Vô tình “lướt facebook”, tôi như bị hút hồn bởi vẻ đẹp của hồ sen ở xã Hua Nhàn (Bắc Yên), điều khiến tôi bất ngờ nhất, là giữa rừng núi lại có một hồ sen thơ mộng, hoa nở rộ. Tôi chợt nghĩ, nếu những “tín đồ” đam mê khám phá hay chuyên selfie (tự chụp ảnh) biết, chắc sẽ không thể bỏ qua nơi này.
Một góc hồ sen tự nhiên tại bản Sồng Pét, xã Hua Nhàn (Bắc Yên).
Đúng hẹn cuối tuần, nhóm chúng tôi cùng nhau tìm đến hồ sen trên núi để khám phá. Chúng tôi lựa chọn di chuyển bằng xe máy, bởi hiện nay chỉ phương tiện này mới có thể đến tận nơi. Xuất phát từ thành phố Sơn La gần 60 km, đến đèo Chẹn, thuộc địa phận xã Hua Nhàn, tiếp tục rẽ phải khoảng 10 km là đến hồ sen. Đường vào khá khó khăn, chiếc xe máy ì ạch leo lên dốc, thận trọng qua những đoạn đường lầy lội bùn đất, tránh sống trâu, ổ voi, gập ghềnh sỏi đá. Khó khăn nhất là đoạn từ chân núi bản Sồng Pét, hơn 1 km đường đất dốc, xuyên qua đồi ngô dẫn lên đỉnh núi, nơi có hồ sen. Cảnh đẹp thơ mộng bầu không khí trong lành, yên bình nơi đây xóa tan bao mệt mỏi khi phải vừa vượt qua quãng đường dài. Hồ sen rộng được bao bọc bởi rừng cây, cách khu dân cư bản Sồng Pét 1,5 km.
Dạo quanh một vòng hồ, chúng tôi gặp vài nhóm du khách ngồi truyện trò, ngắm hoa trên bãi cỏ xanh mướt. Bất chợt, tiếng khèn lá do mấy bạn trẻ dân tộc Mông thổi thu hút sự chú ý của mọi du khách đang có mặt tại đây. Ngay cạnh hồ sen có bãi đất khá rộng, có thể tổ chức cắm trại và các trò chơi tập thể, xung quanh là rừng cây với những nhánh phong lan ngụ trên thân mốc meo, xám trắng; ven hồ là cây thân mềm hình xương cá “bò” dưới nước như san hô. Trong hồ, những bông sen khoe sắc hồng nổi bật giữa nền xanh của lá đang rung rinh trước gió. Màu hồng tím của nụ hoa, hồng nhạt của cánh hoa, sắc vàng của nhụy hoa, hương tỏa thơm ngát thu hút lũ ong, bướm đến lấy mật. Vì mọc giữa núi rừng, dưới thời tiết khắc nghiệt của vùng cao Bắc Yên, hoa và lá sen ở đây không mập, to như sen ở đồng bằng nhưng toát lên vẻ đẹp hoang sơ hiếm có. Sau mỗi trận mưa, nước trong hồ tích tụ thêm, với sức sống mãnh liệt, bông sen vươn thân mình khỏi mặt nước, đón ánh nắng mặt trời mà khoe sắc. Trò chuyện với chúng tôi, du khách Mùa Thị Nga, xã Tà Hộc (Mai Sơn) chia sẻ: Nhóm chúng tôi có 6 người, được bạn bè giới thiệu và tò mò muốn biết về hồ sen trên núi. Chúng tôi đã có trải nghiệm thú vị khi đến đây tham quan.
Chúng tôi hỏi những người già ở bản Sồng Pét về hồ sen, họ đều không biết ai đã ươm giống sen ở hồ từ bao giờ, khoảng 4 năm nay có nhiều du khách biết và tìm đến. Hồ sen có 2 tên gọi: Pu Nả Cang, Pù Dùa Pàng gắn với câu chuyện: Từ lâu, có một người đàn bà mồ côi sống trên núi có hồ nước này. Sau khi người đàn bà chết, đồng bào dân tộc Mông đặt tên cho hồ là “Pù Dùa Pàng”, (tiếng địa phương dịch ra là bà mồ côi), nhưng cái tên phổ biến nhất vẫn là hồ sen trên đỉnh núi. Khá ngạc nhiên bởi trong xã có vài hồ nước trên núi nhưng duy nhất hồ này có hoa sen khiến nơi đây có gì đó bí ẩn. Từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, hoa sen trong hồ nở, trẻ con đi chăn trâu thường hái chơi, người dân đi làm nương qua thường dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn.
Ông Thào A Sáy, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Khuôn viên hồ rộng 1 ha, trong đó diện tích mặt hồ sen khoảng 6.000 m². Hoa sen nở rộ và đẹp nhất vào tháng 7 đến giữa tháng 8 và thời điểm này nhiều du khách đến tham quan. Trước đây, chỉ có vài bông hoa, qua nhiều năm, hoa phát triển mạnh, lan rộng khắp hồ, tạo cảnh đẹp tự nhiên. Nhận thấy tiềm năng phát triển du lịch và gìn giữ cảnh đẹp của địa phương, xã đã giao cho Ban quản lý bản Sồng Pét quản lý, bảo vệ. Du khách đến tham quan, chụp ảnh không mất phí nhưng tuyệt đối không được hái hoa, gây mất cảnh quan sinh thái nơi đây.
Còn anh Thào A Chờ, Bí thư Chi đoàn bản Sồng Pết chia sẻ: Năm 2015, Ban quản lý bản đã đầu tư 7 triệu đồng mua dây thép gai để rào xung quanh hồ, tránh trâu, bò vào phá. Đồng thời, tuyên truyền vận động nhân dân không bẻ hoa, phá cây, gìn giữ môi trường sinh thái cho hồ sen. Các đoàn viên thanh niên trong bản nhiệt tình tham gia bảo vệ, quản lý, phát quang cỏ dại, dọn dẹp xung quanh, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp.
Cảnh đẹp trên núi khiến mỗi người đến đây không khỏi trầm trồ nhưng nỗi lo quãng đường khó khăn lúc trở xuống mất nhiều thời gian, khiến chúng tôi phải rời hồ sen lúc mặt trời chưa tắt nắng, kết thúc chuyến trải nghiệm thú vị. Giá như đường sá đi lại dễ dàng sẽ có nhiều thời gian lưu lại ngắm hồ sen lâu hơn, hoặc khu vực gần đó có dịch vụ du lịch cộng đồng, được ngủ lại, thưởng thức những món ăn dân tộc, rồi sáng thức giấc ở một nơi không khí trong lành của núi rừng, ngắm hồ sen thơ mộng thì thật tuyệt! Khi đó, chắc chắn hồ sen trên núi sẽ trở thành điểm hấp dẫn rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!