Những năm qua, huyện Bắc Yên tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất dốc sang trồng cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất; bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao từ cây ăn quả, góp phần tăng thu nhập cho người dân trên địa bàn.
Anh Đinh Văn Chấn (người bên phải), bản Pe, xã Song Pe chăm sóc vườn cây ăn quả.
Qua tìm hiểu được biết, thực hiện Đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp huyện Bắc Yên đến năm 2020, năm 2017, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã phối hợp với Trạm trồng trọt và BVTV tổ chức 8 lớp tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và một số biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây ăn quả cho 200 cán bộ, nhân dân của các xã Song Pe, Phiêng Ban, Mường Khoa, Tạ Khoa, Pắc Ngà, Chim Vàn, Chiềng Sại, Phiêng Côn. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn tự nguyện cho 4.890 lượt người nhằm thay đổi nhận thức, tư duy, tập quán canh tác. Qua đó, việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất đã có những thay đổi rõ nét, đặc biệt là việc ghép cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn quả trên đất dốc; diện tích vườn cây ăn quả tăng 30,1% so với năm 2016. Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, cho biết: Hiện nay, huyện có trên 4.100 ha cây ăn quả các loại, sản lượng ước đạt 3.400 tấn quả; năm 2017 trồng mới hơn 950 ha, trong đó trên 480 ha xoài, gần 130 ha sơn tra, hơn 110 ha nhãn, gần 200 ha chuối; trên 40 ha mận, đào, lê, cây có múi. Hỗ trợ thực hiện thâm canh 20 ha, nhân giống 1 ha cây sơn tra để khai thác nguồn mắt ghép; đốn tỉa, ghép cải tạo gần 55 ha nhãn, 45 ha xoài, hơn 8 ha sơn tra. Tổng kinh phí gần 13 tỷ đồng. Ngoài ra, trên địa bàn có 64 hộ gia đình có vườn cây ăn quả áp dụng công nghệ cao với quy mô từ 1 ha trở lên.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động của các hợp tác xã, hộ gia đình gắn với bao tiêu sản phẩm, quản lý vùng nguyên liệu, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm từ nhãn, xoài, sơn tra...
Gia đình anh Đinh Văn Chấn, bản Pe, xã Song Pe là hộ tiêu biểu thực hiện cắt, ghép cải tạo, ứng dụng công nghệ cao vào phát triển vườn cây ăn quả. Gia đình anh hiện có 4 ha cây nhãn, xoài, chanh tứ quý. Năm 2013, được tuyên truyền vận động, anh mạnh dạn ghép 400 cây nhãn địa phương với giống nhãn Hưng Yên, ghép 500 cây xoài với giống xoài Đài Loan. Năm 2014, trồng thêm 70 gốc chanh tứ quý. Thực hiện mô hình ngoài việc được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây trồng, tháng 10/2017, gia đình anh còn được hỗ trợ 1.000 cây xoài giống Đài Loan để mở rộng diện tích cây ăn quả. Bên cạnh đó, anh học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc mô hình nhãn ghép từ các hộ gia đình ở huyện Mai Sơn, Sông Mã. Anh Chấn phấn khởi nói: Mất khá nhiều thời gian và công chăm sóc nhưng bù lại giống nhãn mới cho năng suất, chất lượng cao: Quả to, ngọt, cùi dầy, vỏ mỏng, hạt nhỏ; giống xoài mới cho quả to, ít chua; chăm sóc đúng kỹ thuật, nhãn có thể cho thu gần 4 tạ quả/cây. Cứ đến mùa thu hoạch, thương lái từ Thái Nguyên, Yên Bái hay các thương lái trong tỉnh đến thu mua tận vườn với giá 20.000 đồng/kg nhãn, từ 20.000 đồng - 27.000 đồng/kg xoài, 15.000 đồng/kg chanh tứ quý. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình tôi thu gần 200 triệu đồng từ vườn cây ăn quả.
Ngắm nhìn từng vườn cây nhãn, xoài, sơn tra đang dần thay thế nương ngô, sắn kém hiệu quả, đến mùa thu hoạch, trái trên cây nặng trĩu, thương lái đến tận vườn thu mua, cảm nhận được niềm vui của người nông dân trên mảnh đất này. Tin rằng, những mô hình trồng cây ăn quả được nhân rộng sẽ giúp các hộ dân xóa đói, giảm nghèo bền vững.
Thu Thảo (CTV)
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!