Cần ngăn chặn nạn săn chim di cư

Hằng năm, vào dịp cuối tháng 8 đến hết tháng 10, khu vực giáp ranh giữa xã Xím Vàng, Hang Chú của huyện Bắc Yên và xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) xuất hiện một số loài chim di cư; người dân địa phương đã săn bắt, mang đi bán công khai.

“Thợ săn” chờ đợi chim sa lưới.

Hành trình theo dấu chân “thợ săn” chim di cư bắt đầu từ trung tâm xã Xím Vàng, theo quốc lộ 112 chừng 7 km, đến ngã 3, rẽ phải hướng đi huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Đường đi khó khăn, quãng đường dài 15 km nhưng mất hơn 1 giờ đồng hồ để đến nơi. Trên đường, chúng tôi gặp “thợ săn” đi cùng chiều, mang theo “đồ nghề” như: Vợt, bao tải và trên đầu mỗi người đeo chiếc đèn pin, hỗ trợ đèn xe máy soi đường. Vững tay lái bám theo đoàn người, tuy nhiên không quen đường nên chúng tôi bị tụt lại phía sau. Đoán hướng đi của các “thợ săn” bằng ánh đèn le lói giữa màn đêm, chúng tôi lần theo gần đến nơi, quan sát thấy gần 20 chiếc xe máy dựng 2 bên đường. Qua suối, đi bộ chừng hơn 1 km, nhìn từ xa, phía trên đỉnh núi xuất hiện nhiều ánh đèn lấp lánh. Men theo con đường mòn, chúng tôi đến bãi săn. Không gian yên tĩnh của núi rừng bị phá vỡ bởi tiếng nói chuyện của những “thợ săn” và tiếng chim kêu khi sa lưới. Cách bắt chim khá đơn giản, các “thợ săn” dùng chiếc đèn tự chế ánh sáng trắng, đấu nối với ác - quy 12V, gắn vào cọc dài khoảng 80 cm để thu hút chim di cư, những con chim thấy đèn sáng sẽ bay thấp xuống, sau đó “thợ săn” dùng cây vợt dài khoảng 2 m để bắt. Những con chim xấu số khi bị bắt, thậm chí bị “thợ săn” đập đầu cho đến chết hoặc làm yếu đi cho vào bao tải. Chim chủ yếu gồm 2 loại: Cò trắng và bìm bịp. Hôm đó, trời quang mây và khá nhiều sao, nên khu vực đỉnh đồi chim thường bay cao, thấy không khả quan, nhiều “thợ săn” đã tìm đường xuống phía dưới để dễ săn bắt. Thận trọng bám theo từng bước, đường dốc đứng, trơn trượt, chúng tôi sử dụng đèn pin điện thoại để soi đường. Khu vực bên dưới tập trung nhiều “thợ săn” thuộc địa phận thôn Tà Chử, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Trao đổi với chúng tôi, ông Mùa A.T, bản Háng Tâu, xã Xím Vàng, tiết lộ: Thời gian săn chim kéo dài khoảng 10 ngày, từ ngày 25 âm lịch đến mùng 5 âm lịch tháng sau. Theo kinh nghiệm của người dân ở đây, thời điểm săn được nhiều chim là trời âm u, nhiều sương mù, đặc biệt là hôm không có trăng. Ngày nào nhiều chim, chúng tôi đi bắt từ 18 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.

Vì là ngày cuối tuần nên số lượng người đi săn khá đông, không chỉ có người lớn mà trẻ em cũng tham gia. Vì ở cả đêm để săn bắt, nên người dân địa phương mang theo cơm để ăn, trời lạnh họ đốt lửa sưởi ấm và dựng lán ngủ tạm ngay gần bãi săn. Người dân thường đi theo nhóm 4 - 5 người, chia khu vực để săn bắt. Anh Giàng A.T, bản Hang Chú, xã Hang Chú, một người săn có kinh nghiệm, thật thà: Từ nhà cách bãi săn gần 30 km nên chúng tôi bắt đầu xuất phát lúc 15 giờ. Nhóm chúng tôi thường đi săn 5 người. Do không về được trong đêm nên chúng tôi mang theo cơm để ăn, thức thâu đêm đến sáng hôm sau mới về. Thời điểm chim về nhiều nhất, một đêm chúng tôi bắt được khoảng hơn 100 con chim các loại, bán cho người qua đường hoặc bán cho các quán ăn được 1,5 triệu đồng, chia đều cho các thành viên.

Hành trình của các “thợ săn” diễn ra thâu đêm, nhìn từ ngọn đồi này sang ngọn núi kia vẫn thấy những ánh đèn pin lóe sáng. Về khuya, tiếng chim kêu khi sa lưới ngày một nhiều... Tốp người chúng tôi bám theo đã bắt được vài chục con. Sáng ra, bãi săn đầy lông chim trắng trên nền đất. Càng thấy rõ, ở khu vực đêm qua săn bắt chim, cây rừng đều bị chặt để có không gian săn bắt, không bị vướng và chúng tôi chẳng thấy bóng dáng con cò nào bay lượn ở khu vực này cả, khác hẳn với cảnh tượng đêm qua.

Các loại chim hoang dã bị “thợ săn” bắt được.

Chúng tôi đi tìm các già bản của xã Xím Vàng tìm hiểu về chim di cư qua khu vực này. Họ đều không biết. Chỉ biết rằng, trước đây, không hề thấy giống cò này, những năm gần đây mới phát hiện ra chúng. Người dân đi qua khu vực này vào ban đêm cứ thấy con chim lao đầu vào đèn xe máy liền mang về chế biến thành món ăn. Qua một thời gian, người dân theo dõi thời gian, tập quán, lộ trình di cư của chúng mà săn bắt. Với quan niệm “chim trời, cá nước” ai cũng có thể đánh bắt tùy theo ý thích, có người bắt chim để làm mồi nhậu, cũng có người xem đó là công việc mưu sinh, hoặc có thể là vì tò mò mà đến bãi săn. Các loại chim trời sau khi người dân bắt được đều bán công khai dọc đường, chợ huyện, xã, các quán ăn với giá dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/con. Người bán được tiền, người mua được món khoái khẩu, không ai bận tâm nghĩ về nguy cơ biến mất của các loài chim.

Cho dù với mục đích gì, chính việc làm thiếu ý thức săn bẫy chim một cách tràn lan như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ làm tuyệt chủng nhiều loài chim, mất cân bằng sinh thái, dẫn đến những hậu quả khôn lường đối với chính người nông dân như nạn sâu bọ, châu chấu... Đồng thời, ảnh hưởng xấu đến ý thức bảo vệ môi trường, tình yêu thiên nhiên của cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Trước thực trạng trên, đề nghị chính quyền, cơ quan chức năng địa phương sớm vào cuộc, có biện pháp ngăn chặn tình trạng buôn bán, săn bắt, tận diệt chim trời. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ các đàn chim tự nhiên di cư, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên.

Thu Thảo (CTV)

BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới