Bắc Yên là một huyện vùng cao nhưng lại có tới 5 xã vùng dọc sông Đà. Do vậy, việc kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trên tuyến sông, nhất là việc phòng, chống hàng giả gặp không ít khó khăn. Đội Quản lý thị trường số 9 Bắc Yên đã khắc phục khó khăn, phối hợp với các đơn vị, các ngành chức năng cùng vào cuộc tăng cường công tác phòng, chống hàng giả, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Đội quản lý thị trường số 9 kiểm tra xuất xứ hàng hóa của hộ kinh doanh tại bản Song Pe, xã Song Pe (Bắc Yên).
Qua tìm hiểu được biết: Trước đây, tình trạng bày bán, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên tuyến sông Đà của Bắc Yên diễn ra khá phức tạp, ảnh hưởng tới lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, các mặt hàng được làm giả rất đa dạng từ hàng tiêu dùng thông dụng như: Quần áo, dày dép, nước uống đóng chai, bột ngọt cho đến các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... Cũng bởi trình độ dân trí của đồng bào còn hạn chế, gặp khó khăn trong việc phân biệt hàng giả, hàng thật. Do vậy, các đối tượng buôn bán hàng giả đưa hàng giả, hàng kém chất lượng vào bán vùng dọc sông. Ông Nguyễn Văn Ngoãn, Kiểm sát viên, Đội Quản lý thị trường số 9 Bắc Yên, cho biết: Việc kiểm tra, kiểm soát trên tuyến sông gặp rất nhiều khó khăn bởi việc đi lại chủ yếu phải bằng thuyền. Trong khi mỗi chuyến đi nếu phải thuê thuyền để tiếp cận các địa bàn xã vùng dọc sông Đà rất tốn kém. Nếu đi thuyền khách thì không cơ động, không chủ động được thời gian và kế hoạch kiểm tra các khu vực buôn bán. Do vậy, đa phần phải dùng xe máy rồi thuê thuyền đến từng địa bàn ăn ngủ tại đó để kiểm tra, kiểm soát hàng hóa. Có những đợt đi phải mất mấy tuần, thậm chí gần tháng để kiểm tra, kiểm soát được địa bàn. Để khắc phục khó khăn đó, đội đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể kiểm tra, kiểm soát hằng tháng, trong đó tập trung lực lượng kiểm soát, kiểm tra hàng hóa vào phiên chợ trên sông diễn ra vào ngày mồng 2 hằng tháng; tổ chức ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng không đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với những địa bàn khó khăn về đi lại, đội cử cán bộ thay phiên nhau nằm vùng ở đó và giao nhiệm vụ vừa kiểm tra, kiểm soát hàng hóa ra vào, vừa đảm nhận vai trò tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân vùng dọc sông những kiến thức cơ bản trong việc phân biệt hàng giả, hàng kém chất lượng và những chế tài xử lý của pháp luật đối với những hành vi buôn, bán hàng giả, qua đó, đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong những năm gần đây, tình trạng buôn bán hàng giả, kém chất lượng tại các xã dọc sông Đà ở Bắc Yên đã giảm đáng kể, nhân dân trong vùng đã nhận thức rõ được tác hại của việc sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, tình hình kinh doanh trên địa bàn huyện nói chung, các xã dọc sông nói riêng đã có những chuyển biến tích cực, trong đó các hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đã có ý thức hơn trong việc kinh doanh các mặt hàng dễ làm giả, làm nhái, như: Bánh kẹo, bột ngọt, nước ngọt và bột giặt... Chị Bùi Thị Quỳnh, hộ chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng khu vực dọc sông Đà, bản Song Pe, xã Song Pe, khẳng định: Mấy năm gần đây, ngoài việc được tuyên truyền các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, các hộ buôn bán vùng dọc sông còn ký cam kết không kinh doanh hàng giả, kém chất lượng... Cùng với đó, nhân dân trong vùng đã hình thành được ý thức trong hoạt động mua bán, do vậy việc kinh doanh hàng giả, kém chất lượng không thể diễn ra được. Bởi chỉ cần hộ kinh doanh nào làm trái quy định, nhân dân và các hộ kinh doanh khác sẽ thông báo ngay với lực lượng chức năng. Cả người mua và người bán giờ đây đều quan tâm tới chất lượng và xuất xứ hàng hóa thay vì quan tâm đến lợi nhuận và giá cả như trước đây.
Có thể khẳng định, những nỗ lực trong việc phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên địa bàn huyện Bắc Yên nói chung, tại các xã vùng dọc sông Đà nói riêng đã và đang góp phần hiệu quả vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đây là tín hiệu đáng mừng khi tại một địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức của người tiêu dùng, hộ sản xuất kinh doanh. Qua đó, đã góp phần không nhỏ trong việc thực hiện cuộc đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn bán hàng giả và hàng kém chất lượng trên địa bàn.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!