nuôi gia súc.

Theo kế hoạch, năm 2017, huyện Bắc Yên dự kiến trồng khoảng 9.400 ha ngô xuân hè. Đồng chí Thào A Mua, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã trên địa bàn vận động, hướng dẫn bà con làm đất, gieo trồng đúng khung thời vụ. Đồng thời, tổ chức khảo sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn, đánh giá chất lượng từng loại giống. Tuy nhiên, trước tình trạng ngô xuống giá thấp như hiện nay, huyện đang có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển đổi cây ngô sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Chiều muộn, trên những nương đồi vẫn còn phảng phất mùi khói đốt cỏ, dọn nương, các gia đình tạm dừng công việc, chuẩn bị về nhà, để sớm mai, họ lại tất bật trên nương, gieo những hạt ngô, gieo thêm niềm hy vọng về một vụ mùa ấm no.

Hoàng Giang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới