Triển khai Nghị định 46: Xử phạt nhưng bảo đảm xử lý linh hoạt trong từng tình huống

Sau một thời gian Nghị định 46 được triển khai, có thể thấy người dân đã phần nào đồng tình với những thay đổi trong quy định xử phạt các hành vi vi phạm an toàn giao thông. Và để làm rõ hơn tình hình triển khai Nghị định 46 tại Đà Nẵng, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an TP. Đà Nẵng.

Trung tá Phan Văn Thương, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Đà Nẵng. 

Phóng viên (PV): Thưa ông, từ ngày 1/8/2016, Nghị định 46 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực với nhiều thay đổi, bổ sung và tăng nặng một số mức phạt. Ông có nhận định như thế nào sau khi Nghị định được triển khai? 

Trung Tá Phan Văn Thương: Nghị định 46 ra đời trong bối cảnh đã và đang nảy sinh nhiều phức tạp trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), cũng như hướng tới mục tiêu mà Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề ra “Tính mạng con người là trên hết”. Chính vì vậy, các văn bản quy phạm pháp luật phải điều chỉnh cho đúng với thực tế. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Nghị định 171 cũng như Nghị định 107 đã phát sinh một số vướng mắc, điều này buộc luật phải điều chỉnh nhằm thay đổi và bổ sung thêm một số hành vi vi phạm mới mà lực lượng chức không thể xử phạt. Tuy nhiên, phải khẳng định những thay đổi tại Nghị định 46 không nhằm gây khó khăn cho người dân mà chỉ nhằm tác động vào tâm lý và ý thức chấp hành luật của người tham gia giao thông. Khi người dân đã hiểu và tự giác chấp hành luật thì giao thông sẽ an toàn với không chỉ họ mà còn với cả người xung quanh.

PV: Vậy sau một thời gian triển khai trong thực tế, ông đánh giá thế nào về tình hình thực hiện cũng như hiệu quả mà Nghị định 46 mang lại trên địa bàn Thành phố?

Trung Tá Phan Văn Thương: Trước khi triển khai thực hiện Nghị định, đơn vị đã tham mưu cho Ban Giám đốc công an thành phố tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan cho các lực lượng từ CSGT, cảnh sát trật tự, công an các quận, huyện, phường, xã để nắm vững và tuyên truyền cho nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi đã phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền cho người dân, đặc biệt là những lỗi vi phạm mới và những mức phạt bổ sung kèm theo để người dân nắm được, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Đến thời điểm này, tại thành phố Đà Nẵng chưa xuất hiện những bất cập cũng như phản hồi tiêu cực nào từ phía người dân liên quan đến Nghị định 46. Vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất hiện nay chỉ xoay quanh quy định xử phạt đối với trường hợp vượt đèn vàng. Tuy nhiên, tôi phải nói rõ thêm rằng trước đây trong Nghị định 171 và 107, chúng ta đã có quy định 2 hành vi liên quan đến nội dung này, một là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông với mức phạt thấp, hai là hành vi vượt đèn đỏ với mức phạt cao hơn. Còn đối với Nghị định 46, chúng ta chỉ gộp 2 lỗi vi phạm trên thành một là không chấp hành tín hiệu đèn giao thông với mức phạt như nhau. Luật Giao thông đường bộ cũng quy định rất rõ tại khoản 3, Điều 10 khi có đèn vàng phương tiện phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đã đi qua vạch dừng thì mới được đi tiếp. Như vậy, rõ ràng ở đây chúng ta đã có quy định về xử phạt đối với hành vi vượt đèn vàng chứ không phải bây giờ mới có. Bên cạnh đó, tại điều 24 của luật cũng quy định phương tiện khi đến gần các điểm giao nhau phải chú ý giảm tốc độ. Chính vì vậy theo tôi một số ý kiến viện dẫn lý do xử phạt lỗi vượt đèn vàng không đúng luật là những người chưa nắm rõ luật, nếu người tham gia giao thông thực sự có ý thức chấp hành luật thì việc điều chỉnh là rất dễ dàng.

PV: Là một Nghị định mới với nhiều quy định sửa đổi, bổ sung, vậy CSGT Đà Nẵng đã có những kế hoạch như thế nào để Nghị định đi vào cuộc sống và tránh những phản hồi không đáng có từ người dân?

Trung Tá Phan Văn Thương: Quan điểm của chúng tôi là xử phạt nhưng bảo đảm xử lý linh hoạt trong từng tình huống. Cụ thể, với những trường hợp không rõ ràng thì chúng tôi sẽ không tiến hành xử phạt. Chúng ta không nên áp dụng máy móc quy định vào thực tế vì để xử lý một trường hợp vi phạm không phải cứ theo luật mà được, điều quan trọng là làm sao để người vi phạm tự ý thức được hành vi của mình là sai để thay đổi. Bên cạnh đó khi đèn vàng đã bật, lực lượng CSGT tại các chốt cũng sẽ ra hiệu lệnh để các phương tiện chủ động dừng lại.

Ngoài ra để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống, CSGT Đà Nẵng đã tiến hành tuyên truyền về những quy định mới của Nghị định 46 trên hệ thống phát thanh tại các nút giao thông để người dân được biết và tự giác chấp hành. Đơn vị cũng đã đề nghị sở GTVT lắp hệ thống đèn đếm ngược tại các nút giao để việc xử phạt được tiến hành chính xác, khách quan, đồng thời tạo điều kiện cho người dân thuận lợi hơn trong quá trình tham gia giao thông. Tuy nhiên, để Nghị định thực sự đi vào cuộc sống theo tôi cần phải có thời gian và lộ trình nhất định, vì muốn thay đổi từ ý thức đến hành vi của người tham gia giao thông là một thời gian dài.

PV: Hiện thành phố đã sơ kết công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) 6 tháng đầu năm, vậy từ nay đến cuối năm, lực lượng CSGT thành phố sẽ tiếp tục triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông như thế nào?

 

Trung Tá Phan Văn Thương: Xuất phát từ tình hình TTATGT nói riêng và xây dựng thành phố văn minh hiện đại nói chung, vừa qua Thành ủy, UBND và HĐND đã quyết định lắp đặt tại 11 nút giao thông hệ thống camera và hệ thống đo tốc độ phương tiện để giám sát tình hình giao thông trên địa bàn. Tới thời điểm này, tất cả đường truyền đã cơ bản kết nối, bên cạnh đó phòng CSGT đã phối hợp với Sở GTVT và cơ quan liên quan xây dựng cơ chế phối hợp, kiểm tra giám sát thông qua hình ảnh. Chúng tôi cũng đề xuất Ban Giám đốc công an thành phố mua thêm các máy tính bảng kết nối 3G để xử phạt trực tiếp (xử phạt nóng) đối với các trường hợp vi phạm trên đường. Với phương án này, sau khi ghi nhận lỗi vi phạm qua hệ thống camera, trung tâm sẽ chuyển hình ảnh trực tiếp cho các đơn vị cắm chốt trên đường để dừng xe và xử phạt.

Thời gian tới, lực lượng CSGT cũng sẽ phối hợp với Sở, ban, ngành tiến hành khảo sát đợt 2 những bất cập trong tổ chức giao thông trên địa bàn, từ đó có những kiến nghị cụ thể lên lãnh đạo thành phố. Về chuyên môn, lực lượng CSGT sẽ tiếp tục triển khai ra quân xử phạt các lỗi vi phạm liên quan đến xe máy điện, mở chuyên đề với các loại xe cũ nát (không còi, không đèn, không giấy tờ, không biển số), các hành vi vi phạm nồng độ cồn…

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo ĐCSVN
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới