Nằm cách quốc lộ 37 gần 20 km, Hua Nhàn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bắc Yên, xã có 17 bản, 740 hộ, với 4.279 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm tới 94,2%. Do điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trình độ canh tác của bà con còn nhiều hạn chế, đến hết năm 2017, Hua Nhàn vẫn còn 53,5% hộ nghèo.
Người dân xã Hua Nhàn chăn nuôi đại gia súc.
Với mục tiêu giảm nhanh số hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển hàng hóa, năm qua, cùng với thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Nhà nước, Hua Nhàn đã phát huy nội lực, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo quy mô trang trại, nuôi nhốt chuồng, bước đầu mang lại hiệu quả, đàn gia súc không còn bị chết rét, chết đói, mà tăng nhanh về số lượng, nhiều gia đình đã đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi từ 10-20 con trâu, bò, thu nhập từ 70-100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, năm 2017, Chương trình 30a đã hỗ trợ 30 con bò cái, 74 con dê và Dự án giảm nghèo hỗ trợ 11 con bò đực cho các hộ nghèo. Cùng với chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 58 của HĐND tỉnh, các bản đã trồng 12,5 ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc.
Chủ tịch UBND xã Vàng A Chu cho biết: Cùng với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn của huyện, xã đã đẩy mạnh vận động, hướng dẫn các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, chăm sóc, bảo vệ, phát triển tốt các mô hình chăn nuôi được Nhà nước hỗ trợ; chỉ đạo các trưởng bản tuyên truyền vận động bà con phát triển chăn nuôi đại gia súc hình thức nhốt chuồng, không thả rông, hướng dẫn bà con trồng cỏ, dự trữ rơm rạ, bảo đảm đủ nguồn thức ăn cho gia súc.
Đến thăm gia đình anh Vàng A La, một trong những hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi đại gia súc ở bản Khúm Khia, gia đình anh vừa bán một con trâu được 24 triệu đồng. Anh La chia sẻ: Mấy năm trước, gia đình anh thuộc hộ nghèo, nhưng từ khi chuyển sang chăn nuôi đại gia súc, hiện nay gia đình anh có 8 con trâu, 8 con bò, bình quân mỗi năm gia đình thu nhập khoảng 60 triệu đồng, gia đình đã thoát nghèo, trở thành hộ có kinh tế khá trong bản. Năm nay, anh đã đầu tư trồng 1ha cỏ voi để chủ động thức ăn cho đàn gia súc và làm 2 chuồng để chống rét cho trâu, bò.
Có thể nói, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó khai thác tốt lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Hua Nhàn bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, đến nay đàn trâu, bò của xã có gần 1.500 con và trên 1.600 con dê. Chủ tịch xã Vàng A Chu cho biết thêm: Đây là những điều kiện quan trọng để Hua Nhàn tiếp tục tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc biệt là chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc. Hiện nay, cùng với phát triển chăn nuôi đại gia súc, Hua Nhàn đang tập trung mở rộng diện tích cây sơn tra và đưa giống xoài, nhãn ghép vào cải tạo vườn tạp và trồng thay thế diện tích ngô, lúa nương kém hiệu quả.
A Trứ (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!