Thời gian qua, Sở GT-VT đã có nhiều cố gắng trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu TNGT, ngăn chặn xử lý các hành vi xâm phạm công trình giao thông, lấn chiếm hành lang ATGT; thẩm định ATGT trên các tuyến đường; chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan liên quan xử lý TNGT khi có yêu cầu và thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn đường bộ, đường thuỷ nội địa xảy ra trên địa bàn.
Hệ thống đường bộ của tỉnh Sơn La có tổng chiều dài 9.900 km, bao gồm: 651 km quốc lộ, 912 km đường tỉnh, 143 km đường đô thị, 1.996 km đường huyện, 5.916 km đường xã và 282 km đường chuyên dùng. Trên địa bàn tỉnh cũng có 2 tuyến đường thủy nội địa là sông Đà và sông Mã, trong đó, việc khai thác và các hoạt động vận tải chủ yếu là trên sông Đà với chiều dài khoảng 234 km. Đoạn vùng lòng hồ thủy điện Hoà Bình với chiều dài 160 km là đường thủy quốc gia, kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng cơ bản, do Ban quản lý đường sông số 9 quản lý; đoạn vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La dài 74 km được giao cho các huyện quản lý. Tỉnh ta có Cảng hàng không Nà Sản đã được phê duyệt Quy hoạch điều chỉnh giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, hiện đang dừng hoạt động để chờ đầu tư nâng cấp. Đối với hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải, trên địa bàn tỉnh có 11 bến xe ô tô khách đã được công bố xếp loại và đưa và khai thác theo quy chuẩn quy định của Bộ Giao thông vận tải và 1 bến xe buýt đạt tiêu chuẩn loại V.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, Sở Giao thông Vận tải đã tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó đặc biệt quan tâm đến việc rà soát, điểu chỉnh, bổ sung hợp lý hệ thống báo hiệu đường bộ, thiết bị an toàn giao thông; phát hiện và xử lý kịp thời các hư hỏng về cầu đường, phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Bên cạnh đó, Sở cũng đã chủ động trong công tác khắc phục các hậu quả mưa lũ, bảo đảm giao thông thông suốt; xác định và xử lý được 8 “điểm đen” trên quốc lộ; xác định được các điểm dừng. đỗ đối với các tuyến vận tải hành khách cố định, các vị trí xây dựng cầu treo dân sinh. Phối hợp chỉnh trang một số tuyến đường đô thị, điều chỉnh tổ chức giao thông tại nút giao quốc lộ 6 với các tuyến đường ngang; xây dựng và hoàn thiện 5 cụm đèn tín hiệu điều khiển giao thông tại các huyện Mộc Châu, Yên Châu, Mai Sơn và Phù Yên; lắp đặt hệ thống đèn chớp vàng trên đường đô thị địa bàn Thành phố.
Tuy nhiên, công tác tổ chức quản lý vận tải đường bộ, đường thuỷ nội địa gặp nhiều khó khăn. Tình trạng vi phạm kết cấu hạ tầng giao thông trên các quốc lộ và tỉnh lộ còn phổ biến, khó ngăn chặn; các đầu nối trái phép vào đường giao thông công cộng làm phát sinh xung đột; các biển quảng cáo, biển tuyên truyền làm che khuất tầm nhìn hoặc giảm sự tập trung của người tham gia giao thông vào các biển báo hiệu giao thông; hành lang an toàn đường bộ tiếp tục bị xâm lấn do công tác quản lý đất đai tại một số địa phương chưa tốt, nhiều bản vẽ quy hoạch sử dụng đất, bao gồm cả hành lang ATGT. Công tác đăng ký phương tiện thuỷ nội địa cũng gặp khó khăn, vì các phương tiện hoạt động đan xen giữa phục vụ đánh bắt, khai thác thuỷ sản và vận chuyển, chở khách khi có nhu cầu; nhiều phương tiện gia dụng, phương tiện có công suất dưới 5CV, người sử dụng phương tiện không tự giác đăng ký đăng kiểm nên khó khăn trong việc quản lý phương tiện... Đây chính là những nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến TNGT.
Khắc phục thực trạng trên, Sở GT-VT đã không ngừng đổi mới công tác quản lý nhà nước về giao thông vận tải và đảm bảo ATGT trên địa bàn với nhiều việc làm thiết thực. Đó là, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT bằng nhiều hình thức, nội dung, phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, địa phương. Cải cách thủ tục hành chính và áp dụng khoa học công nghệ trong công tác đăng ký, kiểm định và quản lý phương tiện giao thông; đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, bằng và chứng chỉ lái phương tiện thuỷ nội địa… vừa tạo thuận lợi cho nhân dân, vừa góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe, đáp ứng yêu cầu tình hình mới. Theo điều tra của ngành GT-VT tỉnh, năm 2005 tỷ lệ đăng ký phương tiện thuỷ nội địa trên địa bàn mới đạt 40%, thì nay đã tăng lên 90%. Từ năm 2013 đến nay, Sở GTVT đã cấp, đổi hơn 91.800 giấy phép lái xe các hạng và cấp gần 100 chứng chỉ thuyền viên; đặc biệt trong năm 2012, tỉnh đã tổ chức đào tạo và cấp bằng, chứng chỉ chuyên môn miễn phí cho 354 người điều khiển phương tiện thủy. Công tác quản lý, điều hành, thanh tra, TTKS và xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT đường bộ, đường thuỷ nội địa; quy hoạch, quản lý, phát triển hạ tầng giao thông; quản lý vận tải; thực hiện các biện pháp đảm bảo TTATGT đường bộ, đường thuỷ được quan tâm thực hiện quyết liệt. Nhờ vậy, đã góp phần tích cực cùng các lực lượng chức năng, các địa phương trên địa bàn hạn chế tối đa các vụ TNGT.
Sở GTVT đã trình UBND tỉnh phê duyệt và công bố Quy hoạch phát triển GTVT, Quy hoạch bến thủy nội địa, Quy hoạch đầu nối trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, Quy hoạch hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải, Quy định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ địa phương, Quyết định cấp phép sử dụng tạm thời một phần lòng đường làm nơi đỗ xe trên tuyến đường nội thị, Quy hoạch hạ tầng hỗ trợ dịch vụ vận tải.v..v… Đây sẽ là cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, thúc đẩy kinh tế, xã hội ngày càng phát triển.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!