Có lẽ không nơi nào như huyện Bắc Yên, có hẳn một rừng cây mắc chai rộng vài ha ở ngay đầu cửa ngõ của trung tâm huyện.
Người dân bản Cao Đa bán quả mắc chai tại chợ thị trấn Bắc Yên.
Đi trên dốc của bản Cao Đa có thể nhìn thấy rừng mắc chai xanh thẫm với những cây cổ thụ cao chục mét. Không ai biết rừng cây mắc chai đó có từ bao giờ, bởi từ lâu lắm rồi, những người sinh sống ở thị trấn Bắc Yên đã gắn chặt những kỷ niệm, câu chuyện tuổi thơ, những ngày hè vào rừng nhặt củi, đứng dưới những gốc cây mắc chai cổ thụ, chờ những cơn gió thổi qua rồi xúm xít lao vào nhặt những quả mắc chai chín rụng, ăn ngon lành.
Quả mắc chai thuộc họ nhà muỗm - xoài, nhưng cây lại cao chục mét. Rừng mắc chai ở Bắc Yên có nhiều cây cổ thụ, gốc to hai ba người vòng tay không hết. Mùa quả mắc chai ở Bắc Yên từ cuối tháng 5 đến hết tháng 6. Những ngày này, người dân ở các bản Phiêng Ban, Hồng Ngài, Cao Đa, Chim Vàn... thường rủ nhau vào rừng nhặt mắc chai đem ra chợ bán. Thường thì mọi người vào rừng nhặt buổi sớm, nhưng có người còn căng cả bạt dưới gốc mắc chai để ngủ lại qua đêm. Cây mắc chai thẳng đứng, khó trèo, nên người nhặt phải chờ gió thổi qua, những quả mắc chai chín sẽ tự rụng xuống. Nền đất rừng mềm mịn được phủ kín bởi những thảm cỏ, lá khô nên những quả mắc chai chín khi rụng xuống ít khi bị vỡ, dập mà vẫn còn nguyên vẹn. Mỗi làn gió thổi qua, mỗi lần nghe tiếng lụp bụp của quả rơi xuống, mỗi gốc cây mắc chai cũng cho người nhặt hàng chục quả, trong một buổi có thể nhặt đầy cái lu cở. Gùi ra đến đầu cửa rừng là đã có người hỏi mua, một buổi sáng cũng có thể kiếm được mấy trăm nghìn.
Đến các hộ gia đình ở thị trấn Bắc Yên ngày này, dễ nhìn thấy những rổ đầy ắp những quả mắc chai thơm mọng. Quả mắc chai to như quả trứng gà, nhưng hạt to nên ăn phải đúng cách, nắn cho quả thật mềm, cắn một lỗ để vừa đủ mút, cảm nhận vị ngọt chua, thơm nức.
Những người ở Bắc Yên lâu năm thì lại nhớ về hương vị của mùi bánh mắc chai, lấy quả mắc chai chín mọng để làm ra những chiếc bánh ngọt. Quả mắc chai được luộc chín, loại vỏ và hạt ra để có một thứ bột vàng sánh, rồi tiếp tục nấu trên bếp lửa cháy liu riu cho đến cô lại thành một loại bột đặc sệt, khi đó sẽ mang ra tráng thành bánh (giống như tráng bánh đa), rồi đem đi phơi 1- 2 nắng cho xe lại, không được giòn mà chỉ ở mức độ dai dai. Khi ăn, người ta sẽ hấp trên nồi cơm hoặc bọc lá chuối để nướng trên bếp lửa, làm sao cho bánh chỉ kịp dẻo ra, rồi xé từng miếng nhỏ, nhai kỹ.
Đến với Bắc Yên, quê hương vợ chồng A Phủ, bên ấm chè Tà Xùa hôm nay sẽ có nhiều những câu chuyện về những đổi thay kỳ diệu trên mảnh đất này; nhưng cũng còn có nhiều câu chuyện, những kỷ niệm của một thời tuổi thơ đáng nhớ, trong đó có những kỷ niệm, cảm nhận về hương vị quả mắc chai...
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!