Lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống ở Bắc Yên

Sau hơn 5 tháng thành lập và đi vào hoạt động, Hợp tác xã Tiến Hưng, thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên) không chỉ tạo việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển KT-XH, mà còn góp phần lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao Bắc Yên.

 

Rượu đặc sản Hang Chú được bày bán tại gian hàng Việt ở Thị trấn Bắc Yên (Bắc Yên).

Sinh sống và lập nghiệp tại huyện Bắc Yên nhiều năm, được tiếp xúc và tìm hiểu về văn hóa của đồng bào dân tộc Mông, chị Nguyễn Thị Hồng Xuyến, Giám đốc HTX Tiến Hưng chuyên kinh doanh rượu Hang Chú, cho biết: Rượu Hang Chú là một trong những đặc sản có tiếng của huyện vùng cao Bắc Yên được nhiều người biết đến. Qua tìm hiểu về nguồn gốc, phương pháp nấu rượu truyền thống của đồng bào dân tộc Mông, được biết, điều đặc biệt của rượu Hang Chú là được nấu từ mầm thóc và men lá cây rừng nên rượu có mùi thơm nồng đặc trưng. Với mong muốn xây dựng thương hiệu đặc sản rượu Hang Chú, đồng thời, lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống, qua quá trình khảo sát và làm việc trực tiếp với xã Hang Chú, lúc đầu, tôi đã ký cam kết, liên kết thu mua rượu của 5 hộ chuyên nấu rượu truyền thống ở bản Pa Cư Sáng A, đưa về chế biến, đóng chai và sản xuất ra thị trường. Sản phẩm ra thị trường đã nhận được sự tin dùng của người tiêu dùng, cung không đủ cầu...

Do hương vị riêng biệt, đặc trưng nên sản phẩm rượu Hang Chú được thị trường đón nhận, không chỉ ở địa phương mà còn tiêu thụ ở một số tỉnh, thành lân cận. Sản phẩm rượu Hang Chú của HTX Tiến Hưng đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ, được lựa chọn, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt, sau khi được thu mua tại các hộ dân, rượu được trải qua quá trình khử andehit, lọc tạp chất, giúp chống ngộ độc, giảm mùi nồng sốc, uống không bị đau đầu. HTX đã được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển giao công nghệ lọc rượu, với giá trị 200 triệu đồng. Hệ thống dây chuyền lọc có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng, gồm 3 bộ lọc, lọc khử andehit, lọc tạp chất, giảm mùi nồng sốc của rượu, mỗi lần lọc tối đa 400 lít, thời gian từ 30-40 phút. Tại Hang Chú, đầu mối thu mua và tiếp nhận sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng qua nhật ký ghi chép. Tại điểm thu mua sản phẩm rượu Hang Chú được giao trực tiếp cho người dân địa phương có kinh nghiệm kiểm tra về chất lượng trước khi chuyển đi tiêu thụ. Khi các hộ chuyển rượu đến, nhân viên HTX tiếp tục kiểm tra chất lượng thêm lần nữa, nếu rượu không đảm bảo chất lượng sẽ trả lại. Vì vậy, các hộ dân đã có ý thức, trách nhiệm cao trong việc cung cấp thành phẩm cho HTX, từng bước nâng cao chất lượng thành phẩm. Ngoài ra, nhiều hộ đã chủ động học hỏi, từng bước khôi phục nghề truyền thống nấu rượu. Thời điểm mới thành lập, HTX ký cam kết liên kết thu mua rượu của 5 hộ, nay tăng lên 10 hộ. Sản phẩm rượu dần được nâng cao về cả số lượng và chất lượng. Bà Mùa Thị Máy, thị trấn Bắc Yên, cho biết: Tôi chịu trách nhiệm tiếp nhận, kiểm soát khâu cuối trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Rượu đạt chất lượng có đặc điểm là trong, vị đậm đà. Với những sản phẩm rượu đạt chất lượng, tôi đều ghi chép đầy đủ, có nhật ký ghi chép thời gian, số lượng. Rượu đã lọc khí được đưa vào ủ chum ít nhất từ 1 tháng trở lên mới đóng chai và bán ra thị trường. Cùng với tuyên truyền, quảng bá sản phẩm địa phương, HTX đã đăng ký tham gia các gian hàng, tuần hàng hội chợ để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng và giới thiệu sản phẩm ở các gian hàng Việt, tuyên truyền bằng tờ rơi, quảng bá sản phẩm trên bao bì sản phẩm. Ngoài ra, HTX đã liên kết với một số điểm dịch vụ ẩm thực để cung ứng sản phẩm trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh, thành lân cận như: Hà Nội, Hải Phòng... Rượu đặc sản Hang Chú được bán ra thị trường có giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/lít tùy thuộc vào nồng độ của rượu.

Nâng cao chất lượng, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm rượu đặc sản Hang Chú, HTX đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân vùng cao Hang Chú, nhất là các hộ ở bản Pa Cư Sáng A. Đây còn là động lực khuyến khích khôi phục và tiếp tục lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống ở Hang Chú, một nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông. Hiện HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Một trong những hộ liên kết cung ứng sản phẩm cho HTX, ông Giàng Khua Nếnh, bản Pa Cư Sáng A, cho biết: Trước đây, chưa liên kết cung ứng rượu cho HTX, tôi cũng thường nhận đơn đặt hàng qua điện thoại của thương lái rồi chuyển xe khách về huyện tiêu thụ, lượng tiêu thụ không ổn định, tùy thuộc vào từng thời điểm. Từ ngày liên kết cung ứng sản phẩm rượu cho các HTX, bà con ai cũng phấn khởi, rượu sản xuất ra bao nhiêu cũng được tiêu thụ hết. Từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm là mùa thu hoạch lúa, bình quân hằng tháng mỗi hộ sản xuất từ 60 đến 80 lít, với giá từ 25.000-30.000 đồng/ lít. Do yêu cầu rượu đảm bảo chất lượng cao, một số hộ chưa có nhiều kinh nghiệm đã chủ động học hỏi kinh nghiệm các hộ có truyền thống lâu năm. Hiện nay, nhiều hộ đã khôi phục và trở lại với nghề nấu rượu truyền thống.  

Việc thành lập HTX, liên kết thu mua rượu của các hộ dân đã tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhân dân địa phương. Đồng thời, khuyến khích khôi phục và tiếp tục lưu giữ nghề nấu rượu truyền thống ở Hang Chú. Hiện nay, cùng với việc thúc đẩy quảng bá sản phẩm, HTX sẽ từng bước thuyết phục các hộ nấu rượu tham gia là thành viên của HTX, cùng hưởng lợi ích chung và nâng cao trách nhiệm của các thành viên trong HTX.

Phan Trang
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới