Hội LHPN Bắc Yên: Quan tâm đời sống phụ nữ vùng cao

Nhiều năm qua, không kể ngày hay đêm, không ngại đường xa... các cán bộ Hội LHPN huyện Bắc Yên vẫn luôn miệt mài phối hợp với các ngành mang tri thức về các bản vùng cao, vùng sâu và vùng xa, giúp chị em phụ nữ các dân tộc được học chữ, mở mang thêm nhiều kiến thức mới trong cuộc sống.

Trên 98% số trẻ em nữ xã Háng Đồng (Bắc Yên) được đi học.

 

Đồng chí Lường Thúy Vinh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bắc Yên cho biết: Trước đây, tỷ lệ mù chữ trong chị em phụ nữ người dân tộc, nhất là đội ngũ cán bộ phụ nữ vùng cao chiếm cao. Có những cán bộ cơ sở làm việc rất hiệu quả và năng động, nhất là trong công tác vận động quần chúng, nhưng khi cần xử lý tới các văn bản hay phải soạn thảo báo cáo là chị em lại gặp khó khăn. Với sự vào cuộc và quan tâm của huyện, đến nay tình trạng trên đã giảm đáng kể, cán bộ cơ sở là nữ đã được quan tâm tạo điều kiện để học tập và nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận.

Trước đây, cũng do không được đi học ngay từ nhỏ, lớn lên lấy chồng, không được trang bị những kiến thức cơ bản về sinh đẻ nên chị em phụ nữ rất ngại giao tiếp, tỷ lệ đẻ nhiều, đẻ dầy khá phổ biến. Nhiều chị là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị phân biệt đối xử không dám lên tiếng, dẫn tới vai trò của các chi hội ở cơ sở không được phát huy. Ngoài việc nhận thức hạn chế, chăm sóc con cái không chu đáo, chị em không có cơ hội tiếp cận với những cách làm mới, các phong trào điển hình về xóa đói giảm nghèo và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc.

Bây giờ, đến với các xã vùng cao huyện Bắc Yên có thể thấy rõ những đổi thay, nhất là việc đi học của trẻ em nữ; phụ nữ là người dân tộc tham gia các lớp xóa mù, công tác xã hội hay giữ những cương vị lãnh đạo từ huyện đến cơ sở không còn là chuyện hiếm. Cùng với việc cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cơ sở dành nhiều sự quan tâm đặc biệt tới phụ nữ dân tộc vùng khó khăn, vùng cao, trong đó có việc tạo điều kiện cho chị em xóa mù chữ, thì việc thay đổi nhận thức, suy nghĩ lạc hậu của các ông chồng cũng đã khác xưa. Đến các bản vùng sâu, xa sẽ thấy rõ hơn vai trò của người phụ nữ trong các lĩnh vực; nếu người vợ trong gia đình bận công tác xã hội hay ban đêm tham gia lớp học xóa mù chữ thì các công việc trong gia đình sẽ do người chồng đảm đương. Đồng chí Hờ A Dua, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú nói: Xã không còn tình trạng phụ nữ bị chồng ngược đãi hay không được tham gia các lớp học xóa mù chữ nếu người phụ nữ có nhu cầu. Vai trò của phụ nữ cũng không kém nam giới khi tham gia các cương vị lãnh đạo ở xã hay ở bản. Thực tế đã chứng minh vai trò của chị em phụ nữ vùng cao trong việc tuyên truyền vận động nhân dân không tái trồng cây thuốc phiện, không đẻ nhiều, không tảo hôn, không phá rừng hay tích cực tham gia xóa nghèo.

Điểm lại những kết quả đạt được trong giai đoạn 2011-2015, Hội LHPN huyện đã phối hợp với các ngành xóa mù chữ cho phụ nữ; tạo điều kiện cho hàng trăm phụ nữ được phổ cập giáo dục tiểu học và THCS. Trong đó, Hội đã mở được 13 lớp xóa mù chữ cho gần 300 hội viên phụ nữ. Dự kiến trong năm 2016 sẽ mở tiếp 15 lớp xóa mù chữ cho 251 hội viên phụ nữ. Những kết quả đó càng được khẳng định rõ hơn khi trong phong trào xóa mù chữ, nhiều chị em trong huyện còn chủ động đi tìm thầy để học chữ, như 24 hội viên phụ nữ chi hội bản Sập Việt, xã Tạ Khoa đã tự nguyện đến nhà cô giáo Lò Thị Khánh để học chữ. Học chữ, đã giúp hội viên phụ nữ tiếp nhận được nhiều điều bổ ích, thêm những kiến thức cần thiết, nâng cao chất lượng cuộc sống, tích cực tham gia công tác xã hội, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra. 

Ngọc Tuấn
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới