Giữ gìn trang phục truyền thống dân tộc Dao đỏ ở Phiêng Côn

Chúng tôi đến thăm xã Phiêng Côn (Bắc Yên) vào dịp bà con vừa thu hoạch xong vụ mía. Phiêng Côn có 60% là đồng bào dân tộc Dao đỏ, thời gian này, các chị, các cô tranh thủ thời gian rảnh rỗi hoàn thành những bộ trang phục truyền thống, từng đường kim, mũi chỉ với những họa tiết tinh tế dần hiện ra trên nền vải bởi bàn tay khéo léo của họ.

Nhân dân bản En, xã Phiêng Côn thêu thủ công trang phục truyền thống.

 

Chúng tôi đến bản En để tìm hiểu về nét độc đáo trong trang phục của phụ nữ dân tộc Dao đỏ. Được biết, trước đây bà con trồng bông, chàm để dệt, nhuộm vải may quần áo, khăn. Bông sau khi thu hoạch được tách hạt, se sợi, dệt thành vải; chàm được ngâm 3 ngày, bỏ bã, giữ lại nước chàm, tiếp đó cho vôi vào ủ đến khi phía trên nước trong nổi lên, vôi và chàm lắng xuống dưới, đặc dẻo. Người ta đem để khô rồi ủ với nước tro bếp khoảng 10 đến 15 ngày, đến khi ngửi thấy mùi thơm của chàm. Lấy bộ trang phục truyền thống từ trong tủ ra cho chúng tôi xem, bà Đinh Thị Sòng chia sẻ: Trước đây việc dệt, nhuộm vải khá cầu kỳ đòi hỏi sự kiên trì và kinh nghiệm. Mảnh vải đã dệt, cắt, may thành những chiếc áo dài, muốn bền màu mang luộc cho sợi vải mềm, sau đó đem nhuộm chàm khoảng 30 phút rồi phơi nắng cho khô rồi tiếp tục nhuộm chàm, lặp lại như vậy khoảng 7 đến 10 ngày. Công đoạn từ dệt vải đến nhuộm chàm kéo dài hơn 1 tháng. Ngày nay, trong bản còn rất ít người tự dệt lấy mà hầu như là dùng vải mua rồi mang về thêu hoa văn trang trí. Kỹ thuật thêu, hoa văn, họa tiết trên trang phục vẫn giữ được nét truyền thống bởi các thế hệ con cháu, ngay từ khi còn nhỏ đều được các bà, các mẹ truyền dạy may vá, thêu thùa.

Được biết, một bộ trang phục của phụ nữ đồng bào dân tộc Dao đỏ gồm: áo dài, yếm, quần, khăn đội đầu. Áo dài và khăn có màu chàm hoặc màu đen, được thêu trang trí bằng chỉ đỏ, trắng, hồng, tím sặc sỡ, nổi bật. Cổ áo được khâu nẹp viền. Riêng phần tay áo, giữa khuỷu tay, gấu áo được thêu những hoa văn tượng trưng cho những hình ảnh quen thuộc trong đời sống như: Nhà sàn, cây cỏ, hoa lá, chim, thú...  được sắp xếp tinh tế, hài hòa, tỷ mỷ. Bên trong chiếc áo dài là yếm trắng che kín phần ngực và bụng, yếm có những đường thêu bằng chỉ đỏ họa tiết thổ cẩm đối xứng, bên cạnh đính dải vải nhỏ để làm dây buộc phía sau cổ. Không thể thiếu trong bộ trang phục của người phụ nữ là khăn quấn đầu. Khăn hình chữ nhật, ngoài các đường chỉ thêu màu đỏ, vàng, 2 đầu khăn được gắn thêm những mảnh kim loại hình tròn nhỏ, viền trang trí bằng những sợi len đỏ tua rua xung quanh làm tăng thêm vẻ đẹp, độc đáo của chiếc khăn. Quần màu đen đơn giản, tạo thuận lợi trong di chuyển. Trang phục truyền thống được đồng bào dân tộc Dao sử dụng trong cuộc sống hằng ngày, trong lao động sản xuất bởi qua trang phục thể hiện bản sắc dân tộc, linh hồn, cốt cách của họ. Đặc biệt, trong các dịp lễ, tết, đám cưới đồng bào Dao đỏ mặc những bộ trang phục truyền thống mới; đeo đồ trang sức bằng bạc như vòng cổ, vòng tay, hoa tai, càng thêm nổi bật cho trang phục.

Ông Lò Văn Pý, Phó Chủ tịch UBND xã thông tin: Xã có 481 hộ với 2.195 nhân khẩu, 60% là dân tộc Dao. Để giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Dao, cấp ủy, chính quyền đã tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá nét đẹp, giá trị văn hóa, lịch sử của bộ trang phục truyền thống, nhất là hội viên phụ nữ, những người tiếp nối các giá trị văn hóa đích thực của cộng đồng, gia đình, dòng họ. Ngoài ra, xã đang thành lập một đội diễn viên quần chúng với 35 người, thời gian tới Trung tâm Văn hóa tỉnh sẽ cử nghệ nhân xuống giúp tập văn nghệ tại xã để bảo tồn những làn điệu dân ca, múa.

Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, việc giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống nói chung, bản sắc của dân tộc Dao nói riêng hết sức cần thiết, có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH mạnh mẽ và vững chắc. Tin tưởng rằng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhất định cái “hồn” trong trang phục truyền thống cũng như nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc Dao sẽ được bảo tồn và được giới thiệu trên phạm vi rộng khắp.

Thu Thảo(CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới