Vừa qua, chúng tôi có dịp về bản Cang, xã Phiêng Ban (Bắc Yên). Đi trên con đường bê tông sạch đẹp vào bản, nhiều ngôi nhà khang trang, san sát nhau, đằng xa cánh đồng lúa xanh ngát, cảm nhận được diện mạo nông thôn mới đang hiện hữu nơi đây.
Tuyến đường nông thôn tại bản Cang, xã Phiêng Ban (Bắc Yên) được bê tông hóa.
Ông Lường Xuân Lón, Bí thư Chi bộ bản phấn khởi khoe: Bản có 94 hộ với 450 nhân khẩu, 100% dân tộc Thái sinh sống. Khi phát động phong trào xây dựng nông thôn mới, nhất là làm đường giao thông nông thôn, bà con còn e dè, chưa mạnh dạn. Nhưng sau một thời gian ngắn triển khai, nhận thấy trách nhiệm cũng như lợi ích của mình, bà con đã nhiệt tình hưởng ứng, góp sức, đồng lòng. Nhờ vậy, diện mạo của bản đã có nhiều đổi thay rõ rệt.
Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm” từ năm 2016 đến nay, cả bản có 40 tuyến đường nội bản được bê tông, với tổng chiều dài 6 km, trong đó Nhà nước hỗ trợ 300 tấn xi măng, nhân dân hiến đát, góp tiền, công lao động trị giá hơn 2 tỷ đồng. Hiện, tỷ lệ cứng hóa các tuyến đường giao thông đạt 100%, nhân dân đi lại dễ dàng, thuận tiện. Để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của nhân dân, Ban quản lý bản, các tổ chức đoàn thể đã vận động bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay thế cây ngô bằng cây có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, vận động bà con trồng cỏ, chuối, kết hợp với chăn nuôi gia súc. Cả bản có 14 ha lúa canh tác 2 vụ/năm; 4 ha nhãn, xoài; 8 ha xoan; 100 ha sắn; 15 ha chuối; trung bình mỗi gia đình trồng 1.000 m² cỏ voi cung cấp thức ăn cho đàn gia súc hơn 400 con trâu, bò, 100 con dê. Các hộ thi đua nhau phát triển sản xuất, cả bản chỉ còn 4 hộ nghèo. 100% các hộ xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia súc tách riêng khu nhà ở, hệ thống nhà tắm, bể nước, hố tiêu hợp vệ sinh, góp phần thực hiện tiêu chí môi trường. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được thực hiện hiệu quả. Việc hiếu, việc hỷ được bà con tổ chức tiết kiệm, theo nếp sống mới, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc. Phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao thu hút đông đảo bà con tham gia, cả bản hiện có 74/94 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Khác với cảnh nông thôn trước đây, khi mặt trời lặn các ngõ xóm tối tăm, nay điện thắp sáng, việc đi lại vào buổi tối dễ dàng hơn. Bản Cang được thực hiện mô hình thắp sáng bóng điện do Hội Cựu chiến binh xã cùng với dân quân tự vệ, tổ an ninh, đại diện 8 nhóm liên gia tự quản của bản vận động các hộ đầu tư dây điện, cột treo bóng, sử dụng bóng tiết kiệm điện thắp điện ngoài cổng ngõ của gia đình mình.
Ông Lò Văn Uân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Phiêng Ban chia sẻ: Mô hình được triển khai từ tháng 4/2017, khi mới vận động tưởng sẽ gặp khó khăn, nhưng ngược lại, các hộ đồng tình cao. Đến nay, mô hình đã có hiệu quả, tạo thuận tiện cho việc đi lại của nhân dân, công tác an ninh trật tự được nâng cao, tình trạng trộm, cắp giảm đáng kể so với trước đây, trong bản không có trường hợp nào liên quan đến ma túy, tình hình an ninh trật tự được giữ vững, nhân dân yên tâm lao động, xây dựng đời sống văn hóa. Còn ông Hoàng Văn Uân, bản Cang tâm sự: Được tuyên truyền, vận động, gia đình nhận thấy đó là việc nên làm, hữu ích nên đã lắp bóng điện ngay trước nhà. Mùa đông thường tối sớm hơn, nên gia đình bật điện lúc 17 giờ 30 phút, mùa hè bật lúc 19 giờ đến 22 giờ thì tắt.
Với sự quan tâm của các cấp, các ngành và nỗ lực, đoàn kết toàn bản, nhất là sự thay đổi nhận thức, tư duy, tích cực của nhân dân, bản Cang ngày càng thay da, nhiều năm đạt danh hiệu bản văn hóa, trở thành điểm sáng trong phong trào xây dựng nông mới ở Phiêng Ban.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!