Nhiều năm trở lại đây, quả sơn tra và các sản phẩm chế biến từ quả sơn tra được thị trường ưa chuộng. Việc trồng cây sơn tra vừa có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đồi núi trọc, vừa đem lại giá trị kinh tế. Nhận thấy tiềm năng từ cây sơn tra mang lại, huyện Bắc Yên đã có những chính sách hỗ trợ đầu tư và vận động người dân trên địa bàn các xã vùng cao mở rộng diện tích, đem lại thu nhập cho người dân.
Kiểm tra chất lượng mắt ghép cây sơn tra tại huyện Bắc Yên.
Cây sơn tra (hay còn gọi là táo mèo) có từ rất lâu, chủ yếu mọc tự nhiên và phân bố rải rác trên các triền núi của các xã vùng cao. Để từng bước đưa cây sơn tra trở thành cây trồng chủ lực, đồng thời mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng quả tại các vùng trồng sơn tra, thời gian qua, huyện Bắc Yên đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách đầu tư phát triển sản xuất cây sơn tra, bước đầu hình thành vùng trồng tương đối tập trung tại 5 xã trên địa bàn huyện là Tà Xùa, Làng Chếu, Xím Vàng, Hang Chú, Háng Đồng với tổng diện tích hiện có 1.974ha trong đó gần 900ha đã cho thu hoạch, sản lượng bình quân trên 2.000 tấn quả/năm. Cùng với đó, huyện còn liên kết với các doanh nghiệp thu mua, chế biến quả sơn tra trên địa bàn đảm bảo luôn có đầu ra cho người dân với giá ổn định; phối hợp với Trung tâm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc tổ chức lựa chọn các cây gen trội để ghép mắt cải tạo 2.563 cây tại 3 xã (Hang Chú, Xím Vàng, Làng Chếu); hỗ trợ kỹ thuật, phân bón để nhân dân chăm sóc 56 ha cây sơn tra. Đồng thời, hướng dẫn người dân cách đốn tỉa, thu hái, phòng trừ sâu bệnh và các phương pháp bảo quản để kéo dài thời gian lưu quả; xây dựng vườn ươm sản xuất giống cây lưu động tại các xã để sản xuất cây giống tại chỗ phục vụ các hộ trồng. Do vậy, diện tích cây sơn tra càng ngày được mở rộng và tăng dần qua các năm.
Bản Nậm Lộng là vùng trồng cây sơn tra tập trung nhiều nhất xã Hang Chú với diện tích trên 160ha. Những năm qua, sản phẩm quả sơn tra tại đây luôn được đánh giá cao về chất lượng và mẫu mã so với các nơi khác trên địa bàn huyện do được thu hái đúng thời điểm. Ông Mùa A Chinh, hộ trồng sơn tra tại bản cho biết: Từ khi địa phương có chính sách đưa cây sơn tra trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế và tìm được đầu ra cho loại cây này, gia đình tôi đã mở rộng diện tích trồng. Đến nay, gia đình đã trồng trên 30 ha cây sơn tra. Ông cũng chia sẻ: Sau khi được các cán bộ của Trạm Khuyến nông huyện hướng dẫn kỹ thuật tỉa cành tạo tán, khống chế chiều cao cho cây, việc chăm sóc và thu hoạch sơn tra trở nên dễ dàng hơn nhiều so với trước đây, vì vậy năng suất quả sơn tra qua các năm tăng. Vụ thu hoạch vừa qua, gia đình ông thu gần 10 tấn quả. Với giá bán đầu vụ và cuối vụ dao động từ 45.000-50.000 đồng/kg, giữa vụ 18.000 - 20.000 đồng/kg, từ việc bán và thu mua quả từ các hộ dân bán cho các doanh nghiệp chế biến, trung bình mỗi năm gia đình ông thu gần 200 triệu đồng.
Ông Hờ A Dua, Bí thư Đảng ủy xã Hang Chú cho biết: Nhận thức rõ lợi ích và hiệu quả kinh tế của cây sơn tra, sau khi nhận được kế hoạch của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, xã đã khảo sát diện tích, lựa chọn địa điểm, khu vực rừng sơn tra tập trung để cải tạo, tuyên truyền, vận động nhân dân mở rộng diện tích cây sơn tra. Hiện, cả bản có trên 50 hộ nhận khoán rừng phòng hộ, trong đó được phép thu hái quả sơn tra trong phần rừng nhận khoán với tổng diện tích gần 140 ha. Khi chăm sóc, bảo vệ và trồng loại cây này, người dân còn được nhận tiền chi trả của dịch vụ môi trường rừng. Vì vậy, hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều muốn tiếp tục mở rộng diện tích. Theo kế hoạch, năm 2017, xã sẽ trồng mới và bổ sung trong diện tích rừng phòng hộ khoảng 100 ha cây sơn tra, phấn đấu nâng diện tích rừng cây sơn tra tại xã lên trên 700 ha.
Phát triển vùng cây sơn tra tập trung là hướng đi đúng của huyện Bắc Yên trong công cuộc giảm nghèo, không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế mà còn có tác dụng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, quy mô diện tích rừng cây sơn tra còn nhỏ lẻ, phân tán; các hộ trồng chưa chú trọng tới việc chăm bón sau thu hoạch dẫn đến năng suất quả qua các năm giảm. Kỹ thuật trồng, bảo vệ, thu hái, chế biến chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa có sự đầu tư thâm canh nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Đặc biệt, vào thời điểm vụ mùa, việc thu hái quả non vẫn còn diễn ra, dẫn đến chất lượng quả thấp và thời gian bảo quản ngắn. Vì vậy, trong thời gian tới, các cấp, ngành địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các quy trình kỹ thuật trồng, cải tạo, chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng sơn tra; chú trọng đến việc lựa chọn nguồn giống chất lượng; quy hoạch vùng tập trung và giao cho người dân quản lý, gắn trồng với chế biến, hướng tới việc xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm quả sơn tra, đem lại giá trị kinh tế cao và ổn định hơn nữa cho người sản xuất.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!