“Trước đây, đường đi lại khó khăn, trời nắng thì bụi bặm, trời mưa trơn trượt, nhiều đoạn cua, 2 xe máy tránh nhau hay xảy ra va chạm, nhất là các cháu nhỏ đi bộ đi học thường hay ngã, nông sản làm ra thương nhân không muốn vào bản thu mua vì đường khó, hoặc có đến bản thì ép giá... Từ ngày bản có đường bê tông đường đi dễ dàng, sạch sẽ cả 4 mùa, thấy phấn khởi lắm”. Đó là lời tâm sự của bà Hờ Thị Dua, bản Hang Chú, xã Hang Chú (Bắc Yên).
Tuyến đường nội bản Hang Chú, xã Hang Chú được bê tông hóa.
Là xã vùng 3, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi. Hơn nữa, xã cách trung tâm huyện hơn 50 km, khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu. Hiện, xã có 654 hộ với hơn 3.400 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông, tỷ lệ hộ nghèo trên 45%. Thế nhưng, ngay khi phát động, nhân dân nơi đây rất hưởng ứng việc làm đường giao thông nông thôn, một tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân đã góp tiền, công lao động và hiến đất ruộng, vườn, cây cối. Đồng chí Hờ A Dua, Bí thư đảng ủy xã, cho biết: Thực hiện Nghị quyết 115, trong năm 2017, xã Hang Chú đã bê tông hóa 4 tuyến đường nội bản, tổng chiều dài gần 2 km, với tổng kinh phí trên 1,4 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 900 triệu đồng, Nhà nước hỗ trợ trên 500 triệu đồng. Trong thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí giao thông rất quan trọng, bởi đường giao thông thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông khang trang, sạch sẽ của bản Hang Chú, Trưởng bản Mùa A Lau chia sẻ với chúng tôi về cách thức thực hiện Nghị quyết 115. Bằng cách tuyên truyền, vận động qua các cuộc họp bản, lồng ghép vào các công việc chung của xã, bản. Việc thống nhất thi công, kinh phí thuê xe chở vật liệu, số nhân khẩu tham gia đổ bê tông tuyến đường đều được công khai, minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Cán bộ địa chính xã trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật đổ bê tông, giám sát tiến độ thực hiện. Anh Mùa A Lau cho biết: Hằng năm, bản được Nhà nước chi trả kinh phí từ thực hiện tốt công tác quản lý rừng, phòng chống ma túy. Ban Quản lý bản đã họp bản thống nhất sử dụng 400 triệu đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và 120 triệu tiền thủy điện Nậm Chim 1 đền bù, huy động nhân dân đóng góp gần 200 ngày công lao động, tự nguyện hiến đất để làm đường giao thông. Năm 2017, cả bản bê tông hóa 1,3 km đường giao thông nông thôn, thấy rõ được lợi ích thiết thực và lâu dài nên việc vận động không gặp khó khăn. Hằng tháng, bản phân công các hộ, các nhóm liên gia tự quản quét dọn, vệ sinh. Thời gian tới, bản sẽ tiếp tục vận động nhân dân bê tông 700 m đường ngõ xóm.
Chia tay Hang Chú, chia tay những con đường bê tông dẫn vào bản, hai bên đường, hàng đào phai rung rinh trước gió, tôi cảm nhận sự quyết tâm thay đổi của cấp ủy, chính quyền và bà con nơi đây. Tin rằng, một ngày không xa, khi chúng tôi trở lại mảnh đất vùng cao này, sẽ tiếp tục được chứng kiến diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!