Để kéo giảm tai nạn giao thông, nhiều giải pháp “nóng” sẽ được thực hiện ngay trong quí II năm 2017 như: sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát vi phạm; nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe...
Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Những tháng đầu năm, tình hình tai nạn giao thông (TNGT) vẫn diễn biến phức tạp, nhiều địa phương có số người chết vì TNGT tăng mạnh, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy liên tiếp xảy ra. Xung quanh vấn đề này, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông thời gian tới.
Phóng viên (PV): Xin ông cho biết đôi nét về tình hình trật tự an toàn giao thông những tháng đầu năm 2017?
Ông Khuất Việt Hùng: Theo thống kê, chỉ trong 2 tháng đầu năm 2017 (tính từ ngày 16/12/2016 đến 15/2/2017), cả nước xảy ra 3.465 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người; so với cùng kỳ năm 2016 giảm 153 vụ, giảm 20 người chết và giảm 707 người bị thương. Mặc dù giảm trên cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn 26 địa phương có số người chết vì TNGT tăng, trong đó 10 tỉnh tăng trên 40% gồm: Đắk Nông, Bắc Giang, Lâm Đồng, Phú Yên, Bạc Liêu, Thái Bình, Quảng Trị, Lạng Sơn, An Giang và Yên Bái.
Đặc biệt, 3 tỉnh Lạng Sơn, An Giang, Yên Bái có số người chết tăng trên 100%. Bên cạnh đó, nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng cả trên đường bộ, đường sắt và đường thủy liên tiếp xảy ra. Từ đầu năm đến nay cả nước đã xảy ra 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương 30 người; 9 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 17 người, bị thương 62 người; trong đó có 17 vụ TNGT đường bộ, 2 vụ TNGT đường sắt, 2 vụ TNGT đường thủy nội địa.
PV: Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến tình hình an toàn giao thông vẫn điễn biến phức tạp và nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra như vậy?
Ông Khuất Việt Hùng: Trước hết, cần khẳng định hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện, nhưng vẫn còn quá nhiều điểm đen TNGT chưa được xử lý dứt điểm, nhất là tình trạng đường ngang, lối đi dân sinh trái phép trên hệ thống đường sắt với 4.268 lối đi dân sinh bất hợp pháp; hệ thống vạch sơn, tín hiệu, biển báo giao thông trên nhiều tuyến đường bộ, không có gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm từ đường phụ ra đường chính. Trong khi đó, kinh phí dành cho công tác giải tỏa hành lang an toàn giao thông và xử lý, khắc phục các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT lại rất hạn chế; đồng thời cũng thiếu cơ chế cho các địa phương tạo và duy trì nguồn ngân sách cho công tác này.
Cũng phải nhấn mạnh, tình trạng trên có nguyên nhân lớn từ ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn yếu. Đặc biệt là hạn chế về ý thức đạo đức, nghề nghiệp của một bộ phận chủ phương tiện cũng như một số lái xe, thuyền viên trong hoạt động kinh doanh vận tải. Bên cạnh đó, trình độ, kỹ năng điều khiển phương tiện của một bộ phận người lái xe ô tô, lái xe mô tô còn yếu kém cũng là nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông.
Phân tích nguyên nhân các vụ TNGT đường bộ cho thấy, có 30,2% do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; 7,6% do vi phạm tốc độ xe chạy; 12,5% do chuyển hướng không chú ý; 11,3% do quy trình thao tác xe và 5,2% do vượt xe.
Với các vụ tai nạn giao thông đường sắt thì nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu cũng do người điều kiển phương tiện giao thông vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, chiếm 33,33%; do người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, người đi bộ qua đường ngang dân sinh chiếm 53,84%...
Đối với đường thủy nội địa, thì nguyên nhân xảy ra tai nạn chủ yếu do người điều khiển phương tiện vi phạm quy tắc tránh vượt và đâm va chướng ngại vật.
PV: Thưa ông, để kéo giảm TNGT, giải pháp "quen thuộc" vẫn thường được nói đến là đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật để nâng cao ý thức người dân. Nhưng ông có cho rằng giải pháp “nóng” cần thực hiện ngay là hoàn thiện hệ thống pháp luật, lực lượng chức năng cần xử phạt nghiêm minh để tăng tính răn đe?
Ông Khuất Việt Hùng: Tôi khẳng định, để kéo giảm tai nạn giao thông, nhiều giải pháp “nóng” sẽ được thực hiện ngay trong quí II năm 2017. Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật sẽ là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu phải thực hiện ngay. Theo đó, sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, các quy định về tổ chức bộ máy quản lý về an toàn giao thông; nghiên cứu ban hành quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Trong việc đào tạo, sát hạch và tập huấn người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, chúng tôi sẽ khẩn trương rà soát, bổ sung chương trình đào tạo và nội dung sát hạch lý thuyết và thực tế đối với lái xe ô tô kinh doanh vận tải các kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện đi qua nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt; điều khiển phương tiện trên địa hình đèo dốc, hiểm trở...
Cùng với đó là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, trong đó tập trung vào các địa phương, trung tâm đào tạo, sát hạch có nhiều lái xe được cấp giấy phép vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông gây tai nạn nghiêm trọng.
Nhiệm vụ trọng tâm nữa sẽ được thực hiện là tăng cường tuần tra kiểm soát, chú trọng tuần tra lưu động, mô hình tổ tuần tra phối hợp cảnh sát giao thông với các lực lượng cảnh sát khác. Đẩy mạnh xử lý hành vi người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ vi phạm về nồng độ cồn, chở quá tải trọng hàng hóa, quá số hành khách; phương tiện thủy chở quá số người quy định, chở quá tải trọng, thiếu dụng cụ cứu sinh. Đặc biệt, gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách.
Tất nhiên, cùng với các biện pháp trên thì thời gian tới việc xây dựng văn hóa giao thông cho toàn xã hội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện. Trong đó, sẽ thực hiện đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, hoàn thiện chương trình đào tạo gắn liền giữa học lý thuyết với thực hành về văn hóa giao thông và đưa vào chương trình chính khóa trong hệ thống giáo dục phổ thông, từ Tiểu học đến Trung học phổ thông; có chiến lược truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội và những môi trường thông tin phù hợp với nhu cầu và thị hiếu của thanh, thiếu niên.
PV: Ông vừa nói đến việc gắn và xử lý trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị theo địa bàn được phân công phụ trách. Đây là vấn đề đã được nhắc đến nhiều nhưng có vẻ chưa quyết liệt?
Ông Khuất Việt Hùng: Đúng là mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều nghị quyết, chỉ thị về bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng đến nay vẫn chưa có quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Vì vậy, việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo, nơi mạnh, quyết liệt thì chuyển biến, những nơi nào chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước cũng như trong thanh tra, tuần tra, kiểm soát. Thậm chí, còn một bộ phận người thực thi nhiệm vụ có biểu hiện hạn chế về năng lực, thiếu trách nhiệm, dung túng vi phạm, thậm chí tiêu cực, làm trái quy định.
PV: Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng cần luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra TNGT nhiều và nghiêm trọng. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?
Ông Khuất Việt Hùng: Theo tôi, việc luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để xảy ra TNGT nhiều và nghiêm trọng là cần thiết. Bởi nếu trách nhiệm không rõ, sẽ không xử lý được ai. Việc luật hóa sẽ giúp nâng cao trách nhiệm cũng như vai trò của lãnh đạo của người đứng đầu các cấp trong tổ chức thực hiện những quy định của pháp luật cũng như những chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Để làm điều này, Bộ Giao thông vận tải cũng cần nhanh chóng xây dựng quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với tổ chức và người thực thi công vụ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; ban hành quy định xử lý trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong việc thực hiện Quy chế phối hợp giữa Bộ Giao thông vận tải và địa phương trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đường sắt với đường bộ./.
Bạn còn 500/500 ký tự
Bạn vui lòng nhập từ 5 ký tự trở lên !!!