Nghị định số 46/2016/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ 1/8/2016: Nhiều lỗi vi phạm giao thông sẽ bị xử phạt cao

Ngày 26/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, có nhiều điểm mới, đặc biệt sẽ tăng nặng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Nguyễn Thanh Hải, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) về những điểm cần lưu ý trong Nghị định. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Lực lượng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh tăng cường kiểm tra việc chấp hành Luật

Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông.

 

PV: Xin ông cho biết ý nghĩa của việc ban hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP?

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải: Hiện nay, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đang áp dụng Nghị định 171/2013, Nghị định 107/2014. Theo đó, chế tài xử phạt lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các nhóm hành vi vi phạm mức phạt thấp, chưa đủ sức răn đe người vi phạm, dẫn đến tỷ lệ vi phạm còn cao. Tại tỉnh ta, từ năm 2015 đến 30/6/2016, lực lượng CSGT tỉnh đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 2.100 trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có nồng độ cồn; gần 2.900 trường hợp xe quá tải trọng... Những hành vi trên là nguyên nhân chủ yếu gây ra nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, hai nghị định cũ quy định hành vi và nhóm hành vi vi phạm cũng như đối tượng chưa cụ thể, rõ ràng, gây khó khăn cho người thực thi nhiệm vụ.

Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định các văn bản mới hướng dẫn thi hành Luật Giao thông đường bộ, dễ hiểu và dễ áp dụng, cơ bản khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho lực lượng chức năng trong quá trình làm nhiệm vụ.

PV: Nghị định 46/2016/NĐ-CP có những điểm mới nào người tham gia giao thông cần biết và thực hiện, thưa ông?

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải: Nghị định 46/2016/NĐ-CP đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ, gồm: Nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, vi phạm trên đường cao tốc, vi phạm chở hàng quá trọng tải cho phép chở của phương tiện, vi phạm chở hàng quá tải trọng cho phép của cầu, đường; các hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh vận tải đường bộ và một số hành vi vi phạm quy tắc giao thông.

Cụ thể, đối với nhóm vi phạm về nồng độ cồn, Nghị định 46 tăng mức phạt tiền tất cả hành vi của người điều khiển ô tô từ 10 - 15 triệu đồng lên 16 - 18 triệu đồng đối với người có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/lít khí thở (mức 3), tước giấy phép lái xe (GPLX) 4 - 6 tháng. Đối với người điểu khiển mô tô, xe máy vi phạm về nồng độ cồn, mức phạt cũng tăng; vi phạm ở mức 3 bị phạt 3 - 4 triệu đồng, tước GPLX 3 - 5 tháng. Hành vi người điều khiển mô tô, xe máy đi vào đường cao tốc bị phạt tiền 500 nghìn - 1 triệu đồng thay vì mức 200 - 400 nghìn đồng trước đây.

Nghị định cũng bổ sung quy định, nếu dùng chân điều khiển vô lăng xe ô tô khi xe đang chạy trên đường bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng; mức phạt này cũng áp dụng đối với hành vi điều khiển xe lạng lách, đánh võng; trường hợp vi phạm mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây TNGT sẽ bị phạt từ 18 - 20 triệu đồng.

Đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có GPLX) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có GPLX hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng GPLX).

Nghị định tăng mức phạt đối với lái xe và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa vi phạm quy định về vận tải đường bộ các mức từ 20 - 50%, 50 - 100%, 100 - 150%. Mức phạt cao nhất đối với trường hợp lái xe chở quá tải trên 150% sẽ phạt tiền từ 8 - 12 triệu đồng và bị tước GPLX 3 - 5 tháng, bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc phải hạ phần hàng quá tải, dỡ phần hàng vượt quá kích thước quy định (theo Nghị định 171, hành vi này chỉ bị xử phạt 7 - 8 triệu đồng). Đối với chủ phương tiện, phạt tiền từ 28 - 32 triệu đồng đối với cá nhân; từ 56 - 64 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô khi giao phương tiện hoặc để cho người làm công, người đại diện điều khiển phương tiện vượt quá tải trọng cho phép của cầu, đường trên 150%.

Theo quy định có 5 hành vi vi phạm Luật giao thông đường bộ được lùi thời gian áp dụng đến 1/1/2017 gồm: Nghe điện thoại di động khi đang lái xe ô tô; người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn khi xe đang chạy; không đăng ký sang tên xe mô tô, xe gắn máy; Taxi không có thiết bị in hóa đơn; ô tô chở hành khách vượt quá tải trọng.

PV: Phòng CSGT, Công an tỉnh đã tổ chức quán triệt, triển khai như thế nào để Nghị định 46/2016/NĐ-CP sớm đi vào cuộc sống?

Thượng tá Nguyễn Thanh Hải: Phòng CSGT đã tham mưu với ban Giám đốc Công an tỉnh xây dựng kế hoạch quán triệt, triển khai trong toàn lực lượng, nhất là lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: Lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội... để nắm vững nội dung quy định, tổ chức thực hiện kịp thời, nghiêm túc, hiệu quả. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nắm được nội dung cơ bản của Nghị định để chấp hành và thực hiện nghiêm túc trong quá trình tham gia giao thông. Đảm bảo khi Nghị định có hiệu lực sẽ được triển khai đồng loạt trên toàn tỉnh, tránh sai sót trong quá trình áp dụng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Thu
BÌNH LUẬN

Bạn còn 500/500 ký tự

Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!

Tin mới