Phiêng Côn là một trong những xã khó khăn ở huyện vùng cao Bắc Yên. Con đường đến trường học “cái chữ” của con em đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông còn nhiều khó khăn. Nhưng điều đặc biệt ở vùng núi này là dù còn thiếu thốn, cái chữ vẫn bám chắc vào đời sống dân cư, con trẻ vẫn hằng ngày vẫn chuyên cần đến trường để học chữ...
Học sinh Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Côn chăm sóc vườn rau xanh.
Đầu tháng 5, chúng tôi có chuyến công tác về xã Phiêng Côn. Trên con đường đất gập ghềnh đang được thi công từ UBND xã Chiềng Sại đến trung tâm xã Phiêng Côn, chúng tôi gặp anh Mùa A Só (nhà ở bản Suối Trắng) đang chở 2 cháu nhỏ khoảng 10 tuổi đi cùng chiều. Bắt chuyện làm quen, anh thật thà kể: Con nhà mình học ở Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Côn. Do nhà ở xa trường hơn 10 cây số nên cứ 2 tuần thì 1 lần, mình lại đón cháu về nhà nghỉ cuối tuần, rồi lại đưa cháu về trung tâm xã để học. Trước kia, nhà chưa có xe máy, các cháu phải đi bộ mất nửa ngày mới đến được trường. Dọc đường có gì mang theo thì ăn, khi thì ít ngô đùm, lúc thì cơm nắm hay củ sắn... Nhà nghèo, thấy con đi học vất vả, mình thương lắm nhưng vẫn động viên các cháu đến lớp, vì mình biết phải đi học, phải biết chữ thì cuộc sống mới đỡ khổ.
Đem những chia sẻ của anh Mùa A Só đến gặp thầy giáo Lý Văn Phú, Phó Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Côn, thầy Phú phấn khởi cho biết: Trên địa bàn xã có 2 dân tộc chính là Mông và Dao. Mấy năm nay, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền xã và nhà trường trong việc tuyên truyền, vận động người dân đưa con em đến lớp nên không còn nỗi lo về duy trì sỹ số, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến trường. Hầu hết học sinh theo học ở đây đều ngoan và chịu khó học hành. Học sinh đồng bào dân tộc Mông có tỷ lệ đến lớp thường xuyên đạt trên 96%. Tuy gia đình các cháu vẫn còn khó khăn, cái ăn, cái mặc còn nhiều thiếu thốn nhưng ít thấy trường hợp học sinh bỏ học giữa chừng, không còn chuyện thầy cô phải đến từng nhà vận động các em đi học. Tìm hiểu thêm được biết, Trường PTDT bán trú THCS Phiêng Côn hiện có trên 420 học sinh, trong đó, 104 học sinh bán trú. Từ năm 2013 đến nay, được sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, nhà trường đã từng bước được xây dựng kiên cố, khang trang. Hiện nay, Trường có 10 phòng học, 6 phòng ở bán trú (mỗi phòng có từ 10-12 giường) đáp ứng nhu cầu ăn ở, sinh hoạt và học tập của học sinh tại trường.
Chúng tôi gặp anh Vàng A Hờ, một phụ huynh nhà ở bản Trá vừa đưa con trở lại trường học sau hai ngày nghỉ cuối tuần. Con gái anh hiện đang học lớp 6, đến trường được ăn, ở nội trú cùng các bạn. Mỗi tháng, cháu còn được Nhà nước trợ cấp gần 500.000 đồng tiền ăn và 15 kg gạo. Anh Hờ, chia sẻ: Trẻ em ở bản mình đi học hết, không có cháu nào bỏ học lên nương như trước đây nữa đâu. Không đi học thì làm sao có cuộc sống ấm no được, thầy cô giáo và cán bộ đều nói với dân bản như thế. Trước kia, đồng bào người Mông ở Phiêng Côn hiếm nhà có người biết tính toán chi tiêu, nói gì đến việc chăm lo cho con học hành. Chính vì vậy, việc con em đồng bào phải bỏ học giữa chừng để lên nương hay trông em, chăn trâu bò hoặc phụ giúp việc nhà cho người lớn đi làm nương là chuyện tự nhiên như bao đời vẫn vậy. Nhưng bây giờ, cuộc sống được nâng lên. Địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động; Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao đi học nên nhà nào cũng cho con trẻ đến trường.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình, chính sách cho học sinh vùng cao, điều đáng mừng nhất ở Phiêng Côn bây giờ là nhận thức của đồng bào nơi đây đã được nâng lên rõ rệt, trẻ em chăm chỉ tới trường. Có thể thấy, con chữ đã từng bước “bám trụ” phát triển trên các bản cao Phiêng Côn, đem tri thức, kiến thức cho đồng bào nơi đây xây dựng cuộc sống ngày càng khấm khá.
Hoàng Giang
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!